Bồ công anh là cây gì? Có mấy loại? Tác dụng của cây bồ công anh là gì?

Cập nhật: 28/03/2024

Hoa bồ công anh từ lâu đã là một biểu tượng đầy chất thơ trong văn học, nghệ thuật nhưng ít ai biết rằng, trong y học, bồ công anh cũng là một dược liệu quý giá, có nhiều tác dụng với sức khỏe. Vậy cây bồ công anh là cây gì? Tác dụng của cây bồ công anh là gì? Hãy cùng VnAsk tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Bồ công anh là cây gì?

1.

Cây bồ công anh (hay cây diếp trời, cây bồ cóc...) là loại cây thân thảo thuộc họ Cúc. Cây mọc thẳng, có thể cao từ 1 - 2m, thân trơn, không có cành. Khi cấu vào thân cây ta sẽ thấy tiết ra dịch màu trắng đục như sữa.  Lá cây dài, mép lá có nhiều răng cưa, hoa có màu trắng hoặc vàng.

Cây bồ công anh

Cây bồ công anh phân bố chủ yếu ở các quốc gia thuộc khu vực Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, loài bồ công anh xuất hiện chủ yếu ở miền Bắc, thường mọc tự nhiên ven đường, ven sông, hồ hoặc trên các sườn núi. Ngày nay, do nhu cầu sử dụng hoa bồ công anh để chữa bệnh tăng cao nên nhiều nơi đã trồng loại cây này. Bồ công anh có thể trồng bằng hạt hoặc bằng gốc cây đều được.

Trên thế giới hiện nay, người ta đã phát hiện ra 3 giống bồ công anh khác nhau là:

  • Cây bồ công anh Việt Nam: Hay còn gọi là bồ công anh cao, xuất hiện nhiều ở vùng đồng bằng và trung du miền núi phía Bắc nước ta.

Bồ công anh Việt Nam (bồ công anh cao)

  • Cây bồ công anh Trung Quốc: Hay còn gọi là bồ công anh lùn vì chiều cao của giống cây này chỉ khoảng 60cm. Đây được xem là loại thuốc quý có tác dụng chữa nhiều loại bệnh và rất tốt cho sức khỏe.

Bồ công anh Trung Quốc (bô công anh lùn)

  • Cây bồ công anh chỉ thiên: Cây này thường mọc ở miền Nam nước ta. Chủ yếu được dùng làm cảnh, làm trà hoặc trồng làm rau ăn chứ không có tác dụng chữa bệnh như hai loại trên.

Bồ công anh chỉ thiên

Tác dụng của cây bồ công anh

2.

Cây bồ công anh Việt Nam và Trung Quốc đều là những vị thuốc quý được sử dụng nhiều trong Đông y. Tuy nhiên, mỗi loại cây lại đem đến những tác dụng chữa bệnh khác nhau, vì vậy, chúng ta cần hiểu rõ để sử dụng cho đúng.

Công dụng của cây bồ công anh Việt Nam

Tác dụng của cây bồ công anh Việt Nam

Bồ công anh Việt Nam được trồng làm thuốc ở nhiều vùng như Hòa Bình, Đà Lạt, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng... Loại này có nhiều tác dụng như: Chữa quai bị, chữa đau dạ dày, ợ chua, táo bón, chữa sưng vú, tắc tia sữa, thiếu sữa ở phụ nữ đang nuôi con, chữa viêm họng, viêm phế quản, ho rát cổ họng.

Tuy nhiên, uống nước sắc từ cây bồ công anh Việt Nam thường gây mệt mỏi, uể oải sau 2 - 3 ngày, bởi vậy các bác sĩ, thầy thuốc Đông y thường khuyến cáo không được uống nước bồ công anh cao nếu như không có kết hợp các loại thảo dược khác.

Cây bồ công anh Trung Quốc có tác dụng gì?

Cây bồ công anh Trung Quốc có tác dụng gi?

Cũng giống như bồ công anh Việt Nam, bồ công anh Trung Quốc cũng có nhiều tác dụng trong y học. Trong cây bồ công anh Trung Quốc chứa nhiều dưỡng chất như chất xơ, protein, vitamin C, vitamin A, vitamin E, vitamin B6, các khoáng chất như canxi, magie, sắt, các chất diệt khuẩn, kháng viêm... Các bộ phận của cây thường được dùng để chữa bệnh là rễ, lá và hoa bồ công anh. Tác dụng mà cây bồ công anh Trung Quốc đem lại là:

  • Điều trị bệnh sưng vú, tắc tia sữa.
  • Ức chế sự phát triển của khối u, thường dùng để hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.
  • Điều trị bệnh đau dạ dày, loét dạ dày, ăn uống kém tiêu.
  • Điều trị mụn nhọt đang sưng mủ, hay bị mụn nhọt.
  • Chữa chứng lở loét lâu ngày, rắn, bọ cạp cắn.
  • Điều trị viêm kết mạc cấp tính.
  • Chữa ung độc, sưng tấy cấp tính.
  • Chữa chứng táo bón, nhuận tràng, viêm amidan.
  • Điều trị viêm ruột thừa, viêm gan cấp tính, rối loạn gan mật.
  • Công dụng chống loãng xương.
  • Tăng cường sức khỏe, chữa chứng suy nhược cơ thể.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh gout.

Cách sử dụng cây bồ công anh

3.

Bồ công anh thường được sử dụng làm thuốc, làm trà, thậm chí có thể chế biến món ăn. Dưới đây là một số cách sử dụng cây bồ công anh phổ biến nhất mà bạn có thể tham khảo.

Trà bồ công anh

Trà bồ công anh có tác dụng giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, tiêu viêm, tốt cho những người đang bị nóng trong, đầy hơi, ợ chua, mụn trứng cá...

Cách 1: Trà hoa bồ công anh

Nguyên liệu

  • 8 bông hoa bồ công anh.
  • 360 ml nước sôi.
  • Mật ong hoặc đường tùy khẩu vị.

Cách chế biến

  • Rót nước sôi ngập hoa và đậy kín khoảng 5 phút.
  • Thêm chút mật ong hoặc đường. Bạn nên ưu tiên sử dụng mật ong vì mật tốt cho sức khỏe hơn đường nhé.

Trà hoa bồ công anh

Cách 2: Trà rễ bồ công anh

Nguyên liệu 

  • 30gr rễ bồ công anh khô.
  • 5gr gừng thái lát.
  • 1 hạt thảo quả.
  • 360ml nước.
  • Mật ong hoặc đường tùy khẩu vị.

Cách chế biến

  • Trộn tất cả nguyên liệu trên (trừ đường hay mật ong) và đem đun sôi khoảng 5 - 10 phút.
  • Sau đó, bạn lọc lấy nước, thêm đường hoặc mật ong để uống.

Bồ công anh trị tắc sữa

Chuẩn bị

  • Lá bồ công anh khô: 10gr (hoặc 50gr lá bồ công anh tươi).
  • Thần khúc: 50gr.

Cách làm

  • Rửa sạch tất cả các nguyên liệu trên và để cho ráo nước.
  • Bỏ vào ấm đun sôi cùng với 900ml nước. Nấu cho tới khi cô lại còn khoảng 300ml nước thì tắt bếp. Để hỗn hợp nguội rồi chia thành 2 phần uống sáng và tối.

Bồ công anh trị mụn trứng cá

Bồ công anh có công dụng trị mụn, làm sáng da cực kỳ hiệu quả nhờ có chứa chất chống oxy hóa và kháng viêm.

Chuẩn bị

  • Bồ công anh: 20gr.
  • Lá dâu: 12gr.
  • Cam thảo: 6gr.
  • Thương nhĩ tử: 12gr.

Cách làm

  • Rửa sạch các nguyên liệu trên. Cho vào ấm đun sôi cùng 1.5 lít nước.
  • Uống trong ngày thay cho nước lọc

Chữa loét dạ dày, tá tràng bằng bồ công anh

Do có khả năng giảm đau, chống viêm cho nên bồ công anh được dùng trong điều trị một số bệnh đường tiêu hóa. Tùy theo tình trạng đau dạ dày mà sẽ dùng bồ công anh kết hợp với các vị thuốc khác nhau để điều trị bệnh nhưng phổ biến nhất là cách dưới đây:

Chuẩn bị

  • Lá bồ công anh khô: 20gr.
  • Lá khổ sâm: 10gr.
  • Lá khôi: 15gr.

Cách làm

  • Đun sôi các nguyên liệu trên với 300ml nước lọc và uống trong ngày.
  • Nên uống liên tục trong vòng 10 ngày.

Các nguyên liệu như lá, hoa, rễ bồ công anh bạn có thể mua tại các hiệu thuốc Đông y hoặc mua chế phẩm tươi về, dùng máy sấy hoa quả để sấy khô rồi chia nhỏ vào các túi, dùng máy hút chân không hút sạch không khí để bảo quản, dùng trong thời gian dài. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự trồng bồ công anh theo hướng dẫn dưới đây của chúng tôi để sử dụng tại nhà cho đảm bảo nhé!

>> Xem thêm: Top máy sấy hoa quả làm detox giữ dáng, đẹp da tốt nhất

Cách trồng và chăm sóc bồ công anh

4.

Chuẩn bị dụng cụ và đất trồng

Trồng bồ công anh không quá cầu kỳ nên bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây bồ công anh. Nếu dùng chậu thì bạn nên chọn chậu có đường kính từ 40cm - 50cm để cây phát triển tốt vì lá của bồ công anh nằm rạp xuống mặt đất khi cây lớn và đường kính bao phủ của lá cây trung bình khoảng 45cm diện tích đất. Chậu tối ưu thì phải là loại chậu có đường kính 60cm trở lên, có lỗ thoát nước ở dưới.

Cây bồ công anh không phải loại cây kén đất nên có thể trồng bằng nhiều loại đất khác nhau. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc dùng đất trộn phân bò, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 - 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất. Cây bồ công anh thường được trồng bằng hạt. Bạn có thể đến các cửa hàng nông sản, giống cây trồng... để mua hạt giống của loại cây này.

Trồng bồ công anh làm dược liệu

Cách trồng cây bồ công anh

Hạt giống bồ công anh rất dễ nảy mầm nên bạn không cần ngâm ủ mà có thể gieo trực tiếp vào đất. Trước khi gieo, bạn nên dùng kéo cắt bớt lông trên hạt để tránh việc bị gió thổi bay. Nên gieo hạt cách nhau một khoảng 15 - 25cm hoặc xa hơn. Sau khi gieo, bạn dùng 1 ít đất phủ nhẹ lên hạt, rồi tưới nước vào chậu để tạo độ ẩm cho hạt nảy mầm.

Cách chăm sóc bồ công anh

Vào mùa khô, bạn cần thường xuyên tới tưới giữ ẩm cho cây. Tới mùa mưa, bạn chú ý thoát nước thường xuyên để tránh bị úng. Sau khi trồng được khoảng 15 ngày thì bạn tiến hành bón lót đợt 1 bằng phân hữu cơ, phân dê, phân bò, phân trùn quế… Sau đó cứ khoảng 20 - 30 ngày bón đợt tiếp theo. Ngoài việc bón phân, khi cây phát triển hơn, bạn cũng phải chú ý tới việc cắt tỉa cành lá dài và làm cỏ cho cây để bồ công anh có thể phát triển tốt nhé!

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có thêm những thông tin mới về loài bồ công anh cũng như những tác dụng của bồ công anh trong y học. Hãy thường xuyên truy cập để tham khảo thêm nhiều thông tin thú vị khác nhé!

>> Tham khảo thêm: