Chế độ dinh dưỡng cho người bị giãn tĩnh mạch: Nên ăn gì, kiêng gì?
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất khi tìm hiểu về việc phòng và trị bệnh suy giãn tĩnh mạch đó là việc nên ăn gì và kiêng gì? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem chế độ dinh dưỡng cho người bị giãn tĩnh mạch như thế nào sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh nhất nhé.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh thường gặp trong cuộc sống, biểu hiện nhẹ là thường bị chuột rút vào ban đêm, đau nhức, tê mỏi chi, có cảm giác như kiến bò… Khi bệnh chuyển nặng, biểu hiện rõ thấy nhất là việc tĩnh mạch của người bệnh nổi hẳn lên, có thể nhìn được bằng mắt thường, sờ thấy cứng kèm theo đau, có thể bị viêm loét…
Theo các chuyên gia y tế, mặc dù không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng những biến chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch thật sự rất đáng lo ngại như:
- Hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu gây tắc mạch chỗ khác (gây tắc mạch phổi dẫn đến suy hô hấp và tử vong).
- Các tĩnh mạch giãn to dễ bị vỡ khi chấn thương hay va chạm nhẹ, gây xuất huyết, bầm máu.
- Rối loạn biến dưỡng da dẫn đến chàm, tăng sắc tố da và loét chân (tình trạng loét chân do tĩnh mạch rất khó điều trị)...
>> Xem chi tiết: Bệnh giãn tĩnh mạch chân có nguy hiểm không?
Với sự phát triển của y học hiện nay thì việc điều trị suy giãn tĩnh mạch không phải là quá khó khăn. Tuy nhiên, để có thể đạt hiệu quả nhanh nhất, tốt nhất cũng như phòng ngừa bệnh tái phát thì áp dụng trị liệu thôi là chưa đủ mà chúng ta còn cần kết hợp với việc điều chỉnh thói quen và chế độ dinh dưỡng cho người bị giãn tĩnh mạch. Cụ thể như thế nào, hãy cùng VnAsk theo dõi trong phần tiếp theo.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị giãn tĩnh mạch
Tầm quan trọng của dinh dưỡng với điều trị bệnh
Dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong điều trị bất kỳ bệnh lý nào, dù nặng hay nhẹ. Chế độ ăn điều trị làm tăng sức đề kháng chung của cơ thể, có tác dụng phòng bệnh, chống lại bệnh tật, đặc biệt ở những người bệnh bị nhiễm độc và nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, nó còn làm tăng hiệu lực của các phương pháp điều trị khác, giảm tái phát, ngăn ngừa bệnh tiến triển hoặc chuyển sang mãn tính.
Vậy đối với bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thì nên ăn gì? Kiêng ăn gì?
Bệnh giãn tĩnh mạch nên ăn gì?
Chất xơ: Người thiếu chất xơ thường bị táo bón kéo dài. Đây là nguyên nhân lớn gây ra bệnh trĩ - một bệnh lý suy giãn tĩnh mạch phổ biến. Táo bón cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân, bởi, khi bị táo bón sẽ dẫn đến đầy hơi ở dạ dày làm tăng áp lực xung quanh bụng và chi dưới. Đồng thời người bị táo bón khi đi ngoài, cơ bụng và cơ chân phải hoạt động rất mạnh.
Chất xơ tốt cho quá trình tiêu hóa, giúp nhuận tràng, hết táo bón, từ đó bệnh suy giãn tĩnh mạch chân sẽ thuyên giảm. Vì vậy, người suy giãn tĩnh mạch nên bổ sung chất xơ từ các loại rau củ và ngũ cốc nguyên hạt để tình trạng bệnh nhanh được cải thiện. Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm:
- Rau củ quả trong bữa ăn hàng ngày: Hạt chia và hạt lanh, các loại rau, các loại đậu (đậu cô ve, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành, đậu Hà Lan), bí đỏ, đậu bắp, cà rốt, súp lơ, yến mạch, gạo lức…
- Trái cây: Chuối, đu đủ, lê, bơ…
Vitamin C và E: Đây là những loại vitamin ưu tiên số một trong phòng và điều trị nhiều bệnh, trong đó có suy giãn tĩnh mạch. Vitamin C và E là hai chất chống oxy hóa, giảm gốc tự do rất tốt, khả năng chống lại những viêm nhiễm, tăng sức đề kháng. Vitamin C có tác dụng tích cực trong sản sinh collagen và elastin, 2 hoạt chất quan trọng với sự bền vững và tính đàn hồi của thành tĩnh mạch. Vitamin E giúp ngăn ngừa sự kết tạo các cục máu đông trong tĩnh mạch, hoạt động như một chất làm loãng máu tự nhiên và gắn liền với sức khỏe tim mạch. Tăng cường 2 loại vitamin này trong chế độ dinh dưỡng cho người bị giãn tĩnh mạch giúp tăng khả năng lưu thông máu, giảm được triệu chứng do suy giãn tĩnh mạch.
- Các loại thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: Cam, quýt, bưởi, rau cải, ớt, ớt chuông, đu đủ, dâu tây…
- Các loại thực phẩm giàu vitamin E: Hạt dẻ, hạnh nhân, rau bina, đu đủ, cải xanh, củ cải, quả bơ, dầu/bơ thực vật…
Flavonoid: Các flavonoid đều là yếu tố cần thiết để hấp thu vitamin C - chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng, chịu trách nhiệm cho việc tăng trưởng và tái tạo mô, kiểm soát viêm. Chúng cũng rất cần thiết cho việc sản xuất collagen, protein được dùng để tạo ra các mạch máu và các mô cơ giúp giảm tình trạng suy giãn tĩnh mạch.
Flavonoid thường có nhiều trong các thực phẩm như: Bông cải xanh, việt quất, trà xanh, các loại hạt, ớt, socola…
Ngoài ra, còn một loại flavonoid nữa được gọi là rutin. Rutin là hợp chất glycosid thuộc nhóm flavonoid aglycon được chiết xuất từ hoa hòe, là một loại vitamin P có tác dụng tăng cường sức chịu đựng của mao mạch, làm bền thành mạch. Khi thiếu vitamin này tính chất chịu đựng của mao mạch giảm khiến chúng dễ đứt, vỡ… Các thực phẩm giàu rutin có thể kể đến như lúa mạch, hoa hòe, hoa tam giác mạch, kiều mạch, cây dẻ ngựa, sung, măng tây…
Magie: Magie đóng vai trò là chất tổng hợp máu, thiếu magie sẽ gây vấn đề về huyết áp và tê thấp tay chân, góp phần gây suy giãn tĩnh mạch. Để khắc phục những triệu chứng này, bạn cần tăng lượng thực phẩm chứa nhiều magie như rau lá xanh, bơ, chuối, rau cải và khoai lang… vào chế độ dinh dưỡng cho người bị giãn tĩnh mạch.
Giãn tĩnh mạch kiêng ăn gì?
Bên cạnh việc bổ sung những thực phẩm có lợi, bạn cũng nên tránh sử dụng một số loại thực phẩm dưới đây để tình trạng bệnh không trầm trọng thêm.
- Thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột là những thứ mà bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nên kiêng ăn vì chúng làm giảm hoạt động của những chất chống oxy hóa, thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Không chỉ thế, đường còn kích thích tăng cân, gây gan nhiễm mỡ, gây tăng axit uric và cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm thận nếu chúng ta tiêu thụ quá nhiều đường.
- Rượu và thuốc lá là những chất độc hại cho tĩnh mạch cũng như đôi chân của bạn.
- Thực phẩm chiên, rán, xào, đồ ăn sẵn chứa nhiều muối cũng như nhiều dầu mỡ không chỉ ảnh hưởng tới bệnh mạch vành mà còn làm trầm trọng thêm bệnh suy giãn tĩnh mạch chi, cản trở sự lưu thông máu.
Những lưu ý cho người bị suy giãn tĩnh mạch
- Đi bộ chậm mỗi ngày hoặc bơi lội là các phương pháp thể thao tốt nhất nhằm phòng tránh và điều trị bệnh suy tĩnh mạch.
- Tăng cân, béo phì sẽ làm cho tình trạng suy tĩnh mạch của bạn trầm trọng hơn. Nếu bạn đang thừa cân thì nên giảm cân, nếu cân nặng của bạn đã vừa đủ thì bạn nên duy trì cân nặng đó.
- Với những người làm các ngành nghề đặc thù cần đứng nhiều thì không nên chỉ đứng một chỗ cả ngày mà cần thường xuyên tập một số bài tập giãn cơ đơn giản hay di chuyển tại chỗ để không tạo áp lực lên chân.
- Mặc dù ngâm chân nước nóng tốt cho sức khỏe, giúp ngủ ngon nhưng người bị suy giãn tĩnh mạch chân không nên ngâm chân nước nóng vì ngâm chân nước nóng càng làm cho tĩnh mạch bị giãn ra nhiều hơn, bệnh nặng hơn.
- Nên đeo tất/vớ y khoa vào ban ngày (đêm có thể bỏ ra).
Trên đây là những lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho người bị giãn tĩnh mạch. Hy vọng những thông tin mà VnAsk chia sẻ có thể giúp những bệnh nhân bị chứng suy giãn tĩnh mạch nhanh chóng khỏi bệnh và có sức khỏe tốt. Để tham khảo thêm thông tin về các bệnh lý cũng như các dụng cụ y tế, chăm sóc sức khỏe, hãy truy cập ngay hoặc liên hệ hotline để được hỗ trợ nhanh nhất.
- Hà Nội: Số 56 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy - ĐT: 024.35.68.69.69
- TP. HCM: Số 716-718 Điện Biên Phủ, Phường 10, Quận 10 - ĐT: 028.38.33.66.66
Tham khảo thêm: Phù mạch bạch huyết là gì? Có chữa được không?
Xem thêm
Các bài tập thể dục giúp đôi mắt luôn sáng khỏe
Rượu tỏi có tác dụng gì? Uống rượu tỏi đúng cách như thế nào?
Bí quyết tăng chiều cao sau 18 tuổi
Tia UV là gì? Tia UV có ở đâu? Tia UV có tác dụng hay tác hại gì?
Uống kẽm có thật sự trị được mụn? Nên dùng thế nào?
Ngâm chân bằng lá lốt có tác dụng gì? Cách ngâm chân lá lốt hiệu quả tại nhà
Dầu gấc có tác dụng gì? Cách làm dầu gấc nguyên chất đơn giản tại nhà
Cách pha nước muối sinh lý súc miệng theo tỷ lệ chuẩn tại nhà
Tỏi mọc mầm có ăn được không?