Chùa Thiên Mụ ở đâu? Sự tích, hình ảnh, kinh nghiệm tham quan chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam nhưng sự tích và lịch sử của ngôi chùa này thì không phải ai cũng biết rõ. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu thêm những thông tin về ngôi chùa có niên đại lâu đời này nhé!
Chùa Thiên Mụ ở đâu?
Nhắc đến Huế, người ta sẽ nghĩ ngay đến mảnh đất cố đô với những quần thể di tích đền đài, thành quách, lăng tẩm tráng lệ từ thời nhà Nguyễn. Xứ Huế cũng là một vùng đất thiền kinh với hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ được xây dựng từ thời họ Nguyễn mới di cư vào Đàng Trong. Một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất ở đây là chùa Thiên Mụ.
Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ, là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây. Chùa Thiên Mụ được lập nên vào năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Với niên đại hơn 400 năm, ngôi chùa này luôn được coi là điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến với xứ Huế mộng mơ.
Dựa theo huyền thoại, cũng như nhiều tư liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng ngữ tố "Thiên" trong cái tên Thiên Mụ có nghĩa là "Trời". Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ "Thiên" phạm đến Trời nên cho đổi từ "Thiên Mụ" thành "Linh Mụ" (hay "Bà mụ linh thiêng"). Việc đổi tên này chỉ diễn ra từ năm Nhâm Tuất (1862) cho tới năm Kỷ Tỵ (1869), sau đó, người dân thoải mái gọi hai tên chùa Thiên Mụ và chùa Linh Mụ.
Ngoài ra, từ "Linh" đồng nghĩa với "Thiêng", âm người Huế khi nói "Thiên" nghe tựa "Thiêng" nên khi người Huế nói "Linh Mụ", "Thiên Mụ" hay "Thiêng Mụ" thì người nghe đều hiểu là muốn nhắc đến ngôi chùa này.
Sự tích, lịch sử chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ được xây dựng vào năm 1601 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Nó được coi là ngôi chùa có niên đại lâu đời nhất xứ Huế cho đến nay. Chùa Thiên Mụ được vua Thiệu Trị xếp vào diện "Thần Kinh Nhị Thập Cảnh" (20 thắng cảnh đất Thần Kinh) với bài thơ 'Thiên Mụ chung thanh' do đích thân vua sáng tác và được khắc vào bia đá dựng gần cổng chùa.
Có khá nhiều sự tích liên quan đến việc hình thành nên ngôi chùa biểu tượng cho xứ Huế, tuy nhiên, được biết đến nhiều hơn cả vẫn là câu chuyện liên quan đến việc chúa Nguyễn vào Nam trấn thủ.
Truyền thuyết kể rằng, trước thời điểm khởi lập chùa, trên đồi Hà Khê có ngôi chùa cũng mang tên Thiên Mỗ hoặc Thiên Mẫu, là một ngôi chùa của người Chăm. Khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa - Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho việc mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn riêng cho dòng họ Nguyễn.
Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.
Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Chúa Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là "Thiên Mụ".
Chùa Thiên Mụ thờ ai?
Chùa Thiên Mụ được xây dựng chủ yếu để thờ Đức Phật Thích Ca cùng với các vị Quan Âm, La Hán... Hằng ngày, người dân và du khách thập phương có thể đến đây thắp hương, lễ Phật, cũng như cầu mong bình an cho bản thân, gia đình và người thân. Vào những ngày rằm, mồng 1, hay những dịp lễ lớn như lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán, đại lễ Phật Đản... chùa cũng có rất nhiều hoạt động, giúp người dân hiểu được vẻ đẹp về mặt tinh thần trong văn hóa Phật giáo.
Nét đẹp kiến trúc của chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ được đánh giá là một công trình tôn giáo mang nhiều nét kiến trúc đặc sắc của cố đô Huế. Nhìn từ trên cao, tổng thể ngôi chùa như rùa thần khổng lồ soi bóng xuống dòng sông Hương bên cạnh. Ngôi chùa được bao quanh bởi những dãy tường đá xây thành hai vòng chắc chắn với 5 quần thể kiến trúc chính gồm:
- Cổng Tam Quan: Đây là cổng chính vào chùa với cấu trúc 2 tầng tám mái. Có 3 lối đi qua cổng, mỗi lối có cửa ván bằng gỗ được bó bằng đai và đinh đồng, ở 2 bên các lối đi có tượng hộ pháp trấn giữ.
- Tháp Phước Duyên: Tháp xây bằng gạch cao 21m, gồm 7 tầng, được xây dựng vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật, và bên trong có một chiếc cầu thang hình xoắn ốc để dẫn lên trên cùng, nơi mà trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng.
- Điện Đại Hùng: Điện Đại Hùng bên trong có tượng Phật Di Lặc tai to, bên trên có một bức hoành phi khắc 4 chữ “Linh Thửu Cao Phong”. Bên trong điện cũng treo một chiếc chuông đồng khá lớn chạm hình nhật nguyệt.
- Điện Địa Tạng: Điện Địa Tạng nằm phía sau điện Đại Hùng và được xây trên nền điện Di Lặc, được chạm trổ nhiều hình ảnh với kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
- Điện Quán Âm: Điện Quán Âm nằm ở phía cuối chùa Thiên Mụ giữa một rừng cây và được trang trí khá giản dị, không có hoa văn nhưng gợi nên không khí trang nghiêm đặc biệt. Trong chính điện có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được đúc bằng đồng đen với nét mặt dịu dàng và ngồi trên đài sen, phía trên là bức hoành phi Quán Âm Điện. Trước tượng đồng Quán Thế Âm, còn có một bức tượng đá nằm trong tủ kính, với những ngón tay thon dài, đường nét mềm mại và uyển chuyển. Phía hai bên thờ thập vị Điện Vương.
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa Thiên Mụ trồng rất nhiều cây Sala (hay còn gọi là cây Vô Ưu, Hàm Rồng, Ngọc Kỳ Lân). Loài hoa này mang đến sự an yên và tĩnh lặng, là hiện thân của sự thấu hiểu và cảm nhận cuộc sống với cái nhìn thuần khiết, vô ưu.
Kinh nghiệm và lưu ý khi tham quan chùa Thiên Mụ
Di chuyển
Chùa Thiên Mụ nằm cách trung tâm thành phố Huế 5km về phía Tây nên chỉ mất khoảng 10 phút di chuyển là tới nơi. Bạn có thể đến đây bằng ô tô, xe máy hoặc xích lô... tùy thích. Từ Kinh thành Huế, bạn đi qua đường Đặng Thái Thân rồi rẽ trái qua đường Yết Kiêu, đi thêm một đoạn nữa, rẽ trái qua đường Lê Duẩn. Gặp vòng xuyến bạn rẽ phải vào đường Kim Long, tiếp tục đi thêm 2km nữa là tới chùa Thiên Mụ.
Ngoài ra, nếu thích, bạn cũng có thể lựa chọn các tour di chuyển bằng tàu trên sông Hương. Tàu sẽ xuất phát từ cầu Tràng Tiền rồi đi qua các điểm tham quan và dừng chân tại chùa Thiên Mụ trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
Giá vé tham quan
Chùa Thiên Mụ miễn phí vé tham quan cho du khách trong tất cả các ngày trong năm.
Những lưu ý khi tham quan chùa Thiên Mụ
- Thời điểm lý tưởng nhất để tham quan chùa Thiên Mụ là khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2. Thời tiết ở Huế lúc này mát mẻ và vô cùng dễ chịu, thích hợp để du khách tham quan và vãn cảnh chùa. Ngoài ra, nếu đến chùa vào khoảng tháng 5, tháng 6 thì bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn hoa phượng nở đỏ rực một vùng, hoặc từ mùa hạ tới hết mùa Vu Lan thì bạn có thể ngắm hoa Sala nở đẹp nhất.
- Khi đến tham quan chốn linh thiêng như đền chùa, bạn nên chú ý mặc trang phục lịch sự, kín đáo.
- Không nói to, gây ồn ào hay nói tục chửi bậy trong khuôn viên chùa để không làm ảnh hưởng đến không gian thanh tịnh, thiêng liêng của chùa.
Qua bài viết này của , chắc hẳn bạn đã hiểu rõ hơn về chùa Thiên Mụ - một trong những ngôi chùa cổ lâu đời nhất Việt Nam hiện nay rồi phải không? Nếu có một lần đặt chân đến xứ Huế mộng mơ thì bạn đừng quên ghé qua chùa Thiên Mụ để tận mắt trải nghiệm cảnh quan kiến trúc của nơi đây nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!
>> Tham khảo thêm:
- Lễ hội chùa Hương ở đâu, kéo dài bao lâu? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ hội chùa Hương
- Chùa Tam Chúc ở đâu, thờ ai? Vé vào chùa Tam Chúc giá bao nhiêu?
- Chùa Bái Đính ở đâu, thờ ai? Giá vé tham quan, kinh nghiệm đi chùa Bái Đính
- Kinh nghiệm: Đi lễ phủ Tây Hồ chuẩn bị gì? Văn khấn lễ phủ Tây Hồ đầy đủ nhất
- Chùa Một Cột ở đâu, được xây dựng dưới thời nào? Ý nghĩa của chùa Một Cột?
- Chùa Linh Ứng ở đâu? Sự tích và kinh nghiệm đi tham quan chùa Linh Ứng
Xem thêm
Nước Cyprus ở đâu, thuộc châu nào? Tìm hiểu về đảo Síp
Văn Miếu Quốc Tử Giám ở đâu? Giờ mở cửa và giá vé vào tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám
Biển 15 là tỉnh nào? Tất cả về biển số xe 15
Biển số 36 ở tỉnh nào? Mã theo các huyện là bao nhiêu?
Biển số 88 thuộc tỉnh nào? Mã theo các huyện là bao nhiêu?
Xe Thành Bưởi - Tổng đài, cách đặt vé, gửi hàng bến xe Thành Bưởi
Danh sách cửa hàng Vinmart Hà Nội, hệ thống siêu thị Vinmart tại Hà Nội
Các địa điểm du lịch Đà Lạt đẹp, hot nhất 2022
Biển số xe 76 ở tỉnh nào? Mã theo các huyện là bao nhiêu?