Các nghi lễ Giỗ tổ Hùng Vương truyền thống

Cập nhật: 04/04/2024

Nghi lễ Giỗ tổ Hùng Vương truyền thống được tiến hành như thế nào là điều mà rất nhiều người hiện vẫn chưa hiểu tường tận. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu để biết rõ hơn về những nghi lễ truyền thống của dân tộc trong ngày lễ quan trọng này nhé!

Ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Hùng Vương

1.

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương là một ngày lễ có ý nghĩa đặc biệt với mỗi người dân Việt Nam. Từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ tổ ngày 10 tháng 3 Âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính... Sau đó đến thời nhà Nguyễn, vua Khải Định mới chọn ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch là ngày Giỗ tổ Hùng Vương chính thức trên cả nước.

>> Xem thêm: Mùng 10 tháng 3 năm 2021 Âm là ngày bao nhiêu Dương?

Ý nghĩa ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Cho đến ngày nay, ngày Giỗ tổ Hùng Vương vẫn luôn là một ngày lễ lớn của người dân Việt Nam. Ngày này có ý nghĩa nhắc nhở mọi người con đất Việt ghi nhớ đạo lý "uống nước nhớ nguồn", công ơn dựng nước của các vua Hùng và công lao giành giữ độc lập, đẩy lui giặc ngoại xâm của các bậc tiền nhân.

Ngoài ra, lễ giỗ tổ Hùng Vương cũng là một dịp để người dân Việt Nam có thể quảng bá những nét đẹp văn hóa dân tộc đến toàn thế giới cũng như phổ biến cho những thế hệ sau tiếp tục ghi nhớ và duy trì những truyền thống tốt đẹp này. Tục thờ cúng vua Hùng cũng như lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Việt Nam được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện tinh thần đoàn kết, truyền thống uống nước nhớ nguồn đáng ngưỡng mộ của dân tộc Việt Nam.

Thời gian, địa điểm tổ chức lễ hội đền Hùng

2.

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức ở đâu, vào ngày nào?

Lễ hội đền Hùng hay lễ Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại đền Hùng, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) và được người dân Việt Nam - dù ai đi ngược về xuôi, dù ở trong nước hay ở nước ngoài cũng đều nhớ đến ngày lễ quan trọng này. Lễ Giỗ tổ thường gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm:

  • Lễ rước kiệu: Gồm có nhiều cờ, lọng, hoa, kiệu và trang phục truyền thống đầy màu sắc. Từng đoàn rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi, rồi đi qua các đền để đến Đền Thượng.
  • Lễ tế và dâng hương tại Đền Thượng: Thực hiện lễ cúng tế sau đó, mỗi người đều thắp lên đền vài nén hương để cầu nguyện tâm niệm của mình với tổ tiên, vì mỗi nắm đất và gốc cây nơi này đều linh thiêng.

Sau khi phần lễ tiến hành xong thì phần hội sẽ được bắt đầu với nhiều trò chơi dân gian khác nhau được tổ chức như thi hát xoan, thi vật, bơi chải (ở ngã ba sông Bạch Hạc), kéo co...

Để hiểu rõ hơn về các nghi lễ Giỗ tổ Hùng Vương truyền thống, hãy cùng theo dõi phần tiếp theo của bài viết nhé!

>>Xem thêm: Giỗ tổ Hùng Vương năm 2024 là ngày nào? Vào thứ mấy?

Các nghi lễ Giỗ tổ Hùng Vương truyền thống

3.

Lễ rước kiệu

Ngày nay, lễ Giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội đền Hùng đã được nâng cấp về quy mô và hình thức để phù hợp và đáp ứng với nhu cầu của đông đảo nhân dân về thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ rước kiệu trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Vì vậy, đội hình rước kiệu lễ vật trong lễ cúng Giỗ tổ Hùng Vương tại các di tích thờ cúng Hùng Vương ở đền Hùng và trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng được Nhà nước và chính quyền cùng nhân dân địa phương bổ sung, nâng cấp về hình thức với phương châm: Vừa dân tộc, vừa hiện đại, vừa bảo tồn những nghi thức truyền thống, vừa tiếp thu những nghi thức đương đại nhưng phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, vẫn đảm bảo tính trang nghiêm, thành kính trong lễ hội. Thành phần cơ bản của đội hình rước kiệu lễ vật cụ thể như sau:

  • Đi đầu là đội cờ Tổ quốc, cờ thần.
  • Trống, chiêng.
  • Đội cờ hội.
  • Đội tàn, tán, lọng.
  • Đội rước bát bửu.
  • Rước Kiệu Văn (hoặc kiệu bát cống).
  • Đội (phường) Bát âm (nhạc rước).
  • Chủ tế.
  • Đội hình tế (ban tế).
  • Lãnh đạo UBND địa phương và đại biểu; quần chúng nhân...

Lễ tế và dâng hương tại Đền Thượng

Nghi lễ ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Nghi thức dâng hương trong lễ Giỗ tổ Hùng Vương gồm các bước:

  • Nghênh thần: Đón vua Hùng và các Thần linh về ngự tại Long ngai, bài vị tại di tích. Chủ tế lễ 4 vái.
  • Hiến lễ: Dâng lễ lên ban thờ (hương án, án gian) thờ cúng vua Hùng và các Thần linh 3 lần, mỗi lần chủ tế và bồi tế đều quỳ để hiến lễ, đọc văn tế (đọc chúc).
  • Ẩm phúc và thụ tộ: Chủ tế nhận lộc của vua Hùng và các Thần linh ban .
  • Lễ tạ: Kết thúc buổi tế, chủ tế lễ 4 vái.
  • Dâng hương: Sau khi lễ tạ, từng người trong đoàn tế lễ sẽ tiến hành dâng hương lên vua Hùng và các Thần linh. Theo tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam vẫn quan niệm “tay trái” là “tay tôn kính” vì vậy, khi thắp hương, tay phải cầm nhang, tay trái bao ngoài tay phải, đưa lên ngang ngực (không cần phải đưa lên tới ngang hai lông mày hoặc lên khỏi đầu). Đầu nhang hơi nghiêng một chút, nếu vái cao cũng không đưa nhang quá hai lông mày, nếu vái thấp thì từ ngực vái xuống, giống như vẽ thành một nửa vòng tròn. Nếu không cầm nhang thì hai tay nắm lại, đặt như trên và đưa lên ngang ngực, đầu cúi xuống thành nửa vòng tròn.
  • Lễ bái (vái): Khi cúng tế, người ta dùng tay trái để cắm nhang vào lư hương. Khi quỳ lạy, bàn tay phải nắm lại, bàn tay trái bao nắm tay phải, đưa hai tay lên giữa hai lông mày rồi quỳ vái xuống đất. Khi lạy xuống thì quỳ gối phải trước rồi mới tới gối trái. Khi đứng lên thì gối trái co lên trước kế đến gối phải rồi toàn thân đứng lên, cũng có nơi quỳ hai gối xuống và lên cùng một lúc.

>>> Xem thêm: Văn khấn Giỗ tổ Hùng Vương, bài cúng Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 chuẩn nhất

Lễ vật dâng lên trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Lễ vật ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Lễ vật dâng lên trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương thường có:

  • Lễ chay: 18 chiếc bánh chưng, 18 chiếc bánh giầy, con số 18 tượng trưng cho 18 chi đời vua Hùng. Ngoài ra còn có hoa quả, bánh tùy theo đặc sản của từng địa phương như: Bánh mật, bánh gai, kẹo bánh và hoa thơm, trái ngọt, trầu cau, nước lã sạch... để dâng cúng.
  • Lễ mặn: Theo truyền thống và theo thuyết tam sinh thì lễ vật thờ cúng vua Hùng được chuẩn bị gồm: Thịt lợn, thịt bò, thịt dê. Tuy vậy, để phù hợp với tình hình của từng địa phương, tránh lãng phí thì lễ vật hiện nay thường là thủ lợn với ván xôi trắng hoặc gà trống với ván xôi trắng kèm theo rượu trắng.
  • Hương nhang: Theo quan niệm dân gian, nhang tượng trưng cho sự “vô vi,” hoa tươi tượng trưng cho “tự nhiên,” nước trong tượng trưng cho “thanh tịnh,” đèn nến tượng trưng cho sự “thuận hòa: biến hóa theo chiều thuận”, nghĩa là bốn vật phẩm trên nói lên ý niệm cơ bản của tín ngưỡng truyền thống: Thanh tịnh, vô vi, tự nhiên, thuận hòa.

Qua bài viết trên đây chắc hẳn bạn đã hiểu rõ hơn về những nghi lễ Giỗ tổ Hùng Vương rồi phải không? Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn biết cách chuẩn bị một mâm lễ cúng Giỗ tổ năm 2024 tươm tất, đầy đủ nhất.

Để tham khảo thêm những thông tin thú vị khác, bạn hãy thường xuyên truy cập nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!

Tham khảo thêm