Củ gai là củ như thế nào? Củ gai có tác dụng gì cho bà bầu?

Cập nhật: 28/03/2024

Nhiều mẹ bầu thường rỉ tai nhau về tác dụng an thai của củ gai. Vậy thực chất củ gai là củ như thế nào? Củ gai có thật sự có tác dụng với bà bầu không? Hãy để bài viết này của chúng tôi giúp bạn giải đáp điều đó.

Củ gai là củ như thế nào?

1.

Củ gai còn được gọi với nhiều tên như củ tầm ma, củ tầm gai, củ cây bánh gai. Nó thực chất là phần rễ của cây lá gai (loại lá dùng để làm bánh gai). Củ gai thường có hình trụ dài khoảng 8 - 25cm với đường kính từ 0,8 - 2cm. Nó có màu nâu sẫm hoặc xám, có mùi nhẹ, vị nhạt. Để lấy được củ gai sử dụng thì cây gai phải có tuổi thọ từ 6 - 8 năm. Người ta thường dùng củ gai ở cả dạng tươi và dạng khô.

Ở nước ta, củ gai thường được trồng nhiều tại Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ.

Củ gai

Củ gai có tác dụng gì cho bà bầu?

2.

Củ gai tươi có tác dụng gì cho bà bầu? Củ gai, đặc biệt là củ gai tươi thường được biết đến với nhiều công dụng cho các mẹ bầu. Các thành phần dược liệu có trong củ gai gồm:

  • Axit chlorogenic
  • Axit quinic
  • Axit caffeic
  • Axit protocatechuic
  • Rhoifolin
  • Apigenin
  • Mangan
  • Chlorine
  • Chất xơ
  • Chất béo
  • Protein
  • Vitamin K...

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Anh Thư - bác sĩ Y học Cổ truyền - Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thì củ gai mang đến những công dụng hữu ích với bà bầu như sau:

  • Củ gai an thai, dưỡng thai: Sử dụng củ gai trong tam cá nguyệt thứ nhất sẽ giúp an thai, giúp thai nhi bám chắc vào tử cung, từ đó hỗ trợ thai nhi phát triển tốt hơn.
  • Hỗ trợ tích cực trong việc chuyển phôi thai: Đây là một giai đoạn quan trọng trong thụ tinh nhân tạo. Vậy nên nhiều người được khuyên sử dụng các bài thuốc từ củ gai để hỗ trợ chuyển phôi thai có tỷ lệ thành công cao hơn.
  • Ngăn ngừa động thai, bong tách: Nhiều mẹ bầu bị động thai, có nguy cơ sẩy thai thường được khuyên dùng củ gai để giữ con. Bên cạnh đó, củ gai cũng có tác dụng trong việc điều trị tụ dịch màng nuôi, dọa sảy thai.

Bên cạnh đó, củ gai còn hỗ trợ mẹ bầu một vài vấn đề như sa dạ con, tiểu rắt, đau bụng dưới...

Cách dùng củ gai tươi cho bà bầu - Cách chế biến củ gai tươi cho bà bầu

3.

Cách 1: Nấu nước uống

Bạn dùng 100 - 300g củ gai tươi cạo bỏ vỏ, rửa sạch rồi thái lát mỏng tầm 1cm. Tiếp đến, bạn cho củ gai vào nấu cùng 1 - 1,5 lít nước và đun với lửa nhỏ trong 15 - 20 phút thì tắt bếp.

Bạn nên để nước nguội rồi mới uống.

Cách 2: Chế biến củ gai thành món ăn

Bạn có thể dùng củ gai tươi để chế biến các món ăn như:

  • Cháo củ gai: Củ gai thái mỏng nấu với gạo như cách nấu cháo thông thường rồi nêm nếm gia vị cho vừa miệng sẽ tạo nên món cháo có hương vị rất thơm ngon, ngọt bùi và có tác dụng dưỡng thai rất tốt.
  • Gà ác hầm củ gai: Đây là món ăn được nhiều người yêu thích. Món ăn này không chỉ giúp an thai mà còn hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, bồi bổ cơ thể cho mẹ bầu.

Củ gai

Củ gai đã được sơ chế sạch

Uống nhiều củ gai có tốt không? Lưu ý khi sử dụng củ gai cho bà bầu

4.

Mặc dù có nhiều công dụng cho bà bầu, thế nhưng bạn không nên lạm dụng loại củ này. Theo Đông y, củ gai có tính hàn nên thường chỉ được dùng từ 1 - 3 ngày là ngưng. Nếu sử dụng quá nhiều có thể gây phản tác dụng, gây dọa sẩy, ảnh hưởng đến cả mẹ và con.

Bên cạnh đó, những bà bầu mắc chứng tiêu chảy, tỳ, vị hư cũng không nên dùng củ gai. Chính vì thế, để an toàn nhất, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa có chuyên môn trước khi muốn dùng củ gai nhé.

Ngoài ra, khi sử dụng củ gai, mẹ bầu cũng cần chú ý, mua củ gai ở địa chỉ uy tín, đảm bảo. Nước củ gai có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh nhưng chỉ trong 1 - 2 ngày, khi uống cần làm ấm để không bị lạnh bụng.

Mẹ bầu cũng không nên uống nước củ gai khi quá no hoặc quá đói.

Với những thông tin chia sẻ bên trên, chắc hẳn bạn đã biết củ gai là củ như thế nào và có tác dụng gì cho bà bầu rồi đúng không? Mặc dù có nhiều tác dụng an thai, thế nhưng mẹ bầu cũng nên thận trọng trước khi sử dụng loại củ này nhé. Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết này.

>>> Tham khảo thêm: