Cách lấy màu lá dứa không cần máy xay, không bị đắng

Cập nhật: 28/03/2024

Lá dứa là nguyên liệu quen thuộc trong việc tạo màu và hương thơm khi chế biến nhiều món ăn như kem, chè, bánh, xôi… Vậy làm thế nào để lấy màu lá dứa? Cách lấy màu lá dứa không cần máy xay như thế nào? Mời bạn theo dõi hướng dẫn cụ thể trong bài viết dưới đây nhé.

Lá dứa là lá gì?

1.

Lá dứa là lá cây dứa thuộc họ dứa dại, còn có tên gọi là cây nếp thơm, cây lá nếp, cây cơm nếp. Lá dứa có màu xanh, hình kiếm dài khoảng 40-60cm, mọc nhiều ở các vùng nhiệt đới và được ưa chuộng trong nền ẩm thực ở nhiều nước Đông Nam Á.

Lá dứa có mùi thơm dịu mát của nếp hương, không chỉ dùng để tăng hương vị của nhiều món ăn mà còn được nhiều bà nội trợ sử dụng để nấu nước uống hàng ngày.

Lá dứa là lá gì?

Công dụng của lá dứa

2.

Như nhiều người đã biết, lá dứa thường được sử dụng để tạo màu và mang lại hương thơm cho nhiều món ăn, điển hình là các món bánh, chè, kem, xôi, thạch lá dứa.

Bên cạnh đó, trong y học cổ truyền, lá dứa cũng được biết đến là một vị thuốc, giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh như tiểu đường, thấp khớp, cảm cúm, giúp bồi bổ thần kinh, giảm stress.

Trong miền Nam, người dân thường dùng lá dứa cùng một số loại nguyên liệu khác để tạo nên thức uống thơm mát là trà sâm dứa. Món trà này càng ngày càng phổ biến bởi hương thơm hấp dẫn, giúp người uống trà cảm thấy khoan khoái, dễ chịu.

Đồ uống làm từ lá dứa không chỉ thơm ngon mà còn tốt cho sức khỏe

Cách lấy màu lá dứa không cần máy xay

3.

Thay vì dùng màu thực phẩm để tạo màu cho đồ ăn, bạn hoàn toàn có thể tự làm nước lá dứa tại nhà, vừa nhanh mà lại đảm bảo cho sức khỏe. Cách lấy màu lá dứa rất dễ làm. Bạn thực hiện theo các bước sau:

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Lá dứa (số lượng lá dứa nhiều ít tùy vào màu lá dứa bạn muốn nhạt hay đậm, nên chọn lá dứa nếp già có màu xanh đậm để cho ra màu lá dứa đậm hơn)
  • Nước
  • Chày và cối
  • Một cái chén hoặc tô
  • Rây lọc hoặc khăn sạch

Sơ chế lá dứa

  • Cắt bỏ phần màu trắng ở gốc lá đi. Rửa sạch lá dứa rồi để ráo nước.
  • Sau đó dùng kéo cắt lá dứa thành các đoạn nhỏ để công đoạn giã lá dứa dễ dàng hơn.
  • Bật mí cách lấy màu lá dứa không bị đắng: Theo kinh nghiệm của một số người, sau khi cắt lá dứa xong, bạn cho lá dứa vào bát tô rồi đổ nước ấm khoảng 70 - 80 độ C vào và ngâm khoảng 5 - 10 phút. Cách này giúp bạn vẫn giữ được màu xanh của lá dứa mà vị đắng được giảm bớt.

Sơ chế lá dứa

Giã lá dứa

  • Sau khi làm lá dứa bớt vị đắng, bạn cho tất cả lá dứa đã cắt vào trong cối, dùng chày giã cho đến khi lá nát.
  • Sau khi giã nát lá dứa, bạn cho từ từ nước lọc vào trong cối và chắt dần lấy nước cốt lá dứa. Bạn có thể cho hỗn hợp lá dứa đã giã với nước lọc qua rây, dùng muỗng đè vào lá dứa để nước cốt chảy xuống bát hứng bên dưới.

Cách lấy màu là dứa không cần máy xay

Để lọc kĩ hơn, bạn cũng có thể đổ hỗn hợp lá dứa và nước vào chiếc khăn sạch, túm các đầu khăn cho kín và bóp mạnh tay cho nước cốt lá dứa chảy ra kiệt, giữ lại phần bã lá bên trong khăn.

Để lấy nước cốt lá dứa có màu đậm hơn thì bạn đợi một lúc cho nước lá dứa đã lọc lắng xuống dưới đáy bát, sau đó bỏ bớt phần nước trong ở bên trên, phần nước cốt còn lại sẽ đậm đặc hơn.

Ngoài lấy màu lá dứa bằng cách giã nát, bạn có thể dùng máy xay sinh tố để xay lấy nước cốt mà không cần mất thời gian giã. Cách này chắc chắn sẽ tốn ít thời gian và tiện lợi hơn rất nhiều, nhất là khi bạn cần phải lấy màu lá dứa với số lượng lớn.

Cách bảo quản nước lá dứa

Sau khi có nước lá dứa, bạn cho vào lọ thủy tinh và nên sử dụng trong vòng 18-24h nếu bảo quản ở nhiệt độ thường. Để bảo quản nước lá dứa tốt hơn và lâu hơn, bạn cần để nó trong tủ lạnh và nên dùng hết trong vòng 1 tuần. Chúc bạn thành công với cách lấy màu lá dứa không cần máy xay này.

Ghé thăm  thường xuyên để được chia sẻ nhiều bài viết hữu ích cũng như đặt mua các sản phẩm đồ dùng nhà bếp chất lượng bạn nhé!

>> Tham khảo: