Bị giãn tĩnh mạch chân có tập thể dục, yoga, đi bộ, chạy bộ được không?
Giãn tĩnh mạch chân là một bệnh lý phổ biến, đặc biệt là với người lớn tuổi, dân văn phòng, nhân viên bán hàng… Một thắc mắc chung của nhiều người bệnh đó là khi bị giãn tĩnh mạch chân có tập thể dục được không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những băn khoăn này.
Bị giãn tĩnh mạch chân có tập thể dục được không?
Giãn tĩnh mạch chân là tình trạng suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân, dẫn đến có hiện tượng máu ứ đọng và biến đổi về huyết động, biến dạng tổ chức những mô xung quanh, gây ra những triệu chứng như mỏi chân, nặng chân, chuột rút về đêm, bắp chân bị đau nhức, phù chân…
Để điều trị suy giãn tĩnh mạch, các bác sĩ thường cho người bệnh sử dụng thuốc kết hợp với vớ y khoa giúp máu huyết lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên, giống như tất cả các bệnh lý khác, ngoài những phương pháp y khoa, chúng ta cũng cần kết hợp cả những biện pháp bổ trợ để cải thiện thể chất như ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi. Vậy câu hỏi đặt ra là người bị bệnh giãn tĩnh mạch chân có tập thể dục được không? Nếu có thì nên tập luyện thế nào cho đúng?
Theo các bác sĩ chuyên về phục hồi chức năng, việc tập thể dục không chỉ giúp cho máu huyết lưu thông, hạn chế tình trạng đau nhức do bệnh gây ra mà còn giúp cho cơ thể người bệnh khỏe mạnh và sảng khoái. Tuy nhiên, không phải bộ môn thể dục nào cũng tốt cho người bị suy giãn tĩnh mạch chân bởi khi bị bệnh này, các tĩnh mạch chân bị giãn lớn nên rất dễ tổn thương khi vận động quá mạnh. Những môn thể thao mà bạn nên tránh khi đang bị suy giảm tĩnh mạch chân đó là: Tập gym, đá bóng, đánh bóng chuyền… bởi đó là những môn thể thao đòi hỏi sự tác động mạnh vào đôi chân. Vậy với những môn thể thao nhẹ nhàng như yoga thì sao?
Bị giãn tĩnh mạch chân có tập yoga được không?
Yoga là một môn thể thao nhìn qua có vẻ khá nhẹ nhàng nhưng lại không được khuyến khích cho người bị chứng suy giãn tĩnh mạch. Các động tác yoga thường phải quỳ gập gối, hít sâu, ép bụng và nén hơi… nên có thể sẽ gây hại cho tĩnh mạch, làm cản trở việc lưu thông máu từ chân về tim. Vì vậy, dù bạn là một “fan cứng” của bộ môn này thì cũng nên nén lại đam mê của mình để điều trị khỏi bệnh suy giãn tĩnh mạch rồi hãy bắt đầu tập luyện trở lại nhé!
Giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không?
Bên cạnh yoga thì đi bộ cũng là một bộ môn mà khá nhiều người quan tâm xem bị giãn tĩnh mạch có thể luyện tập không. Điều đáng mừng là môn thể thao này cực kỳ phù hợp cho những người bị giãn tĩnh mạch.
Với những người bình thường, đi bộ mỗi ngày cũng đã rất tốt thì với người suy giãn tĩnh mạch, môn thể thao này còn có hiệu quả hơn rất nhiều. Đi bộ giúp vận động các khớp và tăng sức mạnh cho hệ cơ, xương chân. Cùng với đó, lực cơ tăng lên giúp ngăn ngừa tình trạng tĩnh mạch sâu.
Đi bộ thường xuyên còn giúp làm tăng tần số hô hấp và góp phần tập luyện cho tim, giúp cải thiện một số vấn đề về tim mạch cho người già, người bị béo phì. Tuy nhiên, theo lời khuyên của các bác sĩ, chúng ta cũng cần đi bộ theo đúng phương pháp để đạt hiệu quả tối ưu. Tốt nhất, mọi người nên đi bộ bằng chân trần hoặc với giày thể thao trên bãi cỏ hoặc nền cát, khi đi bộ nên sử dụng vớ y khoa làm khép van tĩnh mạch và phục hồi cơ, giúp bơm máu hiệu quả hơn, tránh bị nặng chân và đau nhức chân sau khi tập do máu bị ứ đọng. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý cường độ tập luyện của mình, chỉ nên đi bộ chậm nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày và nhớ tuyệt đối không nên chạy bộ nhé.
>>> Xem thêm: Tác hại của việc đi bộ quá nhiều & Những sai lầm cần tránh khi đi bộ
Các môn thể thao phù hợp với người bị suy giãn tĩnh mạch
Bên cạnh đi bộ thì cũng còn khá nhiều môn thể thao khác mà người bệnh giãn tĩnh mạch có thể luyện tập hằng ngày như: Bơi lội, đi xe đạp chậm, khiêu vũ… Đặc điểm chung của những môn thể thao này là người tập phải vận động phần cổ chân. Khi đó, cổ chân sẽ dần trở nên linh hoạt hơn, giúp quá trình lưu thông máu trở nên trơn tru, dễ dàng hơn.
Ngoài ra, nếu bạn không có quá nhiều thời gian để ra ngoài tập luyện thì cũng có thể cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch thông qua những bài tập đơn giản có thể tập ngay tại nhà mà chúng tôi chia sẻ dưới đây.
3 bài tập giãn tĩnh mạch chân đơn giản
Buerger Allen
Buerger Allen là một trong những bài tập lâu đời nhất mà các bác sĩ phục hồi chức năng thường sử dụng để giúp người bệnh suy giãn tĩnh mạch cải thiện lưu thông máu đến chân và hạn chế sự phát triển của bệnh. Bài tập này được xây dựng dựa trên cơ chế kiểm soát nhịp nhàng lưu lượng máu đến phần dưới cơ thể.
Hướng dẫn thực hiện (Thực hiện bài tập này 10 - 12 lần/ngày)
Bước 1: Nằm trên giường và giơ hai chân lên cao (tốt nhất nên có một bục đỡ dưới chân).
Bước 2: Giữ nguyên vị trí cho đến khi bàn chân chuyển sang màu trắng nhợt nhạt.
Bước 3: Ngồi dậy, hai chân thả lỏng, buông thõng xuống mép giường cho đến khi màu sắc bàn chân hồng hào trở lại. Trong quá trình này, bạn có thể kết hợp xoay cổ chân để khớp xương trở nên linh hoạt hơn, máu lưu thông ổn định hơn.
Bước 4: Nằm xuống, chân duỗi, cả thân người tạo thành một đường thẳng, có thể kết hợp xoay nhẹ khớp cổ chân.
Bài tập đạp xe trên không
Đạp xe trên không là bài tập tác động tích cực đến lưu thông máu tổng thể chứ không riêng gì vùng chi dưới. Nó còn giúp loại bỏ phần mỡ bụng và làm săn chắc phần dưới cơ thể nên rất tốt cho các anh chị em văn phòng thường xuyên phải ngồi một chỗ. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý là động tác này không được khuyến khích cho những người có vấn đề với phần lưng, cột sống.
Hướng dẫn tập
Bước 1: Nằm ngửa trên bề mặt mềm mại (thảm yoga) để đỡ bị cấn lưng.
Bước 2: Nâng cả hai chân lên cao, gập đầu gối ở góc 60 độ.
Bước 3: Đẩy một chân về phía trước rồi thu chân lại với chuyển động tròn. Lặp lại với chân bên kia (động tác giống như đang đạp xe trên không).
Thực hiện chuyển động chân ít nhất 25 - 30 lần/lượt và tập 3 lượt, giữa các lượt có nghỉ ngơi khoảng 10 giây để cơ được thả lỏng, tránh tình trạng tập cường độ cao, dồn dập khiến cơ bị “sốc” tạo thành căng cơ, tê buốt cơ.
Đạp xe trên không chỉ là bài tập mang tính thay thế cho hoạt động đạp xe thực tế nên nếu có điều kiện, bạn hãy đạp xe thực tế để đạt hiệu quả cao hơn nhé.
Bài tập nhón gót tại chỗ
Bài tập nhón gót tại chỗ là bài tập thích hợp cho người làm văn phòng, ít có điều kiện vận động có thể tranh thủ thời gian nghỉ giữa giờ, nghỉ trưa… để tập luyện cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch.
Bài tập này được thực hiện nhằm mục đích tăng cường cơ ở bắp chân, ngăn ngừa phát sinh giãn tĩnh mạch ở các vị trí mới và làm giảm tình trạng giãn tĩnh mạch ở những vị trí cũ. Tuy nhiên, đây là một bài tập có liên quan đến sự cân bằng, khả năng giữ thăng bằng nên khi tập, cần cẩn thận để tránh những chấn thương không đáng có.
Cách thực hiện (thực hiện bài tập 20 lần/ngày)
Bước 1: Đứng ở tư thế bình thường.
Bước 2: Nhón gót, dồn trọng tâm vào các ngón chân khi đứng.
Bước 3: Giữ nguyên tư thế trong vòng 15 nhịp đếm.
Bước 4: Hạ gót chân, trở về tư thế đứng bình thường ban đầu.
Những bài tập trên giúp người bệnh phòng chống, cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch một cách hiệu quả. Bên cạnh việc tập luyện nhẹ nhàng mỗi ngày, bạn cũng nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của các bác sĩ, uống thuốc đầy đủ, đúng liều và thường xuyên mang vớ y khoa theo đúng chỉ định. Chúc bạn sớm khắc phục được bệnh lý này để có thể sống vui khỏe, thoải mái hơn.
Tham khảo thêm
Xem thêm
Lợi đủ đường khi cho trẻ ăn sữa chua đúng cách
Răng số 8 là răng gì, có nên nhổ không? Nhổ răng số 8 có đau không?
Nam tập yoga được không? 7 bài tập yoga cho nam giới dẻo dai, tăng cường sinh lý
Người bị cholesterol cao nên ăn gì và kiêng gì?
Có nên cạo lông vùng kín nam hay không?
Có bầu tập yoga được không? Bài tập yoga cho bà bầu, cho mẹ và bé luôn khỏe
Những dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh con so mẹ bầu cần biết
CDC là gì? Trung tâm CDC có chức năng, nhiệm vụ là gì?
Người giảm cân uống bao nhiêu nước là phù hợp?