Yến sào là gì, giá bao nhiêu? Tác dụng của yến sào và cách nấu
Yến sào là một trong những thực phẩm bổ dưỡng, rất tốt cho sức khỏe, thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nguyên liệu này. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số thông tin để thêm hiểu về loại thực phẩm đặc biệt này bạn nhé.
Yến sào là gì?
Yến sào là gì? Tổ yến được làm từ gì? Có khá nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Yến sào là tên gọi của một loại thực phẩm vốn được xem là một loại "cao lương mỹ vị". Yến sào hay tổ yến (nói đúng hơn là tổ chim yến làm ở trong hang/động (sào huyệt)) chính là thực phẩm, dược phẩm nổi tiếng được làm bằng tổ của chim yến.
Yến sào được tạo nên từ tuyến nước bọt nằm dưới lưỡi của chim yến. Loài chim này tiết ra nước bọt để tạo thành tổ trên những vách đá, nước bọt của chim yến sẽ được đan xếp với nhau rồi đông cứng để tạo thành những chiếc tổ yến. Thông thường sẽ mất khoảng 1 tháng để chim yến có thể tạo thành công 1 chiếc tổ và tháng 3, tháng 5 chính là thời điểm mà chim yến làm tổ.
>> Có thể bạn quan tâm: Tuyết yến là gì? Tác dụng và cách ngâm tuyết yến nhanh nở
Giá yến sào bao nhiêu?
Thường thì chim yến làm tổ ở trên những vách đá cheo leo, khá hiểm trở, chính vì thế việc khai thác tổ yến gặp nhiều khó khăn và cũng rất nguy hiểm. Đây cũng chính là một phần lý do dẫn tới giá thành của thực phẩm này khá đắt đỏ.
Tùy vào chất lượng, nguồn gốc cũng như đặc điểm của từng loại yến sào mà giá bán của nó cũng có sự khác biệt. Theo khảo sát của chúng tôi thì giá tổ yến (bạch yến) thô hiện nay dao động từ 2 - 3 triệu đồng/100g, còn yến sào đã qua sơ chế có thể từ 4 - 6 triệu đồng/100g. Còn hồng yến hiếm gặp hơn thì còn có giá cao hơn, thường là vài chục triệu/100g tùy thuộc vào giá cả thị trường.
Các loại yến sào trên thị trường
Yến sào có những loại nào? Dưới đây là tên các loại yến sào trên thị trường để giúp bạn dễ dàng phân biệt:
Phân loại theo màu sắc yến
- Yến huyết: Yến huyết có giá thành vô cùng đắt đỏ, thường có giá khoảng 25 triệu đồng/100g. Loại yến này được tạo ra do có màu của chim yến lẫn vào nước bọt trong quá trình xây tổ, thế nhưng nó cũng chỉ là dựa vào quan niệm dân gian mà thôi. Trên thực tế, màu đỏ của yến huyết là do phản ứng của một số chất có trong tổ yến khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
- Hồng yến: Hồng yến nghiêng nhiều về màu hồng, cam đậm hoặc nhạt chứ không có màu đỏ như yến huyết. Tuy nhiên về giá trị thì nó vẫn sánh ngang với huyết yến.
- Bạch yến: Đây là loại yến sào phổ biến nhất trên thị trường hiện nay và chiếm đến 90% lượng tổ yến trên thế giới.
Phân loại theo độ sạch của yến
- Yến thô: Loại yến này chưa được sơ chế nên vẫn chứa khá nhiều phân chim, lông chim cùng các tạp chất... Tuy nhiên vì chưa được sơ chế nên loại yến này thường có giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời giữ được nguyên hương vị nguyên bản.
- Yến sơ chế: Loại yến này đã được làm sạch tạp chất, lông chim... Đây là loại yến được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
- Yến tinh chế: Loại yến này đã trải qua nhiều công đoạn khác nhau, được loại bỏ tạp chất và chỉ giữ lại hàm lượng dinh dưỡng tốt. Giá thành của nó cũng khá đắt đỏ và cũng không được dùng phổ biến như các loại yến kể trên.
Phân loại theo nguồn gốc
- Tổ yến hoang, yến đảo tự nhiên: Loại tổ yến này được khai thác ngoài biển đảo nên có những đặc tính riêng và có giá trị dinh dưỡng cao. Khai thác loại yến này rất nguy hiểm nên giá thành của nó cũng không phải dạng vừa.
- Tổ yến nhà: Loại tổ yến này chủ yếu là từ loài yến Esculanta do con người xây dựng và nuôi dưỡng. Người ta sẽ dùng kỹ thuật để xây dựng và dẫn dụ chim yến về làm tổ, sau đó thu hoạch tổ yến. Chất lượng của loại yến này còn tùy thuộc vào khu vực sinh sống, lượng thức ăn mà chim yến được ăn.
Phân biệt yến thật giả
Vì giá thành đắt đỏ nên có thể dễ hiểu khi yến sào được làm giả khá nhiều. Dưới đây là một vài cách giúp bạn có thể phân biệt yến thật và giả:
Phân biệt yến thô thật/giả
- Mùi vị, hình thức: Tổ yến thô thật thường có mùi tanh của nước biển, có màu trắng, vàng hoặc vàng cam, đặc biệt chúng không bị phai màu khi ngâm nước. Với yến nguyên tổ thì các sợi sẽ chồng chéo, đan xen nhau như xơ mướp chứ không theo quy luật sắp xếp nào. Tổ yến thô thật cũng có hình thức không hoàn hảo, có độ dày mỏng khác nhau. Khi bạn đem soi dưới ánh nắng thì có thể nhìn thấy ánh sáng chiếu xuyên qua. Còn tổ yến thô giả sẽ có các sợi xếp khít với nhau, được trộn thêm các chất phụ gia, khi soi dưới nắng sẽ các dạng đục và phản chiếu ánh sáng.
- Khi ngâm nước: Yến thật dù ngâm hay đun sôi thì vẫn còn nguyên hình dạng sợi, nước ngâm trong, không bị biến đổi màu sắc. Còn yến giả sẽ bị nở bung ra dễ dàng, sợi yến nhão, nước ngâm bị vẩn đục chỉ sau vài phút.
Phân biệt yến tinh chế thật/giả
- Hình thức: Yến tinh chế thật thường có tính xốp, dễ vỡ, hơi giòn, không dẻo. Khi bóp hoặc bẻ sợi yến sẽ vụn gãy ngay. Còn yến tinh chế giả sẽ có cảm giác bó chặt thành khối, các sợi bết với nhau. Nếu được độn thêm collagen, đường... thì chỉ cần tiếp xúc với không khí vài ngày sợi yến sẽ dẻo. Ngoài ra, yến giả có sợi thường bóng bẩy và to hơn sợi yến thật.
- Mùi vị: Yến thật thường không có vị, còn yến giả thì thường được trộn và có vị mặn hoặc ngọt.
- Sau khi chưng: Yến thật sau khi chưng sợi sẽ hút nước, nở to và trong hơn nhưng không bị tan hoặc nhão. Yến thật cũng có thể hơi tanh nhẹ, các sợi yến nổi hết lên trên nhưng khi được bảo quản trong tủ lạnh thì không còn mùi tanh nữa. Trong khi đó yến giả chưng lên có mùi tanh đặc trưng của các chất phụ gia như rong biển, lòng trắng trứng... Nếu yến được độn bằng rong biển thì khi chưng lên cũng nở to, sợi thô ăn sần sật.
Tác dụng của yến sào
Yến sào được biết đến với rất nhiều tác dụng cho sức khỏe. Dưới đây là những tác dụng cụ thể của loại thực phẩm này:
- Kích thích vị giác, hỗ trợ toàn diện cho quá trình tiêu hóa, giúp hấp thu các chất dinh dưỡng một cách dễ dàng và nhanh chóng.
- Tăng cường hoạt động của hệ tuần hoàn, tim mạch, làm giảm thiểu tỉ lệ tăng huyết áp.
- Ngăn ngừa thiếu hụt dinh dưỡng cho mẹ bầu, người già, người mới ốm dậy.
- Giúp kiểm soát cân nặng, hỗ trợ cơ thể tái tạo collagen, giúp tế bào da nhanh chóng được phục hồi.
- Giúp an thần, cải thiện trí nhớ, tăng cường hoạt động cho não bộ.
- Tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.
- Giúp bổ phế, long đờm, giảm ho.
- Chống lão hóa, làm đẹp da.
- Bổ máu, tốt cho khí huyết.
- Giúp trẻ phát triển toàn diện.
- Tăng cường chức năng gan.
- Cải thiện chức năng sinh lý.
- Tốt cho hệ xương khớp...
Cách nấu yến sào và sử dụng đúng cách
Dưới đây là cách chưng yến sào đơn giản nhất không bị tanh và giữ được 100% dưỡng chất để bạn có thể tham khảo:
- Cho yến được sơ chế sạch và ngâm mềm vào thố hoặc hũ thủy tinh. Sau đó cho nước ngập mặt yến và cho vào nồi hấp, hấp cách thủy 30 - 40 phút.
- Hấp xong có thể lấy ra ăn trực tiếp hoặc ăn kèm chè, cháo...
- Khi chưng bạn nên đậy kín nắp của hũ hoặc thố chưng và có thể cho thêm vài lát gừng tươi để giảm bớt tính hành của yến, đồng thời giảm bớt mùi tanh.
- Ban đầu bạn nên để lửa lớn, sau khi nước trong nồi sôi lên thì hạ lửa nhỏ và đun liu riu.
Nếu muốn bạn có thể chưng yến với hạt sen, táo đỏ, đường phèn để tăng thêm hương vị nhé.
Một số lưu ý khi sử dụng yến sào:
- Thời điểm sử dụng yến sào lý tưởng là buổi sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.
- Không nên dùng yến sào lúc no bụng bởi có thể làm giảm hấp thụ các chất dinh dưỡng.
- Trẻ em 1 - 4 tuổi chỉ nên dùng 1 - 2 gam tổ yến tinh chế/ngày.
- Trẻ em từ 4 tuổi, phụ nữ có thai, người trưởng thành có thể dùng 2 - 3 gam yến tinh chế mỗi ngày.
- Người cao tuổi, người mới ốm dậy... có thể dùng 3 - 4 gam yến tinh chế mỗi ngày.
- Một số đối tượng sau nên cân nhắc khi dùng tổ yến: Trẻ em dưới 1 tuổi, người có bệnh về đường ruột, đầy bụng, đau bụng, người có chức năng hoạt động của tì vị suy giảm...
>> Xem thêm:
Cách bảo quản yến sào
Với yến sào nguyên tổ, bạn nên bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp.
Với yến sào đã làm sạch thì nếu chưa có nhu cầu sử dụng ngay, bạn nên để yến cho ráo nước, không nên mang yến đi phơi nắng mà nên dùng quạt để sấy khô, sau đó cho vào hũ thủy tinh, đậy nắp kín và bảo quản trong tủ lạnh.
Mong rằng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn biết được yến sào là gì, giá bao nhiêu cũng như tác dụng của yến sào và cách nấu. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.
>>> Tham khảo thêm:
Xem thêm
Cách nấu chè sâm bổ lượng giải nhiệt cho mùa hè
5 Cách làm dưa món ngày Tết ngon giòn, để được lâu đơn giản nhất
Cách làm trân châu hoa đậu biếc vừa dẻo, vừa ngon, vừa đẹp
Cách nấu ốc om chuối đậu thịt ba chỉ ngon chuẩn vị miền Bắc
Cách làm kem chuối mát lạnh cho ngày hè
Quả mãng cầu xiêm có tác dụng gì? Cách chọn và ăn mãng cầu
5 Cách làm nộm đu đủ giòn, ngon đơn giản tại nhà
Ngon ngất ngây với thịt lợn kho coca
Cách trồng nấm rơm tại nhà đơn giản, năng suất cao