Tết Thanh minh là gì? Ý nghĩa ngày Thanh minh

Cập nhật: 28/03/2024

Tết Thanh minh là một trong những dịp lễ tết đặc biệt trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của ngày này là gì. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu Tết Thanh minh là gì và ý nghĩa của nó là như thế nào nhé!

Tết Thanh minh là gì?

1.

Tết Thanh minh (hay Tiết Thanh minh) là tiết thứ năm trong số hai mươi tư tiết khí của Nông lịch (Âm lịch) của một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên.

Tiết Thanh minh đến sau Tiết Lập xuân 45 ngày, lúc này, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa hơn nên gọi là Thanh minh (thanh (清) trong thanh lọc, thanh khiết, mang nghĩa là "sạch sẽ" hay "trong lành", minh (明) mang nghĩa là "tươi sáng").

Theo quy ước, Tiết Thanh minh thường sẽ bắt đầu khoảng thời gian từ ngày 4 hoặc 5 của tháng 4 Dương lịch (sau khi kết thúc Tiết Xuân phân) và kết thúc vào khoảng ngày 20 hoặc 21 tháng 4 hằng năm theo Dương lịch.

Còn theo Âm lịch, Tết Thanh minh thường sẽ diễn ra vào tháng Ba, bắt đầu từ ngày 3/3. Nếu năm Âm lịch nhuận tháng 1 hoặc tháng 2 thì Tết Thanh minh sẽ diễn ra sớm hơn, rơi vào khoảng tháng 2. Trong năm 2024 này, Tết Thanh minh sẽ rơi vào thứ Tư ngày 4/4 Dương lịch tức ngày 26/2 Âm lịch.

Tết Thanh minh là gì?

>> Xem thêm: Thơ hay về Tiết Thanh Minh, bài thơ Tết Thanh Minh ngắn gọn

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Thanh minh

2.

Nguồn gốc ngày Tết Thanh minh

Là hai nước láng giềng gần kề nhau nên sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, nhiều nét văn hóa của Trung Quốc đã du nhập vào Việt Nam và được người dân Việt "địa phương hóa" để trở thành một phong tục truyền thống mang đậm bản sắc Việt, trong đó phải nhắc đến Tết Thanh minh.

Tiết Thanh minh vốn là một trong hai mươi tư tiết khí của Âm lịch nhưng sau này nó đã trở thành một lễ hội lớn trong năm của các nước sử dụng lịch Âm. Nói đến nguồn gốc của Tết Thanh minh, trước hết chúng ta phải nói về nguồn gốc của Tết Hàn thực.

Tết Hàn thực vốn có nguồn gốc từ đời vua Tấn Văn Công thời Xuân Thu của Trung Hoa. Chuyện kể lại rằng vua có một người thuộc hạ tên là Giới Tử Thôi đã cùng mình vào sinh ra tử nhiều lần, nhưng khi trở thành vua nước Tấn, ông ban thưởng cho rất nhiều thuộc hạ mà lại quên mất Giới Tử Thôi.

Nguồn gốc Tết Thanh minh

Mặc dù vậy, Giới Tử Thôi cũng cho rằng phò vua là bổn phận của bậc thần tử, không có công lao gì đáng nói, vua ban thưởng hay không không quan trọng. Sau đó, ông đưa mẹ già về núi Điền Sơn ở ẩn. Lúc này, vua mới chợt nhớ ra chưa ban thưởng cho Giới Tử Thôi, ngài liền cho người đi tìm nhưng Giới Tử Thôi không chịu rời núi ra lĩnh thưởng.

Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua vì chuyện này mà quá đau lòng nên lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng nhớ Giới Tử Thôi (khoảng từ mùng 3/3 đến mùng 5/3 Âm lịch hằng năm).

Một năm qua đi, khi vua và quần thần đến viếng mộ Giới Tử Thôi thì phát hiện ra rằng cây liễu, nơi phát hiện ra thi thể của ông, nay đã lớn khỏe, đầy sức sống và mọc nhiều cành mới với lá xanh mơn mởn. Nhìn thấy điều này, nhà vua nhớ cụm từ “thanh minh” trong lời di cảo của Giới Tử Thôi, liền đặt tên cho ngày này là ngày Thanh minh.

Từ đó về sau, Tiết Thanh minh đã trở thành một dịp lễ quan trọng của người Trung Quốc để tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất. Sau này, Tết Hàn thực cũng được sáp nhập luôn vào lễ hội Tết Thanh minh và trở thành ngày Thanh minh, ngày cho những người còn sống thăm viếng và chăm sóc mộ phần cho những người đã ra đi.

>>> Xem thêm: [Phân biệt] Tết Hàn thực có phải là Tết Thanh minh không?

Ý nghĩa ngày Tết Thanh minh

Tết Thanh minh gắn liền với đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người Việt. Đây là dịp để những người còn sống tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên, của những người đã khuất.

Trong ngày Tết Thanh minh, con cháu cùng hướng về tổ tiên, cội nguồn bằng cách tảo mộ, dọn dẹp, sửa sang lại ngôi mộ của người đã khuất. Theo đúng phong tục, trước khi tiến hành tảo mộ, con cháu cần chuẩn bị mâm lễ vật gồm đèn, nhang, hoa quả dâng lên người đã khuất, mong tổ tiên nhận và phù hộ con cháu luôn khỏe mạnh, bình an và phát tài phát lộc.

Ý nghĩa ngày Thanh minh

Đặc biệt, những gia đình muốn khai quật hay xây dựng lại mồ mả cần đợi đến ngày Thanh minh mới được phép động thổ. Điều này là nguyên tắc được ông bà ta khi xưa đặt ra để con cháu tránh gặp phải tai ương, xui xẻo khi động đến mộ phần của người đã khuất.

Và vì khoảng thời gian Tết Thanh minh trùng với Tết Hàn thực nên trong dịp này, người Việt thường dâng lên ông bà tổ tiên những đĩa bánh trôi - bánh chay. Người Việt dùng bánh trôi - bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - Hàn thực. Vì vậy, tại Việt Nam, Tết Hàn thực còn có một tên gọi khác là Tết bánh trôi - bánh chay.

Ngày Tết Thanh minh 2021 là ngày nào?

Tìm hiểu Tết Thanh minh ở một số nước khác

3.

Không chỉ ở Việt Nam mà một số nước trên thế giới cũng có ngày Tết Thanh minh, ví dụ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hãy cùng xem Tết Thanh minh ở những quốc gia này có đặc điểm gì nhé.

Tết Thanh minh ở Việt Nam

"Thanh minh trong tiết tháng Ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh"

Đây có lẽ là một trong số những cặp câu thơ lục bát nổi tiếng nhất trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du bởi nó miêu tả một cách tinh tế về một ngày lễ rất đặc biệt trong văn hóa của người Việt - Tết Thanh minh. Xem thêm: Thanh minh trong tiết tháng 3 là gì? Tảo mộ là gì? Đạp thanh là gì?

Theo quan niệm của người Việt xưa, Tết Thanh minh chính là thời điểm trong lành nhất trong năm nên rất phù hợp với việc thực hiện những nghi lễ quan trọng, ví dụ như tảo mộ. Vì vậy, tại Việt Nam, Tết Thanh minh cũng là dịp để các gia đình, dòng họ thực hiện nghi lễ tảo mộ (sửa sang lại mộ phần của gia tiên cho khang trang, sạch sẽ và làm lễ cúng gia tiên).

Tết Thanh minh ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, ngày Tết Thanh minh được xem là một ngày quốc lễ. Người dân cũng đi tảo mộ giống ở Việt Nam. Bên cạnh đó, họ cũng quan niệm ngày Tết này là dịp kết thúc sự đau buồn và mở ra tương lai, hy vọng mới, vậy nên đối với họ ngày lễ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vào dịp Tết Thanh minh, người dân Trung Quốc thường có nhiều hoạt động vui chơi như đá bóng, thả diều...

Tết Thanh minh ở Hàn Quốc

Người Hàn Quốc xem Tết Thanh minh là ngày liên quan tới cái chết và họ cũng có phong tục tảo mộ giống Việt Nam. Bên cạnh đó, dịp Tết này cũng là lúc để họ đoàn tụ, cùng người thân du xuân. Họ còn có tập tục như chia lửa để giữ lửa không tắt, nếu lửa tắt họ sẽ cùng nhau ăn đồ ăn lạnh và hạn chế nấu nướng. Đặc biệt Tết Thanh minh cũng là dịp khởi đầu cho những điều mới mẻ với người Hàn Quốc, họ thường dựng vợ gả chồng hoặc có kế hoạch sinh con...

Tết Thanh minh ở Nhật Bản

Từ năm 1868 Tết Thanh minh đã trở thành ngày quốc lễ của đất nước Nhật Bản. Người dân sẽ tới chùa cầu nguyện vào dịp lễ này.

Những điều không nên làm vào Tết Thanh minh

4.

Dưới đây là một số điều kiêng kỵ cần tránh làm vào ngày Tết Thanh minh:

  • Khi đi tảo mộ cần tránh giẫm đạp lên phần mộ.
  • Không bàn tán, chỉ trỏ vào phần mộ của gia đình khác.
  • Người đang ốm, phụ nữ có thai, đang tới tháng... không nên đi tảo mộ bởi ở đó rất dễ bị nhiễm khí lạnh.
  • Hạn chế cười đùa khi đi tảo mộ.
  • Đi tảo mộ nên đi đông người, không nên đi chiều tối hay buổi đêm.
  • Sau khi đi tảo mộ về, bạn nên hơ hoặc đốt 1 đống lửa nhỏ và bước chân qua để loại bớt âm khí.
  • Không nên để tóc che kín trán vào ngày lễ Thanh minh bởi trán là cửa vận và bạn nên để ánh sáng thanh minh chiếu rọi...

Qua bài viết trên đây, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ hơn về Tết Thanh minh của người Việt rồi phải không? Hy vọng rằng những thông tin mà VnAsk chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm những hiểu biết về những ngày lễ truyền thống và góp phần gìn giữ những phong tục cổ truyền của người Việt.

Đừng quên thường xuyên truy cập để tham khảo thêm nhiều thông tin thú vị khác nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!