Trò chơi đoán ô chữ chủ đề: TRUNG THU 2025
Trò chơi giải ô chữ trung thu
VnAsk mời các bạn cùng tham gia Trò chơi đoán ô chữ chủ đề: TRUNG THU!
Một mùa Trung thu nữa đã đến, bên cạnh các hoạt cảnh, những màn múa hát thì trò chơi đoán ô chữ chủ đề trung thu cũng được các em nhỏ cực kì mong đợi. Trò chơi đoán ô chữ trung thu gồm nhiều câu đố, câu hỏi khác nhau như sự tích trung thu, sự tích chú cuội, chị hằng, bánh trung thu,.... nhưng đều xoay quanh một chủ đề. Ô chữ bí mật sẽ được mở ra sau khi tất cả các gợi ý đều được các bạn nhỏ đoán đúng. Nào hãy cùng lên chương trình trò chơi này vào kịch bản mùa trung thu năm nay thôi nào!
GỢI Ý CHƯƠNG TRÌNH GIẢI ĐOÁN Ô CHỮ
VUI TẾT TRUNG THU
Câu hỏi 1. Tết Trung Thu có nguồn gốc từ đất nước nào?
ĐA: TRUNG QUỐC
LD: Tết Trung Thu có nguồn gốc từ Trung Quốc (Từ thời đời Đường), là ngày lễ truyền thống của dân tộc Đông Á. Tết Trung Thu không chỉ là ngày tết của người Trung Hoa, mà còn là ngày tết của những quốc gia chịu ảnh hưởng của Trung Quốc như Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam... Theo lịch sử Trung Quốc, tháng 8 âm lịch là tháng thứ hai của mùa Thu, người xưa gọi là "Trọng Thu", vì thế dân gian gọi là Trung Thu hay là lễ tháng 8, lễ giữa tháng 8, lễ Trăng...
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cái một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.
Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.
Câu hỏi 2.
Câu hỏi: Hoạt động cuối cùng của tết Trung Thu mà trẻ em, người lớn ai ai cũng đều mong đợi?
ĐA: PHÁ CỖ
LD: Trăng rằm sáng tỏ đã lên chênh chếch. Cỗ bàn bày biện đầy đủ. Rồi giây phút mỏi mắt mong chờ cũng đã đến. Xong các hoạt động rước đèn, thi văn nghệ và các trò vui khác, mọi người quây quần lại và đồng thanh hô vang: phá cỗ nào! Thế là bánh trái, hoa quả lần lượt được dỡ xuống, chia phần cho trẻ nhỏ và mọi người cùng thưởng thức.
Trăng thu mát dịu, trống ếch rộn ràng, lời ca điệu múa mênh mang làm cho buổi phá cỗ trông trăng càng thêm đậm đà, thi vị. Với các em thiếu nhi từ xưa đến nay, ngày Tết trông trăng phá cỗ như một sự kiện rất đặc biệt, thiêng lêng, đậm chất lễ hội và văn hoá dân gian.
Câu hỏi 3.
Câu hỏi: Chúng ta đón tết Trung Thu vào dịp nào?
ĐA. RẰM THÁNG TÁM
Tháng tám – mùa thu, có thể gọi là mùa thơ mộng nhất trong năm. Trong kí ức tuổi thơ của mỗi người không thể phai mờ những mùa thu của buổi tựa trường, của bạn bè, của thầy cô, mùa thu của chiếc lá vàng bay nghiêng gió. Và đặc biệt mỗi chúng ta đều háo hức chờ đón một tết trung thu thật vui vẻ vào ngày rằm tháng tám.
Câu hỏi 4.
Câu hỏi: Hình ảnh dẫn đầu đoàn rước đèn, bước theo nhịp trống rồn vang kéo qua các xóm phố vui cùng các em thiếu nhi?
ĐA: MÚA LÂN
Đám múa lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Đầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có trống thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân và quan trọng nhất không thể thiếu đó là ông Địa. Thường đội lân đánh trống vang dền dẫn đầu đoàn thiếu nhi đi xung quanh các xóm, phố, đi đến đâu các em thiếu nhi trong nhà ùa ra hòa cùng các bạn đi rước đèn vì đoàn múa lân càng sau càng đông.
Câu hỏi 5:
Câu hỏi: Tác giả của bài thơ “ Muốn làm thằng cuội” trong chương trình ngữ văn lớp 8 THCS ?
ĐA: TẢN ĐÀ
LD: Trung Thu vốn là nguốn cảm hứng lớn cho các thi sĩ từ xưa đến nay, trong đó có nhà thơ Tản Đà với bài Muốn làm thằng cuội:
Muốn Làm Thằng Cuội
Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nữa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Tản Đà
Câu hỏi 6:
Tên bài hát thường được các em hát trong rước đèn đêm Trung Thu của nhạc sĩ Phạm Tuyên?
ĐA: CHIẾC ĐÈN ÔNG SAO
Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu.Cán đây rất dài cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đềm rằm liên hoan ! Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh ! Đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời.
Chỉ mới nghe lời bài hát chúng ta đã đủ tưởng tượng ra không khí hân hoan, vui vẻ của các em khi rước đèn đêm Trung Thu.
Câu 7.
Câu hỏi: Người mà nhân vật Chư Bát Giới thầm thương trộm nhớ là ai?
ĐA: CHỊ HẰNG
LD:
Tương truyền, vào thời xa xưa, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời, cùng chiếu xuống mặt đất nóng đến bốc khói, biển hồ khô cạn, người dân gần như không thể sống nổi. Chuyện này đã làm kinh động đến một anh hùng tên là Hậu Nghệ. Anh đã trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng thần lực giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời. Hậu Nghệ đã lập nên thần công cái thế, nhận được sự tôn kính và yêu mến của mọi người, rất nhiều chí sĩ mộ danh đã tìm đến tầm sư học đạo, trong đó có Bồng Mông là một kẻ tâm thuật bất chính.
Không lâu sau, Hậu Nghệ lấy một người vợ xinh đẹp, tốt bụng, tên là Hằng Nga. Ngoài dạy học săn bắn, cả ngày Hậu Nghệ luôn ở bên cạnh vợ, mọi người đều ngưỡng mộ đôi vợ chồng trai tài gái sắc này.
Một hôm, Hậu Nghệ đến núi Côn Lôn thăm bạn, trên đường tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương đi ngang qua, bèn xin Vương mẫu thuốc trường sinh bất tử. Nghe nói, uống thuốc này vào, sẽ lập tức được bay lên trời thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không nỡ rời xa vợ hiền, đành tạm thời đưa thuốc bất tử cho Hằng Nga cất giữ. Hằng Nga cất thuốc vào hộp đựng gương lược của mình, không ngờ đã bị Bồng Mông nhìn thấy.
Ba ngày sau, Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông với tâm địa xấu xa đã giả vờ lâm bệnh, xin ở lại. Đợi Hậu Nghệ dẫn các học trò đi không lâu, Bồng Mông tay cầm bảo kiếm, đột nhập vào hậu viện, ép Hằng Nga phải đưa ra thuốc bất tử. Hằng Nga biết mình không phải là đối thủ của Bồng Mông, trong lúc nguy cấp đã vội vàng mở hộp gương lược, lấy thuốc bất tử ra và uống hết. Hằng Nga uống thuốc xong, thấy người bỗng nhẹ rời khỏi mặt đất, hướng về cửa sổ và bay lên trời. Nhưng do Hằng Nga còn nhớ chồng, nên chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần với nhân gian nhất rồi trở thành tiên.
Tối hôm đó, khi Hậu Nghệ về đến nhà, các thị nữ vừa khóc vừa kể lại câu chuyện xảy ra lúc sáng. Hậu Nghệ vừa lo vừa giận, đã rút kiếm tìm giết nghịch đồ, nhưng Bồng Mông đã trốn đi từ lâu. Hậu Nghệ nổi giận nhưng chỉ biết vỗ ngực giậm chân kêu khóc. Trong lúc đau khổ, Hậu Nghệ đã ngửa cổ lên trời đêm gọi tên vợ hiền. Khi đó, anh kinh ngạc phát hiện ra, trăng hôm nay đặc biệt sáng ngời, mà còn có thêm một bóng người cử động trông giống Hằng Nga. Hậu Nghệ vội sai người đến hậu hoa viên nơi Hằng Nga yêu thích, lập bàn hương án, đặt lên đó những món ăn và trái cây mà bình thường Hằng Nga thích ăn nhất, để tế Hằng Nga nơi cung trăng đang nhớ đến mình.
Sau khi mọi người nghe tin Hằng Nga lên cung trăng thành tiên nữ, đều đã lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục “bái nguyệt” vào tết trung thu được truyền đi trong dân gian.
Câu 8.
Câu hỏi: Tên một khúc múa hát cổ có trong sự tích tết Trung Thu?
ĐA: NGHÊ THƯỜNG VŨ Y KHÚC
Tương truyền rằng: Tết Trung-Thu đã có từ thời Đường Minh Hoàng bên Trung-Hoa, vào đầu thế kỷ thứ tám (713-755).
Sử sách chép lại, nhân một đêm rằm tháng tám, khi cùng văn võ bá quan thưởng nguyệt, vua Đường ao ước được lên thăm cung trăng một lần cho biết. Pháp sư Diệu Pháp Thiên (có sách chép là Lã Công Viên) tâu xin làm phép đưa vua lên cung trăng.
Lên tới cung trăng, Đường Minh Hoàng được các tiên tiếp rước, bày tiệc đãi đằng và cho hàng trăm tiên nữ xinh tươi mặc áo lụa mỏng nhiều màu sắc rực rỡ, tay cầm tấm lụa trắng tung múa trên sân, vừa múa vừa hát, gọi là khúc Nghê Thường vũ y.
Vua Đường thích quá, nhờ có khiếu thẩm âm nên vừa trầm trồ khen ngợi vừa lẩm nhẩm học thuộc lòng bài hát và điệu múa mong đem về hoàng cung bày cho các cung nữ trình diễn. Cuối năm đó, quan Tiết Độ Sứ cai trị xứ Tây Lương mang về triều tiến dâng một đoàn vũ nữ với điệu múa Bà-la-môn. Vua thấy điệu múa có nhiều chỗ giống Nghê Thường vũ y, liền chỉnh đốn hai bài hát và hai điệu làm thành Nghê-Thường vũ y khúc. Về sau các quan cũng bắt chước vua mang điệu múa hát về các phiên trấn xa xôi nơi họ cai trị rồi dần dần phổ biến khắp dân gian. Tục ngắm trăng, xem ca múa sau biến thành thú vui chơi đêm rằm Trung Thu .
Câu 9.
Câu hỏi: Nhân vật thường ngồi dưới gốc đa trên cung trăng mà chúng ta nhìn thấy rõ nhất trong đêm Trung Thu là ai?
ĐA: CHÚ CUỘI
Hình ảnh chú cuội than thuộc với chúng ta từ thưở ấu thơ qua những câu đồng dao ngọt ngào giàu hình ảnh:
Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên
Ông thì cầm bút cầm nghiên
Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa.
Truyện kể rằng:
Sự tích chú Cuội cung trăng
Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Trong một lần vào rừng đốn củi
Cuội phát hiện ra một loài cây lạ có phép cải tử hoàn sinh.
Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi. Cũng nhờ phép cải tủ hoàn sinh mà Cuội cứu sống được con gái phú ông, sau đó cưới nàng làm vợ. Hai vợ chồng sống với nhau đầm ấm hạnh phúc. Người vợ rất mực hiền thục đảm đang, tuy nhiên sau khi bị bọn cướp hãm hại thì nàng có tính hay quên. Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, đổ rác bẩn vào gốc cây. Không ngờ chị ta vừa đổ xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.
Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.
Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển có một lá. Bọn cá heo đã chực sẵn, khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho tộc loại chúng. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa....
Tham khảo: Kịch bản chú Cuội chị Hằng Tết trung thu
Câu 10.
Câu hỏi: Nguyên liệu chính dùng để làm bánh dẻo?
ĐA: GẠO NẾP
LD: Trong ngày Trung Thu có rất nhiều loại bánh kẹo nhưng có một loại bánh không thể thiếu được đó là: bánh dẻo. Với hương vị thơm ngon, dẻo mềm đặc trưng của lúa nếp thơm được cấy ở các vùng quê Bắc Bộ.
Câu 11.
Câu hỏi: Một tên gọi khác của tết Trung Thu?
ĐA: TẾT TRÔNG TRĂNG
LD: Tết Trung Thu theo âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là "Tết trông Trăng". Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích.
Từ khóa hàng dọc: CỐM LÀNG VÒNG
Ở miền Bắc, không ai không biết đến một thứ quà ngon nổi tiếng, thứ quà của lúa non. Cái thứ quà vừa dân dã vừa thanh tao đó có tên gọi là Cốm lúa nếp. Cốm là hình ảnh đặc trưng chỉ có trong mùa thu, nhất là vào dịp rằm tháng tám – tết Trung Thu, trên mỗi mâm hoa quả, bánh kẹo xưa kia không thể thiếu được một nhúm cốm xanh bọc trong lá sen, một chút mộc mạc dân dã, một chút thoang thoảng hương thu làm ta nhớ mãi. Một làng nghề truyền thống chuyên làm cốm tạo nên một thương hiệu nổi tiếng gần xa: Cốm Làng Vòng. Làng Vòng cách trung tâm Hà Nội về phía Tây Bắc độ dăm cây số, gồm có các thôn: Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung nhưng chỉ có hải thôn Vòng Hậu và Vòng Sở là làm cốm ngon.
Làng Vòng ngày xưa nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Mặc dù vậy, cái tên làng Vòng vẫn không mất đi trong tâm trí của mỗi người dân thủ đô bởi nó đã gắn liền với một đặc sản nổi tiếng.
Đặc sản “Cốm làng Vòng” có từ lâu đời được làm từ nếp cái hoa vàng, một năm có hai vụ: vụ chiêm chỉ có cốm vào tháng tư. Vì đây là trái vụ nên cốm của vụ chiêm không mấy hấp dẫn. Muốn ăn cốm ngon phải đợi đến vụ mùa, bắt đầu từ tháng bảy đến tháng mười. Khi ấy là vào mùa thu, mùa của đất trời Hà Nội.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà thứ quả mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam lại cùng mùa thu Hà Nội đi vào thơ ca “Hà Nội mùa thu..., mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua...”. Cốm là thức quà riêng biệt của một đất nước. Thức quà ấy mang trong hương vị tất cả sự đảm đang, cần cù và sáng tạo của người dân làm nông nghiệp.
Nói về cách thức làm cốm làng Vòng thì rất công phu. Đầu tiên họ trồng lúa, đợi đến lúc lúa khum ngọn, hãy còn sữa thì gặt đem về làm cốm. Lúa để làm cốm thì không được vò hay đập mà phải tuốt. Sau đó cho vào nồi rang. Cốm rang xong phải mang giã ngay, không được để nguội. Trong quá trình giã phải có kỹ thuật, không được giã mạnh tay quá cốm sẽ nát. Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống, dưới lên cho đều. Giã khoảng 10 lần thì đem cốm đi sáng và hồ, cuối cùng cốm được gói vào lá sen cho ta một mùi thơm thoang thoảng hòa quện, mùi hương của đồng quê.
Sau những năm bị quên lãng, trong thời gian gần đây cốm lại dần xuất hiện trong các mâm cỗ Trung Thu. Đó là một tín hiệu đáng mừng, một nét văn hóa được khôi phục cho con cháu nhớ về nguồn cội, nhớ về cha ông.
Ô CHỮ
1 | T | R | U | N | G | Q | U | O | C | 9 | ||||||||||
2 | P | H | A | C | O | 5 | ||||||||||||||
3 | R | A | M | T | H | A | N | G | T | A | M | 11 | ||||||||
4 | M | U | A | L | A | N | 6 | |||||||||||||
5 | T | A | N | D | A | 5 | ||||||||||||||
6 | D | E | N | O | N | G | S | A | O | 9 | ||||||||||
7 | C | H | I | H | A | N | G | 7 | ||||||||||||
8 | N | G | H | E | T | H | U | O | N | G | V | U | Y | K | H | U | C | 17 | ||
9 | C | H | U | C | U | O | I | 7 | ||||||||||||
10 | G | A | O | N | E | P | 6 | |||||||||||||
11 | T | E | T | T | R | O | N | G | T | R | A | N | G | 13 |
Trên đây VnAsk.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Trò chơi đoán ô chữ chủ đề: TRUNG THU 2025. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu hữu ích nhé.
Xem thêm
Tổng hợp bài thuyết trình lồng đèn Trung thu hay 2025
Những địa điểm vui chơi Tết trung thu bạn không nên bỏ qua
Giá bánh trung thu Hải Hà 2023 bao nhiêu? Có những loại nào, vị gì?
Lời chúc Tết Trung Thu cho các bé, cho con hay, ý nghĩa
Bánh Trung thu Thu Hương giá bao nhiêu 2022? Có những loại nào, vị gì?
Mẫu tiểu phẩm tổ chức đêm Trung thu 2025
Cách trang trí mâm ngũ quả Trung Thu đơn giản mà đẹp, độc đáo
Cúng rằm Trung Thu vào lúc nào? Giờ đẹp thắp hương rằm tháng 8
Nguyên liệu làm các loại bánh Trung Thu ngon nhất