Lễ Vượt Qua Passover là gì, có ý nghĩa gì? Lễ Vượt Qua là ngày nào?

Cập nhật: 29/03/2024

Lễ Vượt Qua là một ngày lễ quan trọng nhất của người Do Thái. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu Lễ Vượt Qua Passover là gì, Lễ Vượt Qua có ý nghĩa gì cũng như Lễ Vượt Qua 2024 là ngày nào bạn nhé.

Lễ Vượt Qua - Lễ Passover là lễ gì?

1.

Lễ Vượt Qua (hay còn gọi là Lễ Quá Hải, Lễ Passover hay Pesah) là dịp lễ quan trọng nhất đối với người Do Thái. Lễ Vượt Qua thường kéo dài khoảng 1 tuần nhằm kỷ niệm ngày giải phóng dân tộc Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của Đế quốc Ai Cập.

Vào chiều ngày 14 tháng Ni-xan theo lịch của người Do Thái (khoảng tháng Ba, tháng Tư Dương lịch), người ta sát tế chiên (cừu) tại đền thờ, rồi tư tế lấy máu chiên mà đổ dưới chân bàn thờ.

Rồi khi đêm xuống, người Do Thái sẽ ăn tiệc chiên Vượt Qua theo gia đình hay theo nhóm mà không quên lấy chút máu chiên bôi lên cửa nhà.

Trong bữa tiệc, người Do Thái sẽ ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng. Ngoài ra, họ cũng uống với nhau bốn chén rượu đã được vị chủ tọa bữa tiệc chúc lành để kỷ niệm 4 lời hứa của Thiên Chúa với dân Do Thái:

  • Ta sẽ đem các ngươi ra từ ách của Ai Cập.
  • Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi cảnh làm tôi mọi chúng.
  • Ta sẽ giương cánh tay mà chuộc lấy các ngươi.
  • Ta sẽ lấy các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi.

Lễ Vượt Qua 2024 là ngày nào?

2.

Lễ Vượt Qua năm 2024 diễn ra từ tối thứ Hai 22/4/2024 đến tối thứ Ba ngày 30/4/2024 Dương lịch.

Lễ Vượt qua

>> Tìm hiểu: Ý nghĩa, nghi thức thứ Bảy Tuần Thánh - Thứ 7 Tuần Thánh là ngày nào?

Nguồn gốc của Lễ Vượt Qua - Lễ Vượt Qua có ý nghĩa gì?

3.

Nguồn gốc Lễ Vượt Qua

Vào thời Jacob, vùng đất họ đang ở là Canaan rơi vào cảnh mất mùa đói kém. Lúc này, Ai Cập với phù sa sông Nil là nơi màu mỡ. Toàn thể gia tộc Israel với khoảng 70 người theo Jacob di cư sang Ai Cập và ở lại theo lời mời của Pharaoh Ai Cập.

Thế nhưng, người Do Thái ở Ai Cập phát triển quá mạnh nên các Pharaoh quay lưng ngược đãi họ, bóc lột họ như nô lệ và ra lệnh giết tất cả con trai lọt lòng của họ để kìm hãm đà gia tăng dân số của người Do Thái.

Lúc này, Moses xuất hiện. Ông may mắn không bị giết khi bị sinh ra và được một công chúa Ai Cập tìm thấy rồi nhận làm con nuôi. Sau đó, vì bênh vực đồng bào mà ông đã giết một người lính Ai Cập nên phải bỏ hoàng cung và trốn tránh, làm người chăn cừu ở sa mạc Sinai.

Ở đây, Moses đã được Thiên Chúa gặp và trao cho trách nhiệm giải cứu "tuyển dân" được Chúa chọn khỏi ách nô lệ để về miền đất hứa, là một xứ tốt đẹp rộng rãi, tuôn tràn sữa và mật ong.

Vua Ai Cập, dĩ nhiên không chấp thuận lời yêu cầu của Moses để cho dân Do Thái được tự do rời xứ. Để bắt phục vua, Thiên Chúa đã lần lượt trút xuống xứ Ai Cập các tai vạ khủng khiếp như nước sông biến thành máu thật hôi thối, ếch nhái bò lúc nhúc khắp nơi, muỗi bay dầy đặc, ruồi nhặng bay từng đàn tàn hại bay vào nhà người Ai Cập, từ vua chí dân; mọi súc vật bị chết vì dịch; ung nhọt ghẻ lở, mưa đá trút xuống dữ dội, cào cào tràn ngập xứ cắn nuốt tất cả cây cỏ ngoài đồng và rồi bóng tối dày đặc bao phủ cả xứ Ai Cập trong 3 ngày.

Tuy nhiên, sau mỗi tai vạ, vua Ai Cập vẫn cứng lòng và một mực không cho dân Do Thái ra đi. Đến đây, Thiên Chúa tuyên bố về tai vạ thứ 10 và cũng là tai vạ cuối cùng; đó là Ngài sẽ giết chết tất cả các con trưởng nam của người Ai Cập, từ thái tử con vua Ai Cập đang ngồi trên ngôi, cho đến con trưởng nam của người nữ tì đang xay cối.

Song song với lời tuyên bố về tai vạ thứ 10 này, Thiên Chúa có phán với Moses ra lệnh cho toàn dân Do Thái làm đúng theo một lời hướng dẫn rất quan trọng, để tuyển dân của Ngài không bị vạ lây giống với dân Ai Cập. Lời hướng dẫn này được ghi lại trong Kinh Thánh, sách Xuất Hành (Exodus).

Thiên Chúa bày cho người Do Thái giết con cừu rồi lấy máu cừu bôi lên cửa, như vậy sẽ tránh được tai vạ. Tới tai vạ thứ 10 này, các Pharaoh Ai Cập đành phải để người Do Thái ra đi. Ngay trong đêm, người Do Thái vội vàng chuẩn bị đồ đạc để rời Ai Cập phòng khi các Pharaoh đổi ý.

Trên đường đi, các Pharaoh đổi ý, cho quân đuổi theo. Khi đến biển Đỏ, Moses được sự phù hộ của Thiên Chúa, cho nước biển rẽ làm đôi để dân Do Thái đi qua. Khi dân Do Thái đã qua hết thì Thiên Chúa lại giúp cho nước biển ngập trở lại để dìm chết quân đội của vua Ai Cập.

Lễ Vượt qua là gì

Lễ Vượt Qua có ý nghĩa gì?

Lễ Vượt Qua được cử hành như một lời nhắc nhở nhau và răn dạy cháu con đời sau về cuộc chạy thoát đầy gian nan để được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập xưa kia.

Trong những ngày Lễ Passover, người Do Thái sẽ họp mặt trong bữa ăn tối, đọc sách lễ và dùng một số món ăn mang ý nghĩa biểu tượng. Bữa ăn ấy được gọi là The Passover Seder (Seder có nghĩa là lề luật).

Bàn ăn được bày biện trang trọng với rượu nho và những ly dĩa đẹp nhất. Cả nhà sẽ cùng đọc sách Haggadah. 'Haggadah' nghĩa là 'kể lại', theo sách Xuất Hành (Book of Exodus), cha mẹ phải có bổn phận kể lại cho con cái nghe về cuộc vượt thoát ra khỏi Ai Cập.

Lễ Vượt Qua với bữa Seder chính là cách kỷ niệm lịch sử dân tộc rất trang trọng. Trong 8 ngày liền, những gia đình Do Thái cùng nhau đọc câu chuyện về cuộc vượt thoát khỏi kiếp nô lệ của cha ông. Trong 8 ngày đó, người Do Thái dùng những món ăn khác với ngày thường (tức là không ngon miệng) để chia xẻ nỗi khó nhọc của tiền nhân.

Một trong những nghi thức rất ý nghĩa trong bữa Seder của người Do Thái chính là rượu và sự đổ rượu. Rượu nho được dùng trong hầu hết các lễ nghi của người Do Thái. Lời cầu khấn, nguyện xin, được cất lên trước một ly rượu nho, và rượu sẽ hút lấy lời. Khi uống rượu đó tức là đem những lời khấn nguyện vào tận đáy lòng. Trong Lễ Vượt Qua, lịch sử được kể lại trên ly rượu, đó là lịch sử của niềm tin vào Thiên Chúa và lòng yêu chuộng tự do, vì thế khi uống rượu người uống sẽ được tràn đầy tự do và niềm tin.

Lễ Vượt qua có ý nghĩa gì

Hi vọng rằng những chia sẻ này của chúng tôi đã giúp bạn biết được Lễ Vượt Qua Passover là gì, có ý nghĩa gì và Lễ Vượt Qua 2024 là ngày nào. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.

Đừng quên thường xuyên truy cập website để cập nhật nhiều thông tin hữu ích bạn nhé.

>> Tham khảo thêm: