Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu
Tết Trung Thu là ngày lễ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong văn hóa của người dân Việt Nam đặc biệt là với các em thiếu nhi. Vậy đã bao giờ bạn đang thắc mắc về nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Trung Thu là như thế nào chưa? Nếu có thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của VnAsk.com nhé.
Tết Trung Thu có nguồn gốc từ quốc gia nào?
Tết Trung Thu được bắt nguồn từ văn hóa của người Trung Quốc. Có 3 truyền thuyết chính được mọi người biết đến nhiều nhất khi nói về Tết Trung Thu chính là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và chú Cuội trong chuyện cổ tích Việt Nam.
Người Trung Hoa ăn mừng thu hoạch vào ngày trăng tròn mùa Thu kể từ thời Thương (c. 1600 - 1046 TCN). Trong triều đình, Trung Thu là một nghi lễ tế thần Thái Âm Tinh Quân. Điều này vẫn đúng trong Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Trung Quốc. Và Tết Trung Thu được chào đón như một lễ hội chỉ trở nên phổ biến từ thời nhà Đường. Theo truyền thuyết, Hoàng đế Đường Huyền Tông bắt đầu tổ chức lễ hội Trung Thu sau khi có dịp thăm cung trăng trên thiên đình. Sau đó, Tết Trung Thu được truyền vào Việt Nam, từ thời nhà Lý đã tổ chức ngày Tết này như một lễ hội.
Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, tục treo đèn bày cỗ do điển xưa về việc vua Đường Minh Hoàng. Vào ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng đã truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn và bày tiệc ăn mừng, từ đó trở thành tục lệ.
Tục rước đèn có từ đời nhà Tống truyền rằng: Trong đời vua Tống Nhân Tông có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng lại hiện lên biến thành con gái để đi hại người. Lúc bấy giờ có viên quan Bao Công mới hạ lệnh cho dân gian làm đèn con cá giống như hình của nó rồi mang ra chơi ngoài đường để nó sợ mà không dám hại người.
Cũng theo ông Phan Kế Bính, tục hát trống quân có từ đời vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), nguyên khi ông mang quân ra Bắc. Do quân sĩ lắm người nhớ nhà nên vua Nguyễn Huệ đã bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để giúp quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Và trong cách mà nhà vua đưa ra có đánh trống làm nhịp nên được gọi là trống quân.
Ý nghĩa của Tết Trung Thu
Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của săn sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu. Mọi người cần cố gắng duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này.
Tết Trung Thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung Thu của người Trung Hoa. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung Thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.
Cỗ mừng Trung Thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.
Cũng trong dịp này người ta mua bánh Trung Thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.
Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có những phong tục này.
Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát trống quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình." Ngày xưa trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng Tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.
Tết Trung Thu mới đầu là Tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần Tết Trung Thu trở thành Tết Trẻ Em hay Tết Nhi Đồng, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó. Trẻ em được người lớn chú ý săn sóc như các hội đoàn người Việt hải ngoại đã và đang làm. Các em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát, phá cỗ do cha mẹ anh chị bày cho và nhất là có dịp ăn bánh kẹo thả cửa mà không sợ bị quở mắng là "ăn kẹo hư răng."
Trong dịp Tết Trung Thu, trẻ em có dịp được học bài hát "Rước Đèn Tháng Tám" một cách thích thú: "Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn kéo quân với đèn cá trắm, đèn thiên nga với đèn bươm bướm. Em rước đèn này đến cung trăng. Đèn xanh lơ với đèn tím tím, đèn xanh lam với đèn trắng trắng. Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu."
Các phong tục Tết Trung Thu
Phong tục Tết Trung Thu ở Việt Nam gồm có các hoạt động như sau:
Rước đèn Trung Thu
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi... Đây là lời bài hát quen thuộc từ tuổi thơ và dần trở thành một phần ký ức không thể thiếu của mỗi người dân Việt Nam. Tuổi thơ ai cũng háo hức đến ngày rằm tháng Tám để được cầm những chiếc lồng đèn nhiều sắc màu rong ruổi khắp làng xóm để rước và hát vang bài hát Tết Trung Thu.
Đèn lồng truyền thống có thể làm bằng giấy màu, giấy kính, khung tre... với nhiều hình dáng đáng yêu như hình ngôi sao, hình con cá, hình tròn... Và ngày nay, đèn lồng đã được biến tấu thành đa dạng hình dáng và chất liệu tốt giúp các em nhỏ có thêm nhiều sự lựa chọn hơn.
Phá cỗ ngắm trăng
Mâm ngũ quả chắc chắn là hình ảnh không thể thiếu trong ngày Tết Trung Thu. Ban đầu, mâm ngũ quả được dâng lên để cúng trăng, tế trời đất, cầu mong có một mùa màng bội thu. Sau này, mâm ngũ quả trở thành mâm cỗ để các gia đình dâng lên nhằm tỏ lòng thành kính đến tổ tiên, thần linh trong dịp Tết Đoàn viên và sau đó để các bé phá cỗ.
Mâm ngũ quả đúng như tên gọi của nó vậy, gồm có 5 loại quả đặc trưng của mùa Thu Việt Nam như bưởi, thị, hồng, na, nhãn... Và việc trang trí mâm ngũ quả dịp Tết Trung Thu còn trở thành một trong những hoạt động thi đua ở các trường học, cơ quan mỗi dịp Tết Đoàn viên đến.
Múa lân
Đây là một trong những hoạt động đặc trưng trong lễ hội trăng rằm mà các em nhỏ rất thích. Tiếng trống múa lân vang lên rộn rã khắp các con phố, đường làng ngõ xóm khiến các em nhỏ lại càng háo hức. Để thực hiện được những màn múa lân chỉn chu, hay đặc sắc thì các thanh thiếu niên trong đội múa phải tập dược từ trước khoảng 1 đến 2 tháng. Thông thường, đội múa lân gồm có ít nhất 1 người đánh trống, 2 người múa lân và 1 người làm chú tễu/ông Địa.
Khi tiếng trống vang lên, chú tễu và chú lân lại nhảy múa theo nhịp, lắc lư và có thể là trêu các em nhỏ để chào đón điềm lành trong dịp Trung Thu. Nếu có từ hai chú lân trở lên thì có thể thực hiện trèo lên nhau, nhảy múa hoặc thậm chí là phun lửa để thu hút mọi ánh nhìn của người xem.
Hy vọng những thông tin mà VnAsk.com chia sẻ trên đây đã giúp bạn biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu là như thế nào rồi. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi bài viết của chúng tôi!
Đừng quên truy cập chuyên mục Trung Thu trên VnAsk.com để tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!
Xem thêm
Mẫu trang trí bảng Tết Trung Thu đẹp, đơn giản
101 Câu hỏi về Trung Thu hay nhất (có đáp án)
Hình nền Trung Thu đẹp nhất cho điện thoại, máy tính
4 Văn khấn rằm tháng 8 gia tiên, Thần Tài và Thổ Công chuẩn nhất
Cúng rằm Trung Thu vào lúc nào? Giờ đẹp thắp hương rằm tháng 8
Lời chúc Tết Trung Thu cho nhân viên, sếp, đồng nghiệp công ty
Lời chúc Tết Trung Thu cho các bé, cho con hay, ý nghĩa
Cách làm lồng đèn Trung Thu bằng ống hút đẹp, sáng tạo
4 Cách làm con nhím bằng hoa quả đón Trung Thu