Văn Miếu Quốc Tử Giám ở đâu? Giờ mở cửa và giá vé vào tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là di tích lịch sử văn hóa, là quần thể trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn là nơi được nhiều bạn học sinh, sinh viên... tới để cầu may mắn trong thi cử. Vậy Văn Miếu Quốc Tử Giám ở đâu? Giờ mở cửa và giá vé vào tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám như thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết này của chúng tôi để có được câu trả lời nhé.
Tìm hiểu về Văn Miếu Quốc Tử Giám
- Lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám - Văn Miếu Quốc Tử Giám được thành lập dưới triều đại nào?
- Diện tích Văn Miếu Quốc Tử Giám - Kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám
Một số lưu ý khi tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám ở đâu?
Văn Miếu Quốc Tử Giám được biết tới là quần thể trường đại học đầu tiên của nước ta, tọa lạc ở khu vực quận Đống Đa, Hà Nội. Cụ thể, Văn Miếu Quốc Tử Giám nằm ở số 58 Quốc Tử Giám - Đống Đa - Hà Nội ngay giữa 4 phố chính là Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Văn Miếu và Quốc Tử Giám.
Nếu xuất phát từ Hồ Gươm, bạn có thể đi theo đường Lê Thái Tổ, rẽ phải vào Tràng Thi và đi về phía đường Cửa Nam, Nguyễn Khuyến, sau đó rẽ trái vào đường Văn Miếu là tới.
Nếu đi đến đó bằng xe bus, bạn có thể lựa chọn các tuyến như:
- Tuyến xe bus số 02: Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa.
- Tuyến xe bus số 23: Tuyến vòng khép kín Nguyễn Công Trứ - Nguyễn Công Trứ.
- Tuyến xe bus số 32: BX Giáp Bát - Nhổn.
- Tuyến xe bus số 38: Nam Thăng Long - Mai Động.
- Tuyến xe bus số 41: Nghi Tàm - BX Giáp Bát.
Tìm hiểu về Văn Miếu Quốc Tử Giám
Lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám - Văn Miếu Quốc Tử Giám được thành lập dưới triều đại nào?
Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070, dưới thời vua Lý Thánh Tông. Nơi đây thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ Phối. Tới năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám bên cạnh với mục đích dành riêng cho con vua, con của các gia đình quý tộc tới học tập. Sau này, tới thời vua Trần Thái Tông, con cái thường dân có thành tích học tập xuất sắc cũng được tới đây theo học.
Đến đời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư Nghiệp (tương đương với chức hiệu trưởng ngày nay), trực tiếp dạy dỗ các hoàng tử. Năm 1370, khi ông mất, vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử.
Sang thời Hậu Lê, Nho giáo rất thịnh hành. Vào năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ Tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 trở đi (chủ trương đã đề ra năm 1442 nhưng chưa thực hiện được). Mỗi khoa, một tấm bia được đặt trên lưng rùa. Tới năm đó, nhà Lê đã tổ chức được 12 khoa thi cao cấp. Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã tổ chức đều đặn cứ ba năm một lần, đúng 12 khoa thi.
Tuy nhiên không phải khoa thi nào tiến hành xong đều được khắc bia ngay, không phải bia đã dựng thì vĩnh tồn, không hư hỏng, không mất mát mà từng thời lại có những đợt dựng, dựng lại lớn, như năm 1653 (niên hiệu Thịnh Đức thứ nhất), và năm 1717 (niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ mười ba).
Cuối thời Lê, đời Cảnh Hưng, bia vẫn được khắc đều đặn. Dù không còn giữ được đủ bia nhưng những công trình điêu khắc vẫn giữ được giá trị và tư liệu lịch sử quý báu.
Năm 1762, Lê Hiển Tông cho sửa lại là Quốc Tử Giám - cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình.
Đến đời nhà Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập tại Huế. Năm 1802, vua Gia Long ấn định đây là Văn Miếu Hà Nội. Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành cho xây thêm Khuê Văn Các bên cạnh giếng vuông. Như vậy vào đầu thời Nguyễn, Văn Miếu Thăng Long đã một lần được sửa sang chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc thành, sau đổi thành Văn Miếu Hà Nội. Còn Quốc Tử Giám thì đổi thành học đường của phủ Hoài Đức và sau đó tại khu vực này xây đền Khải Thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử.
Đầu năm 1947, thực dân Pháp nã đạn đại bác làm đổ sập căn nhà, chỉ còn cái nền với hai cột đá và 4 nghiên đá. Ngày nay toàn bộ khu Thái Học được xây dựng với diện tích 1530m² trên tổng diện tích 6150m² gồm các công trình kiến trúc chính là Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống được mô phỏng theo kiến trúc truyền thống trên nền đất xưa của Quốc Tử Giám.
Diện tích Văn Miếu Quốc Tử Giám - Kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám
Quần thể kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám có diện tích 54.331m² bao gồm các công trình như Hồ Văn, Văn Miếu Môn, Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, Giếng Thiên Quang, Bia Tiến Sĩ, Đại Thành Môn, Nhà Thái Học.
Phía trước Văn Miếu còn có một hồ gọi là hồ Văn Chương. Cổng chính gồm 4 trụ lớn, 2 bên có bia ghi chữ Hạ Mã.
Toàn bộ kiến trúc của Văn Miếu hiện nay đều là kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn. Khuôn viên được bao bọc bởi bốn bức tường xây bằng gạch vồ (đây là sản phẩm của nhà Hậu Lê).
Ngày nay, quần thể kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám được chia làm ba khu vực chính là Văn Hồ, vườn Giám và khu nội tự Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong đó, khu nội tự Văn Miếu Quốc Tử Giám là khu chủ thể, bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, mô phỏng tổng thể quy hoạch khu Văn Miếu thờ Khổng Tử ở quê hương ông tại Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc. Tuy nhiên, quy mô ở đây đơn giản hơn, kiến trúc đơn giản hơn và theo phương thức truyền thống nghệ thuật dân tộc Việt Nam (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19).
Ý nghĩa của Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của Việt Nam mà nơi đây còn như một ngọn đuốc sáng rực nhằm thắp sáng truyền thống hiếu học của người Việt. Khi tới Văn Miếu Quốc Tử Giám, bạn sẽ như được tiếp thêm động lực từ những bảng vàng thành tích học tập của cha ông đi trước, từ đó thôi thúc tinh thần học tập, khám phá tri thức trong con người bạn.
Bên cạnh đó, ngày nay Văn Miếu Quốc Tử Giám còn là địa điểm tổ chức nhiều hội thơ, là nơi khen tặng những học sinh xuất sắc, ưu tú trong cả nước, là điểm hẹn để người dân tới "xin chữ" vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ thu hút được đông đảo khách du lịch trong nước mà nơi đây còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách nước ngoài, giúp bạn bè quốc tế thêm yêu đất nước và con người Việt Nam.
Một số lưu ý khi tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám
Giờ mở cửa Văn Miếu Quốc Tử Giám - Văn Miếu Quốc Tử Giám đóng cửa mấy giờ?
- Thứ 2 đến thứ 6: Mở cửa từ 7:30 - 18:00
- Thứ 7, Chủ Nhật: Mở cửa từ 8:00 - 21:00
- Vào mùa hè: Từ 7h30 đến 17h30.
- Vào mùa đông: Từ 8h00 đến 17h00.
Giá vé vào Văn Miếu Quốc Tử Giám
Giá vé tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám được niêm yết là 30.000 đồng/lượt cho cả khách nước ngoài và khách Việt Nam. Tuy nhiên, tùy từng đối tượng mà giá vé sẽ có sự thay đổi. Có những đối tượng sẽ được giảm giá 50% giá vé. Đặc biệt, một số du khách sẽ được miễn phí hoàn toàn.
Đối tượng được giảm 50% giá vé (tức 15.000 đồng)
- Người bị khuyết tật nặng.
- Công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên.
- Người dân ở các xã, huyện miền núi; vùng sâu, vùng xa, kém phát triển.
- Người có công với Đảng, cách mạng.
- Học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên.
Đối tượng được miễn phí vé tham quan
- Người khuyết tật đặc biệt nặng.
- Trẻ em dưới 15 tuổi.
Đi lễ Văn Miếu Quốc Tử Giám cần chuẩn bị gì?
Nếu bạn tới Văn Miếu Quốc Tử Giám để lễ nhằm cầu mong may mắn trong thi cử thì có thể chuẩn bị các lễ vật như sau:
- 1 gói bánh đậu xanh.
- 3 cái bóng đèn điện.
- 1 quyển vở, 1 cái bút, hoa quả các loại.
- 5 lễ tiền vàng.
- Có thể thêm nhiều vật phẩm khác, gói vào rồi đặt lên mâm lễ.
Văn khấn khi đi lễ Văn Miếu Quốc Tử Giám
Việt Nam quốc; Hà Nội thị; Văn Miếu Quốc Tử Giám Môn sinh:... sinh năm... Kính cẩn tấu trình: Văn Xương Thánh Đế Chư vị Thượng Trung Hạ Bản Từ. Hôm nay là ngày... tháng... năm Con xin kính cẩn biện cung trần bạc lễ (đã chuẩn bị từ trước) Cúi xin chư vị Đại Đức Thánh Hiền học giả chứng giám cho con Trú tại:... Nay đang học tại:... Kim niên… ứng thí kỳ thi... Trước linh đài Văn Xương Thánh Đế linh đài con xin tâm thành kính cẩn xin các ngài chứng giám tâm thành, phù độ gia trì cho con năm nay được bản mệnh khang an, trí lực tinh anh, minh mẫn, gạt bỏ tạp phế, chú tâm đèn sách học tập để bước vào kỳ thi tới được gặp nhiều hanh thông cát tường, học giỏi đỗ cao, thầy yêu bạn giúp, hoàn tất được bài thi đến nơi đến chốn, đạt điểm số tối đa của trường… Con kính xin chư vị chấp lễ chấp cầu trợ lực cho con được kim bảng danh đề toại tâm như ý. Con xin khấu đầu cảm tạ! Môn sinh con... xin rập đầu cúi lạy đến bách bái. Thiên vận ... (tên năm theo Âm lịch) niên - Nhị nguyệt - Đại cát nhật. |
Lưu ý khi tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám
- Có ý thức tôn trọng di tích, chấp hành mọi quy định của đơn vị quản lý di tích. Không ngắt hoa, bẻ cành, giẫm lên cây cỏ hay xâm hại tới các hiện vật, không xoa đầu rùa, viết hoặc vẽ bậy lên các hiện vật...
- Nên mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, tránh ăn mặc hở hang, trang phục quá ngắn...
- Để xe đúng nơi quy định, tự quản lý tư trang để tránh xảy ra mất mát.
- Các hoạt động quay phim tại Văn Miếu Quốc Tử Giám chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của lãnh đạo khu di tích.
- Không mang vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy vào khu di tích...
Hi vọng rằng qua bài viết này của chúng tôi, bạn đã biết được Văn Miếu Quốc Tử Giám ở đâu và giờ mở cửa, giá vé vào tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám như thế nào. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Đừng quên thường xuyên truy cập website để cập nhật nhiều thông tin hữu ích bạn nhé.
Tham khảo thêm:
- Chùa Bái Đính ở đâu, thờ ai? Giá vé tham quan, kinh nghiệm đi chùa Bái Đính
- Chùa Thiên Mụ ở đâu? Sự tích, hình ảnh, kinh nghiệm tham quan chùa Thiên Mụ
- Chùa Một Cột ở đâu, được xây dựng dưới thời nào? Ý nghĩa của chùa Một Cột?
- Chùa Hà ở đâu, thờ ai, mở cửa từ mấy giờ? Kinh nghiệm đi chùa Hà
- Chùa Tam Chúc ở đâu, thờ ai? Vé vào chùa Tam Chúc giá bao nhiêu?
Xem thêm
Dự báo thời tiết, nhiệt độ Ninh Thuận hôm nay, ngày mai, 3 ngày tới theo giờ
Dự báo thời tiết, nhiệt độ Thái Bình hôm nay, ngày mai, 3 ngày tới theo giờ
Hướng dẫn cách tra cứu, đặt mua, kiểm tra vé máy bay Vietnam Airlines trực tuyến
Dự báo thời tiết, nhiệt độ Đắk Lắk hôm nay, ngày mai, 3 ngày tới theo giờ
Chùa Ngọc Hoàng ở đâu? Hướng dẫn cầu tài lộc ở chùa Ngọc Hoàng
Mã zip Nhật Bản mới nhất 2025 tại tất cả các tỉnh thành
Tổng hợp những quán chay ở Hà Nội ngon
Danh sách cửa hàng Vinmart Hà Nội, hệ thống siêu thị Vinmart tại Hà Nội
Chùa Linh Ứng ở đâu? Sự tích và kinh nghiệm đi tham quan chùa Linh Ứng