Sự tích Tết Trung Thu ngắn gọn, câu chuyện về Tết Trung Thu
Hòa trong không khí rộn ràng của đêm rằm tháng 8 đang đến gần, chúng ta hãy cùng dành thời gian tìm hiểu về nguồn gốc, sự tích Tết Trung Thu ở Việt Nam nhé!
Sự tích Tết Trung Thu ngắn gọn
Ngày xửa ngày xưa, khi mà thời tiết còn khắc nghiệt, tình trạng hạn hán kéo dài khiến cho vạn vật đều chậm phát triển, các con vật không có giấc ngủ ngon. Ở một ngôi nhà nọ có một người mẹ cùng ba đứa con cũng rất khổ sở, héo hon. Bà nhìn các con mà buồn rầu vô cùng. Một ngày nọ, bà quyết định để đàn con thơ ở nhà, căn dặn chúng tự đủ điều, phải biết chăm sóc lẫn nhau, còn mình sẽ đi tìm thần Mặt Trời để nhờ thần tắt bớt nắng. Đi đến dọc đường, bà kiệt sức và ngã quỵ ở bên đường, may mắn thay, bà đã được một chú thỏ trắng giúp đỡ, đưa đi tìm đường lên trời.
Khi tới nơi, thần Mặt Trời nói rằng, nếu ánh sáng của ông tắt đi thì yêu ma sẽ lộng hành, vì thế cần phải có người chịu hy sinh để làm ánh sáng trong đêm tối. Bà mẹ nghe vậy nên quyết định hy sinh mình nhưng xin thần Mặt Trời cho phép được quay lại thăm các con. Và thế là thời tiết đã dễ chịu trở lại nhờ sự hy sinh của người mẹ. Đến rằm tháng Tám, người mẹ phải ra đi sau khi quây quần cùng các con bên bữa cơm ấm cúng. Sau đó, người mẹ đã hóa thành Mặt Trăng chiếu xuống thế gian và từ đó rằm tháng Tám trở thành ngày Tết Đoàn viên, Tết Trung Thu.
Những câu chuyện thú vị về Tết Trung Thu
Tết Trung Thu và vua Duệ Tôn
Theo truyền thuyết, Tết Trung Thu được bắt nguồn đời nhà Đường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào một đêm khuya rằm tháng Tám, trăng tròn gió mát tuyệt đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua đã gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết.
Vị tiên sau đó đã hóa phép tạo ra một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng và một đầu chám mặt đất, nhà vua sau đó đã trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng, dạo chơi nơi cung Quảng. Khi trở về trần thế, nhà vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng nên đã đặt tên Tết Trung Thu.
Câu chuyện về chú Cuội
Cho đến bây giờ, vẫn chưa xác minh rõ ràng được Tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Có ba sự tích về Tết Trung thu được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và sự tích về chú Cuội của Việt Nam.
Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát, chúng lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao.
Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.
Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:
- Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!
Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong.
Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.
Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.
Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.
Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm thì thốt nhiên một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng quyết tâm chơi ác. Chúng bèn giết vợ Cuội, cố ý moi ruột người đàn bà vứt xuống sông, rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống được.
Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao. Quả nhiên người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất, rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại. Vợ với chồng, người với vật lại càng quấn quít với nhau hơn xưa.
Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình. Ðã không biết mấy lần, chồng dặn vợ: “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Ðông, cây dông lên trời!”. Nhưng vợ Cuội hình như lú ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên biến ngay.
Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào gốc cây quý mà đái. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.
Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.
Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển có một lá. Bọn cá heo đã chực sẵn, khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho tộc loại chúng. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa…
Câu chuyện về Hằng Nga và Hậu Nghệ
Tương truyền, thời xa xưa, trên trời xuất hiện mười ông Mặt Trời cùng chiếu xuống khiến mặt đất nóng đến bốc khói, biển hồ khô cạn, người dân thì gần như không thể sống nổi. Chuyện này sau đó đã đến tai một anh hùng tên là Hậu Nghệ. Anh đã trèo lên đỉnh núi Côn Lôn và dùng thần lực giương nỏ thần bắn rụng chín ông Mặt Trời. Sau đó, Hậu Nghệ đã lập lên thần công cái thế, nhận được sự tôn kính, yêu mến của mọi người, rất nhiều chí sĩ mộ danh đã tìm đến để tầm sư học đạo, trong đó có Bồng Mông - một kẻ tâm thuật bất chính.
Không lâu sau đó, Hậu Nghệ đã lấy một người vợ cực kỳ xinh đẹp và tốt bụng là Hằng Nga, tất cả mọi người đều đều ngưỡng mộ tình cảm của hai vợ chồng.
Một hôm đang trên đường đến núi Côn Lôn thăm bạn, Hậu Nghệ đã tình cờ gặp được Vương Mẫu nương nương đi ngang qua, anh bèn xin Vương mẫu thuốc trường sinh bất tử, nghe nói thuốc này uống vào sẽ lập tức được bay lên trời thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không nỡ rời xa người vợ hiền xinh đẹp của mình nên đành đưa tạm để vợ cất giữ. Hằng Nga sau đó cất thuốc vào hộp đựng gương lược của mình, không ngờ đã bị một học trò tên là Bồng Mông nhìn thấy. Ba ngày sau, Hậu Nghệ dẫn các học trò của mình đi săn bắn, Bồng Mông với tâm địa xấu xa nên đã giả vờ lâm bệnh để xin ở lại. Đợi Hậu Nghệ dẫn các học trò khác đi không lâu thì Bông Mông đã đột nhập vào hậu viên, tay cầm bảo kiếm ép Hằng Nga phải đưa ra thuốc bất tử. Trong lúc nguy cấp, Hằng Nga đã vội mở hộp gương lược, lấy thuốc bất tử ra và uống hết. Khi uống xong, Hằng Nga bỗng thấy người nhẹ rời khỏi mặt đất, hướng về cửa sổ và bay lên trời. Nhưng do Hằng Nga còn nhớ chồng nên chỉ bay đến Mặt Trăng là nơi gần nhất với thế gian rồi trở thành tiên.
Tối hôm đó, khi Hậu Nghệ về đến nhà, các thị nữ vừa khóc vừa kể lại câu chuyện xảy ra lúc anh không có ở nhà. Trong lúc đau khổ, nhớ thương vợ, Hậu Nghệ đã ngửa cổ lên trời đêm gọi tên vợ mình là Hằng Nga. Khi đó, anh rất ngạc nhiên phát hiện ra, trăng hôm nay không chỉ sáng ngời mà còn đặc biệt hơn là có một bóng người trông giống vợ mình. Hậu Nghệ liền vội sai người đến hậu hoa viên nơi Hằng Nga yêu thích, lập bàn hương án, đặt lên đó những món ăn và trái cây mà bình thường vợ yêu thích để tế Hằng Nga nơi cung trăng đang nhớ đến mình.
Sau khi nghe tin Hằng Nga lên cung trăng trở thành tiên nữ, mọi người đã lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho sự may mắn và bình an. Từ đó, phong tục "bái nguyệt" dịp Tết Trung Thu đã được truyền đi trong dân gian.
Sự tích bánh Trung Thu
Ngày xửa ngày xưa, trên trời có một nàng tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần tên là Hằng Nga, nàng chăm chỉ cai quản cả một vầng trăng sáng lung linh. Hằng Nga rất yêu trẻ con, luôn ước mơ được một lần ghé xuống trần gian chơi đùa cùng các em nhỏ nhưng quy định của tiên giới lại không được phép.
Một hôm, Ngọc Hoàng đã tổ chức cuộc thi "Làm bánh ngày rằm" nhân dịp rằm tháng Tám - ngày trăng tròn, sáng nhất trong năm. Nếu ai làm được loại bánh ngon, đẹp và lạ mắt nhất thì sẽ được trọng thưởng bất kỳ điều gì mình muốn. Hằng Nga sau đó đã rất thích thú, háo hức tham gia cuộc thi. Khi xuống trần gian tham khảo, nàng đã gặp được Cuội - một chàng trai chuyên nói dóc, cứ mỗi tối Cuội lại tụ hợp các em nhỏ dưới gốc cây đa đầu làng để kể chuyện tầm phào.
Bên cạnh tài nói dóc, Cuội còn rất giỏi việc nấu nướng, cậu thường tự tay làm bánh cho bọn trẻ trong làng ăn nên được các bé yêu quý. Hằng Nghe nghe vậy nên rất vui mừng và ngỏ ý nhờ Cuội cùng mình làm ra một loại bánh mới. Sau đó, Cuội đã đưa ra một sáng kiến là cứ bỏ tất cả các nguyên liệu lại rồi đem nướng lên, nào là trứng, thịt, hạt sen, lạp xưởng, hạt dưa... Thật kỳ lạ, khi làm xong, chiếc bánh lại thơm phức, tất cả các em nhỏ ăn thử đều khen rất ngon. Dù món bánh chưa được đẹp mắt lắm nhưng đó chính là món bánh ngon nhất mà bọn trẻ từng được thưởng thức.
Đến thời hạn trở về thiên đình, Hằng Nga mang những chiếc bánh thơm ngon chưa được đặt tên của mình lên dự thi, chia tay những người bạn thật đáng yêu nơi trần gian và tạm biệt chàng Cuội nói dóc nhưng cực tài giỏi, tốt bụng. Nhưng Cuội sau đó vì lưu luyến mà không nỡ rời xa Hằng Nga nên đã nắm chặt lấy tay nàng. Kỳ lạ thay khi bỗng dưng có một sức mạnh siêu nhiên nào đó đã kéo chàng cùng cây đa đầu làng lên cung trăng. Leo lên cây đa, Cuội có thể nhìn thấy bọn trẻ con đang vui đùa dưới trần gian. Có đôi lúc nhớ nhà, nhớ các em nhỏ, Cuội chỉ biết ngồi đó khóc và buồn bã.
Còn về phần Hằng Nga, món bánh dự thi của nàng sau đó đã giành được giải nhất và được Ngọc Hoàng đặt tên là bánh Trung Thu. Sau đó, Ngọc Hoàng đã ban cho Hằng Nga một điều ước, nàng ước rằng mỗi năm đến dịp ngày rằm tháng Tám, nàng sẽ được cùng Cuội xuống trần gian để ban phát niềm vui và vui chơi cùng các em nhỏ. Điều ước sau đó đã được Ngọc Hoàng chấp nhận và đặt tên cho ngày rằm tháng Tám là Tết Trung Thu.
Từ đó, cứ mỗi dịp Tết Trung Thu, Hằng Nga và Cuội lại được xuống trần gian để mang niềm vui đến các em nhỏ. Món bánh Trung Thu từ đó cũng trở thành món ăn đặc sắc không thể thiếu trong ngày này. Từ đó về sau, cứ đến ngày rằm tháng Tám, lúc trăng sáng và tròn nhất, người ta lại tổ chức rước đèn, múa lân múa rồng cùng các trò chơi dân gian dưới ánh trăng để kỷ niệm ngày chú Cuội, chị Hằng xuống mặt đất vui chơi.
Sự tích đèn ông Sao
Truyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở gần khu rừng nọ, có một ngôi làng nghèo xơ xác, bọn trẻ con trong làng thường cầm những cành cây nhỏ - thứ duy nhất dễ kiếm trong rừng để vừa múa vừa nhảy như vẫy gọi phía trời cao. Lúc đó, trên bầu trời, trăng sáng lên, các vì sao vì thế mà mờ nhạt, buồn ơi là buồn. Nhìn bọn trẻ con đông vui chơi đùa khiến các vì sao cũng phải ghen tị. Sau đó, các vì sao đã xin phép Ngọc Hoàng được một lần xuống trần gian chơi cùng lũ trẻ. Mỗi ngôi sao sà xuống đậu nhấp nháy, lấp lánh trên đầu những cành cây trên tay đám trẻ. Nhìn đám trẻ con và các vì sao vui vẻ chơi đùa với nhau suốt đêm trăng sáng. Đó chính là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng lũ trẻ được chơi với các vì sao sáng.
Từ đó, cứ mỗi đêm rằm Trung Thu, đám trẻ con lại nhớ đến các bạn sao nên đã lấy tre nứa, cành cây làm hình dáng của những ngôi sao để đi rước cùng nhau. Đó cũng là những chiếc đèn ông sao đơn giản đầu tiên, chúng được phát triển theo thời gian và tồn tại đến tận bây giờ.
Sự tích múa lân
Tương truyền, việc múa lân trong dịp Tết Trung Thu là tập tục bắt nguồn từ sự tích Phật Di Lặc hạ trần chế ngực lân để bảo vệ dân lành. Chẳng thế mà người ta vẫn thường thấy trong màn trình diễn múa lân thường sẽ có một ông bụng phệ, đầu hói, mặc áo dài sặc sỡ, tay cầm một chiếc quạt mo và mang mặt nạ cười toe toét đi theo đùa giỡn với lân cùng khách xem. Mọi người thường gọi đó là ông Địa, chính là Đức Phật Di Lặc hóa thân thành để chế ngự con lân.
Truyền thuyết kể rằng, vào thuở khai thiên lập địa, lân là một con thú rất hung dữ, chúng chuyên ăn thịt người và năm nào cũng xuất hiện để phá phách vào mỗi dịp Tết Trung Thu. Ông Địa lấy cỏ linh chi cho lân ăn và thu phục nó, biến nó thành con thú hiền lành, không còn quậy phá dân lành, chỉ biết ăn thực vật. Kể từ đó, hằng năm ông Địa lại dẫn lân đi dọc khắp đường làng ngõ xóm vui Tết Trung Thu cùng mọi người và ban phước lành, may mắn, ấm no đến cho mọi nhà. Chú lân xuất hiện ở đâu là tà ma ở đó bị loại trừ, nhân dân được hạnh phúc, đất đai màu mỡ.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết thêm được về sự tích Tết Trung Thu ở Việt Nam cũng như hiểu được ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này. Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau của chúng tôi! Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi bài viết của chúng tôi!
Đừng quên truy cập chuyên mục Trung Thu trên VnAsk.com để tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!
Xem thêm
Hình nền Trung Thu đẹp nhất cho điện thoại, máy tính
4 Văn khấn rằm tháng 8 gia tiên, Thần Tài và Thổ Công chuẩn nhất
Cúng rằm Trung Thu vào lúc nào? Giờ đẹp thắp hương rằm tháng 8
Lời chúc Tết Trung Thu cho nhân viên, sếp, đồng nghiệp công ty
Chùm thơ về Trung Thu ngắn, hay nhất
Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu
Bánh Trung thu Thu Hương giá bao nhiêu 2022? Có những loại nào, vị gì?
Giá bánh trung thu Hải Hà 2023 bao nhiêu? Có những loại nào, vị gì?
Còn bao nhiêu ngày nữa đến Trung thu 2024? Còn mấy ngày nữa đến Trung thu?