Cách làm cơm rượu nếp cẩm (nếp than miền Bắc) ngon, ngọt tự nhiên
Cơm rượu nếp cẩm có nhiều tác dụng tuyệt vời đối với cơ thể, ví dụ như kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon, tốt cho hệ tim mạch... Đây cũng chính là món ăn thường được dùng vào mỗi dịp tết Đoan Ngọ hằng năm. Chính bởi sự kết hợp hài hòa của vị chua, nồng, cay, ngọt của men và nếp cẩm mà người ta tin rằng món ăn này có thể diệt trừ được những loại "sâu bọ" (ý chỉ giun sán, ký sinh trùng) gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Tết Đoan Ngọ năm nay cũng sắp tới rồi, các bạn hãy cùng tham khảo cách làm cơm rượu nếp cẩm dưới đây của VnAsk để có thể chiêu đãi cả gia đình nhé.
>> Tìm hiểu thêm: Tết Đoan Ngọ cúng gì? Những thứ cần chuẩn bị và lưu ý khi cúng tết Đoan Ngọ
Cách chọn nguyên liệu để nấu cơm rượu nếp cẩm ngon, chuẩn vị
Cách làm cơm rượu nếp cẩm (nếp than) ngon, ngọt tự nhiên
Tìm hiểu công dụng của cơm rượu nếp cẩm
Cơm rượu nếp cẩm (nếp than miền Bắc) nói riêng hay cơm rượu nếp nói chung có những công dụng như:
- Phòng ngừa bệnh tiểu đường.
- Làm giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch.
- Thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
- Làm đẹp da.
- Giúp bổ sung sắt, ngăn ngừa thiếu máu.
- Hỗ trợ giảm cân an toàn.
- Cải thiện chức năng sinh lý.
- Phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp.
Cách chọn nguyên liệu để nấu cơm rượu nếp cẩm ngon, chuẩn vị
Bước chọn nguyên liệu để nấu cơm rượu nếp cẩm đóng vai trò quyết định tới việc cơm rượu thành phẩm của bạn có được chuẩn vị hay không. Vì thế, các bạn hãy thật thận trọng và lưu ý một vài điểm dưới đây nhé.
Chọn gạo
Gạo để nấu cơm rượu phải là gạo nếp cẩm (nếp than) chứ không phải gạo nếp nương. Đây là loại gạo có màu tím đặc trưng, rất bắt mắt. Khi lựa chọn, bạn nên chọn loại gạo mẩy, dài đều và đảm bảo rằng màu tím ấy là tự nhiên chứ không bị pha tạp do quá trình nhuộm.
Ngoài ra, gạo cũng phải có mùi thơm nhẹ, dễ chịu, không phải là loại gạo mới thu hoạch mà đã được thu hoạch cách lúc làm khoảng 3 tháng. Lý do là vì gạo mới sẽ cho ra thành phẩm không được đậm vị. Bạn có thể cho một vài hạt gạo nhai thử để cảm nhận, nếu là gạo nếp cẩm ngon, chúng sẽ có vị ngọt nhẹ, không có mùi lạ.
Chọn men rượu
Men dùng để làm nên cơm rượu nếp cẩm cũng được làm từ nhiều loại thảo dược, có tính cay, nóng. Trong men rượu có chứa các vi sinh vật, chúng có tác dụng phân hủy tinh bột thành đường và biến dịch đường thành rượu.
Tại mỗi địa phương, men rượu lại được làm với những bí quyết khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất, các bạn nên lựa chọn loại men được làm thủ công từ bột gạo cùng với 32 vị thuốc bắc.
Bạn cần chọn men có màu trắng, tròn, to bằng miệng cốc, hơi phồng nhẹ. Bên cạnh đó, men phải là loại mới, có mùi thơm đặc trưng, không bị mốc.
Cách làm cơm rượu nếp cẩm (nếp than) ngon, ngọt tự nhiên
Nấu gạo nếp cẩm
- Bước 1: Đầu tiên, các bạn cần ngâm gạo nếp cẩm vào nước lạnh trong vòng 4 đến 6 tiếng. Việc làm này sẽ giúp hạt gạo mềm, khi nấu sẽ dễ nở và nở đều hơn.
- Bước 2: Sau khi ngâm, các bạn rửa lại gạo cho sạch.
- Bước 3: Cho gạo vào nồi cơm điện, nấu như nấu cơm bình thường. Các bạn lưu ý không cho nhiều nước vì sẽ làm cơm bị nhão, còn nếu bạn cho quá ít nước, cơm cũng bị cứng và không ngon.
- Bước 4: Sau khi cơm chín, các bạn trải đều cơm ra một chiếc khay lớn để cơm không bị vón cục.
- Bước 5: Chờ cho cơm nguội bớt, khi sờ tay vào vẫn còn cảm thấy ấm thì bạn có thể rắc men lên (không rắc khi cơm nóng vì men sẽ bị chết).
Chuẩn bị men rượu
Thường thì 100 gam men rượu sẽ có thể sử dụng cho 10kg gạo, vì thế bạn có thể căn cứ vào lượng nếp mà mình nấu để điều chỉnh lượng men sao cho phù hợp. Sau khi chuẩn bị được lượng men, các bạn thực hiện như sau:
- Bước 1: Cho men vào cối giã mịn hoặc bạn cũng có thể cho men vào máy xay thịt hay máy xay sinh tố xay lên.
- Bước 2: Một số loại men có dính vỏ trấu, các bạn có thể cho qua rây lọc để thu được bột men mịn nhất.
- Bước 3: Rắc 1 nửa men vừa xay mịn lên mặt trên khay cơm nếp cẩm còn đang ấm, sau đó rắc nốt nửa men còn lại lên mặt kia của cơm nếp.
- Bước 4: Dùng tay trộn đều cơm nếp và men, các bạn nên thực hiện nhẹ nhàng để cơm không bị nát.
Ủ cơm rượu nếp cẩm
- Bước 1: Các bạn cho phần cơm nếp cẩm đã được trộn men vào lá sen hoặc lá chuối rồi gói lại (có thể thay thế bằng giấy bạc nếu không có lá).
- Bước 2: Sau đó, bạn để một chiếc bát vào nồi và đặt gói cơm lên (lưu ý, không được để gói cơm chạm đáy nồi).
- Bước 3: Đậy kín nắp nồi và đặt nồi ở nơi thoáng mát.
- Bước 4: Sau 3 đến 4 ngày (thời tiết mùa hè), bạn sẽ thấy cơm rượu tỏa mùi thơm đặc trưng.
- Bước 5: Khi mặt cơm hơi bóng, ướt là đã có thể sử dụng được.
Lưu ý:
- Nếu các bạn thích chua thì có thể ủ thêm khoảng 1 - 2 ngày, tuy nhiên, không nên ủ quá 5 ngày vì như vậy vị của cơm sẽ rất khó ăn.
- Đối với những vùng có khí hậu mát mẻ, các bạn nhớ giữ ấm cho nồi cơm hoặc cũng có thể để nồi cạnh bếp để ủ nóng.
- Các bạn nhớ giữ lại phần nước chảy xuống dưới khi ủ cơm để rưới lên cơm rượu nếp cẩm khi ăn để tăng hương vị.
- Để bảo quản cơm được lâu, các bạn có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh nhé.
Hi vọng rằng, cách làm cơm rượu nếp cẩm trên đây sẽ giúp bạn có thể dễ dàng thực hiện món ăn này ngay tại nhà. Ngoài ra, để nắm được nhiều công thức nấu ăn ngon, hấp dẫn, các bạn nhớ ghé mục "Thực đơn hằng ngày" thường xuyên nhé.
>>> Xem thêm:
Xem thêm
Hướng dẫn cách làm bánh khúc nóng truyền thống ngon khó cưỡng
Cách bảo quản thực phẩm an toàn khi trời nồm
2 Cách nấu trà bí đao hạt chia thanh nhiệt, giảm cân cực thơm ngon
Nước dashi cho bé ăn dặm là gì, dùng để làm gì?
Cách làm ngũ cốc lợi sữa cho mẹ sau sinh tại nhà an toàn, tiết kiệm
Cách làm lạp xưởng chay đơn giản mà ngon
Quả nhót là quả gì? Quả nhót có tác dụng gì? Hình ảnh trái nhót
2 Cách làm thịt quay giòn bì bằng chảo và lò nướng cực ngon
Hạt điều có tác dụng gì? Ăn hạt điều có tốt không?