Kịch bản tiểu phẩm ngày 20-11
Tiểu phẩm ngày 20-11
Trong ngày lễ kỷ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11, cùng với những chương trình văn nghệ 20-11, hội thi cắm hoa nấu ăn mừng ngày nhà giáo thì các tiểu phẩm về thầy cô giáo cũng là một chủ đề không thể thiếu. Trong bài viết này VnAsk xin được gửi đến các bạn mẫu kKịch bản tiểu phẩm ngày 20-11, mời các bạn cùng tham khảo.
- Kịch bản chương trình kỉ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11 tại trường Mầm non
- Những truyện cười hay và độc đáo cho báo tường ngày 20/11
Hàng năm, cứ đến ngày nhà giáo Việt Nam là học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc các trường học lại có những hoạt động tri ân thầy cô, nổi bật là thi văn nghệ, cắm hoa, làm báo tường, diễn hài kịch… Trong số các hoạt động này thì hoạt động thi diễn hài kịch mang tới nhiều niềm vui và tiếng cười nhất. Nhưng bạn đã có ý tưởng gì cho kịch bản tiểu phẩm 20/11 chưa? Cùng tham khảo ngay mẫu kịch bản tiểu phẩm 20/11 hài hước nhưng chứa đựng những thông điệp ý nghĩa sâu sắc về tình cảm thầy trò và mái trường được chúng tôi tổng hợp dưới đây.
Kịch bản tiểu phẩm: Hãy nắm chặt tay nhau
Nhân vật trong tiểu phẩm:
– Bạn Hoàng Kỳ Anh : trong vai Hoàng – là bạn học sinh mồ côi cha sống với mẹ. Mẹ bị tàn tật nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ở lớp, Hoàng là một học sinh nghịch ngợm, hay trêu chọc bạn bè và làm cô giáo rất phiền lòng.
– Bạn Ngọc Ánh : trong vai cô giáo.
– Nhóm HS trong vai các bạn cùng lớp.
Cảnh trong lớp:
Trống vào lớp, các bạn đang ngồi chăm chú ôn bài. Hoàng bước vào.
Hoàng : Xin chào các bạn!
Một bạn đứng lên gọi: Hoàng ơi, chuẩn bị thi giữa kỳ rồi, vào ôn bài với chúng tớ đi.
Hoàng: Tớ đang đói quá, chẳng có tâm trạng học hành đâu.
Hoàng chỉ vào Ngọc: À Ngọc à, hôm nay bạn có mang đồ ăn cho mình không?
Ngọc lấm lét: Nhưng mà tớ hôm nay hết tiền rồi.
Hoàng: Cái gì, không có là sao, tớ không chịu được đói đâu. Có ai có gì ăn không?
Lan: Có, tớ còn cái bánh mỳ chưa kịp ăn đây.
Hoàng(giằng lấy, ăn liền): Bánh mỳ cũng được, ăn tạm vậy.
Vừa lúc đó, cô giáo bước vào lớp.
Cả lớp đứng dậy chào cô
Cô giáo nhìn Hoàng: Hoàng, em ngồi vào chỗ đi.
Hoàng miễn cưỡng ngồi xuống.
Cô giáo: Tôi có một tin muốn thông báo cho các em, đó là nhà trường chúng ta đang chuẩn bị chương trình: Hoà nhịp đập con tim để ủng hộ cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn và dặc biệt 2 em Vi và Nhi bị mắc căn bệnh hiểm nghèo. Vì vậy bây giờ, cô sẽ hướng dần các em gấp những con sếu trắng, biểu tượng cho sự chia sẻ, cảm thông trong cuộc sống, các em có đồng ý không?
Tất cả học sinh: Đồng ý ạ! Đồng ý ạ!
Bỗng mặt Lan tái mét, tay ôm bụng.
Cô giáo cùng các bạn chạy tới, người xoa dầu, người hỏi han.
Cô giáo: Sáng nay con đã ăn gì chưa?
Lan: Dạ… Dạ… con ăn rồi ạ!
Cô giáo: Con đã ăn gì nào?
Ngọc: Dạ … Dạ …
Tuấn Hùng: Thưa cô, hôm nay bạn Lan chưa ăn gì đâu ạ! Lúc nãy, Hoàng đã lấy bánh mỳ của Lan.
Cô giáo (nhìn sang Hoàng): Con đã lấy phần ăn sáng của bạn à?
Hoàng (gãi đầu): Dạ…dạ … lúc nãy em đói quá nên đã lấy bánh mỳ của bạn ạ.
Cô giáo: Sáng nay con chưa ăn gì sao?
Hoàng (bật khóc): thưa cô, tại con đói quá ạ. Con xin lỗi cô, tớ xin lỗi các bạn.
Cô giáo (ôm Hoàng vào lòng vỗ về): Hoàng Cô đã hiểu hoàn cảnh của con. Nhưng con ạ, ông bà ta đã dạy: Đói cho sạch, rách cho thơm. Lần sau, nếu khúc mắc thì hãy chia sẻ với cô, với các bạn, cô và các bạn sẽ giúp con, được không nào?
Quay lại với các học sinh khác: Còn các con, lần sau chúng mình có quà gì đều chia sẻ với bạn nhé! Các con có đồng ý không?
Tất cả học sinh: đồng ý ạ! Đồng ý ạ!
Cô giáo: Cô rất vui khi các con đã hiểu và biết chia sẻ vui buồn với bạn. Các con đều như là anh em một nhà.
Bây giờ, cô sẽ mua bánh mì cho các con và chúng ta cùng gấp sếu giấy nhé!
Tất cả học sinh: Cảm ơn cô, cảm ơn cô.
Cô giáo cùng học sinh: Hãy nắm chặt tay nhau, Cảm thông và chia sẻ, Hoà nhịp đập con tim.”
Kịch về thầy cô và mái trường
Tiểu phẩm: Niềm vui của cô
Tên người dẫn truyện……….: Người dẫn chuyện
Em xin chào các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Tuần 10 lớp ….. chúng em làm công tác trực tuần. Để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20- 11, sau đây lớp …. chúng em xin gửi đến các thầy cô cùng toàn thể các bạn học sinh một tiểu phẩm được mang tên: Niềm vui của cô. Em xin mời các thầy cô và các bạn cùng thưởng thức.
Nhân vật trong tiểu phẩm:
- Bạn…… : trong vai Tuấn
- Bạn ……: trong vai cô giáo.
- Nhóm HS trong vai các bạn cùng lớp.
Tiểu phẩm của chúng em xin được bắt đầu.
Người dẫn….. (lời dẫn): Tuấn là bạn học sinh mồ côi cha sống với mẹ. Mẹ Tuấn bị tàn tật nên hoàn cảnh gia đình Tuấn rất khó khăn. Ở lớp, Tuấn là một học sinh nghịch ngợm, hay trêu chọc bạn bè và làm cô giáo rất phiền lòng.
Cảnh trong lớp học.
Các bạn đang ngồi ôn bài. Tuấn bước vào.
Tuấn: helo! xin chào mọi người!
Hiền đứng lên: Tuấn ơi, vào ôn bài với chúng tớ đi. Chúng mình chuẩn bị kiểm tra giữa kì đấy.
Tuấn: Ôi dào, học với chả hành. Tớ chả thích học. Tớ đang đói đây.
Tuấn chỉ vào Quyên: Này Quyên! Hôm nay bạn có mang bánh cho tớ không?
Quyên (sợ hãi): Nhưng mà tớ hôm nay hết tiền rồi.
Tuấn: Hết cũng phải có, nếu không hôm nay tớ nhịn đói à.
Tuấn quay sang Ngọc: Cả con này nữa, hôm nay có mang cái gì đi không?
Ngọc: Có, tớ còn hộp xôi chưa kịp ăn đây.
Tuấn (giằng lấy, ăn liền): Ôi đã quá! Hết cả đói.
Vừa lúc đó, cô giáo (…..) bước vào lớp.
Cả lớp đứng dậy chào cô (bằng Tiếng Anh)
Cô giáo (….) nhìn Tuấn: Tuấn, em ngồi vào chỗ đi.
Tuấn miễn cưỡng ngồi xuống.
Cô giáo (…….): các em ạ, nhà trường chúng ta đang chuẩn bị một chương trình lớn: Hoà nhịp đập con tim để ủng hộ cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt 2 em Vi và Nhi bị mắc căn bệnh hiểm nghèo.
Hôm nay, cô sẽ hướng dẫn các em gấp những con sếu trắng, biểu tượng cho sự chia sẻ, cảm thông trong cuộc sống, các em có đồng ý không?
Tất cả học sinh: Đồng ý ạ! Đồng ý ạ!
Bỗng mặt Ngọc tái mét, tay ôm bụng.
Cô giáo cùng các bạn chạy tới, người xoa dầu, người hỏi han.
Cô giáo (….): Sáng nay con đã ăn gì chưa?
Ngọc: Dạ... Dạ... con ăn rồi ạ!
Cô giáo: Con đã ăn gì nào?
Ngọc: Dạ ... Dạ ...
Tuấn Anh: Thưa cô, hôm nay bạn Ngọc chưa ăn gì đâu ạ! Lúc nãy, bạn Tuấn đã lấy phần ăn sáng của bạn Ngọc đấy ạ.
Cô giáo (nhìn sang Tuấn): Con đã lấy phần ăn sáng của bạn à?
Tuấn (gãi đầu): Dạ...dạ ... lúc nãy em đói quá nên đã lấy xôi của bạn ạ.
Cô giáo: Sáng nay con chưa ăn gì sao?
Tuấn (bật khóc): thưa cô, tại con đói quá ạ. Con xin lỗi cô, tớ xin lỗi các bạn.
Cô giáo (ôm Tuấn vào lòng vỗ về): Cô đã hiểu hoàn cảnh của con. Nhưng con ạ, ông bà ta đã dạy: Đói cho sạch, rách cho thơm. Lần sau, nếu có đói hay có nỗi buồn gì con hãy chia sẻ với cô và các bạn nhé!
Quay lại với các học sinh khác: Còn các con, lần sau chúng mình có quà gì đều chia sẻ với bạn nhé! Các con có đồng ý không?
Tất cả học sinh: đồng ý ạ! Đồng ý ạ!
Cô giáo (….): Cô rất vui khi các con đã hiểu và biết chia sẻ vui buồn với bạn. Các con đều như là anh em một nhà.
Bây giờ, cô sẽ mua bánh mì cho các con và chúng ta cùng gấp sếu giấy nhé!
Tất cả học sinh: Cảm ơn cô, cảm ơn cô.
Người dẫn chương trình: Tiểu phẩm của chúng em đến đây là kết thúc. Qua tiểu phẩm chúng em mong muốn gửi tới các bạn thông điệp:
“Chúng ta:
Hãy nắm chặt tay nhau
Cảm thông và chia sẻ
Hoà nhịp đập con tim.”
Mời toàn trường cùng hát vang bài hát truyền thống: Mái trường mến yêu.
Người dẫn chương trình: Sau đây tớ có một số câu hỏi giao lưu cùng các bạn:
- Bạn đã làm gì để chung tay góp sức giúp đỡ bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn?
- Khi làm được việc tốt để giúp đỡ bạn có hoàn cảnh khó khăn bạn cảm thấy thế nào?
Kịch bản tiểu phẩm: Đường về
Các nhân vât trong tiểu phẩm
Vân: Cô nữ sinh lớp 11
Tuyết, Thắm, Dũng: Bạn cùng lớp của Vân
Người bố (Hải)
Người mẹ ( Lan)
Nguyệt: Chị gái Vân( đi học làm tóc vẽ móng ở thành phố Lào Cai)
Cô giáo chủ nhiệm của Vân
Bác Vọng ( chị cô Lan)
Trong căn nhà lợp mái ngói brô, rêu đã ngả màu sẫm mốc, nằm cheo veo bên cạnh Taluy đồi, cách biệt với những dãy nhà cấp 4 ở thôn. Trong cơn gió của chiều đông lại càng trở nên lạnh lẽo và thảm đạm….tiếng gắt, rồi tiếng gằn giọng vang lên lẫn vào tiếng rít của những cơn gió cứ từng hồi như cứa vào lòng người.
ông bố( Hải): Mày cút đi, cút khỏi nhà tao….cút hết, cho khuất mắt tao…cút
(giọng gào lên giận dữ)
Khốn khổ khốn nạn cái thân tao, cứ nghĩ đi làm vất vả kiếm ra đồng tiền mày sẽ biết lo toan cho cái gia đình…ai ngờ mày lại đổ đốn ra thế này! Cái con đàn bà khốn nạn kia!!! Giờ thì cuộc đời này chả là gì với tao hết. Cút hết, cút hết đi trước khi tao cho nó mồi lửa để nó thành tro bụi…
Vẫn là một sự im lặng như những buổi chiểu rét mướt khác.. chửi rồi lại nuốt hận và chẳng kịp khoác cái áo đã xỉn màu như mái ngói ngôi nhà. Nhưng lần này, Lan đã đáp lời chồng mình trong dòng nước mắt chứa chan.
Người mẹ (Lan): Tôi xin anh, cái thân tôi nó khốn nạn, nó nhuốc nhơ, nó ti tiện, tôi sẽ để anh sỉ mắng cho hả lòng, hả dạ…anh giết tôi đi nhưng tôi không muốn con Vân, con Nguyệt nó biết chuyện này…( giọng Van xin)
Ông bố( Hải): Cô, cô còn định quanh co, lằng nhằng nữa hả??? đẹp mặt chưa, giờ thì thiên hạ nó biết tỏng cái bản mặt của cô rồi.
Người mẹ (Lan): Biết…tôi biết , tôi đã là một con đàn bà hư hỏng nhưng tôi muốn con tôi không phải khổ sở như mẹ nó. Cả hai đứa đã đang tuổi lớn, tôi không muốn vì tôi, vì gia đình này mà nó sẽ dở dang…nếu anh lo cho mẹ con tôi một cuộc sống đầy đủ như những người chồng khác tôi đâu phải đến nỗi phải bấu víu vào người ta. Mỗi tháng ba cọc ba đồng anh đem về có đủ trang trải cả những món nợ mà anh cờ bạc lô đề ngày trước không? Anh có bao giờ tự hỏi mình tại sao vợ mình phải khốn nạn vậy chưa?
Ông bố(Hải): Cô..cô…Cô nói chí lí lắm, cô đúng là một người mẹ hết lòng vì con. Cô sợ hai đứa nó biết cô là người mẹ chả ra gì, vậy tại sao cô lại làm như vậy… cô trả lời đi.. nói…nói mau…(Giận dữ, túm hai tay vào cổ người vợ đáng thương của mình)
Đang cơn giận dữ như lửa cháy....bỗng có tiếng đẩy cửa đánh thòang, Vân từ đâu chạy ào đến như một tia lửa lao thẳng về phía người mẹ đang chan chứa trong nước mắt, dằng mạnh bàn tay thô kệch, xù xì của bố, nó quỳ xụp xuống thổn thức, nghẹn ngào.Cô bé học giỏi Văn, sống nội tâm và ít nói đã không thể im lặng
Vân(con gái thứ hai): Con đã đứng ở bên ngoài nghe hết câu chuyện của bố và mẹ...con thực sự không hiểu điều gì đã làm gia đình ta đến nông nỗi này...
Ông bố( Hải): Mày làm sao hiểu được hả con...tao khổ sở lắm rồi....(giọng đau đớn)
Người mẹ (Lan): tôi van anh, anh đừng nói thêm điều gì cả trong lúc này...hãy vì con bé... tôi xin anh.
Vân: Bố mẹ biết không, gần đây con đã thấy bố mẹ và cả nhà không còn gắn kết như xưa, con lo lắng, con sợ hãi và cũng không dám chia sẻ cả với chị, cũng chẳng dám hỏi mẹ tại sao?
Người mẹ (Lan): Con ơi, mẹ biết rồi! Mẹ xin con!!! (giọng van xin)
Vân: Những lúc chỉ có một mình con luôn nhớ lại những ngày khi con và chị còn bé, mỗi buổi chiều bố chở hai chị em trên chiếc xe đạp cũ, dạo quanh cánh đồng rồi vào nhà ông bà nội chơi đợi mẹ đi làm may về. Rồi cả nhà lại kéo nhau về với mái nhà nhỏ để ríu rít với bữa cơm tối chỉ có rau, đậu và vài miếng cá kho mặn. Con cũng nhớ những hôm bố đi phụ hồ về muộn, hai chị em quanh quẩn đứng ngóng ngoài sân. Vừa ngóng rồi lại tự hỏi, sao mãi bố chưa về. Mẹ còn sốt ruột mắng chúng con, không được nhắc để bố còn về nhà cho an tòan. Những lúc thế này con chỉ mong thời gian có thể đóng băng được, để mãi được như tấm bé, lúc gia đình mình tuy thiếu thốn về vật chất nhưng vẫn luôn vui vẻ,hạnh phúc; để con chẳng phải đối diện với những cãi vã, bực dọc của bố mẹ; để con không phải nghe những điều mà đôi tai con không thể tin. Đầu óc con muốn nổ tung, bố mẹ biết không??? ( giọng đau đớn, nghẹn ngào trong nước mắt )
Người đàn ông khổ sở ấy lặng lẽ, rút cái áo công nhân đã sờn bạc hết cả lưng và vai bước ra ngoài, cửa vẫn chưa khép lại...Vân và mẹ ôm nhau khóc,mẹ ôm chặt con gái như muốn thanh minh, như muốn thắp lại chút niềm tin nhỏ bé cho cô con gái nhỏ khi câu chuyện cô muốn giữ kín đã bung tuột ra theo tiếng gió rít và tiếng gằn giận dữ của người chồng trong cánh cửa khép hờ... Hải đã đi đến cả tháng nay không thấy về. Nghe nói, anh bỏ việc phụ hồ theo mấy người bạn bốc dỡ hàng trên cửa khẩu Lào Cai vì làm ở đây tuy vất vả nhưng chắc chắn anh sẽ kiếm được nhiều tiền hơn việc đi phụ hồ, hơn nữa cũng là để không phải đối diện với người vợ của mình. Đến cả đứa con gái lớn là Nguyệt, học làm tóc ở gần chỗ anh làm, anh cũng không muốn đến gặp con. Nguyệt biết bố đang làm bốc vác ở cửa khẩu cũng là do cô bạn cùng xóm chạy hàng hoa quả ở cửa khẩu khi đến gội đầu đã kể gặp bố cô. Cô đã tìm gặp được bố mình. Mẹ thì vẫn đi làm may thuê cho hiệu may gần nhà. Còn Vân, từ sau khi bố đi làm không về nhà như trước nữa, đến mỗi bữa vẫn ăn cơm với mẹ nhưng hai mẹ con cũng không nói chuyện, thậm chí Vân không hay ngước lên nhìn mẹ như trước. Vân thường xuyên đi học về muộn, về nhà cũng chẳng mấy khi Vân học bài. Giờ đây, Vân đã ra dáng một cô thiếu nữ, biết để ý đến quần áo mình mặc, lại còn tô son đỏ cam trước khi đi học. Càng ngày mẹ lại càng thấy con khác rất nhiều. Có một lần, cô giáo đã gọi điện cho mẹ Vân và trao đổi rất lâu, đến bữa ăn mẹ nói với Vân.
Người mẹ (Lan): Vân à! Hôm nay cô giáo của con gọi điện cho mẹ để trao đổi về việc học của con. Mẹ thấy lo lắng con ạ!
Vân: Cô giáo con nói với mẹ chuyện gì ạ? Con vẫn đi học bình thường như các bạn, vẫn chấp hành tốt mọi nội quy của trường lớp, có vi phạm điều gì đâu, lạ nhỉ sao cô lại phải quan tâm tới con quá mức như vậy??? (Tỏ ra không thoải mái)
Người mẹ (Lan): Con... nếu không có chuyện gì, chắc chắn cô giáo đã không phải gọi để trao đổi với mẹ nhiều như vậy.
Vân: Con đã nói là không có việc gì cả, mẹ đừng xen vào chuyện của con nữa, con thấy mệt mỏi lắm rồi... (Giọng gắt lên)
Người mẹ (Lan): Con? Tại sao con lại nói với mẹ như thế( Rồi mẹ Vân giận dỗi bước về phía sau nhà)
Mẹ vừa bước về phía sau nhà, tiếng còi xe máy đã réo lên inh ỏi trước nhà...Vân mở hé cánh cửa, tiếng Dũng dội vào.
Dũng: (nói với vào nhà): Đợi lâu lắm rồi đấy, để bọn nó đợi lâu là không xong đâu. Nhanh cái chân cho tôi nhờ???
Vân: Được rồi….chờ tí, chậm một tí đã chết ai được?
Người mẹ (Lan): (ngạc nhiên): Sao con nói chiều nay đi lao động trên trường? Giờ lại rủ nhau đi chơi ở đâu mà lại chờ đợi với hẹn hò nhau??? Con ở yên đó để mẹ gọi điện cho cô giáo con.
Vân: Sao động tí mẹ lại lôi cô giáo ra dọa con, bây giờ chẳng ai làm con sợ được cả, mẹ hiểu không? Mẹ cứ lo việc của mẹ đi. Con đi lao động xong sẽ đến nhà Thắm thăm nó bị ốm. Nếu muộn, mẹ cứ ăn cơm trước, đừng chờ con làm gì!
Chưa kịp nghe mẹ nói lại, Lan đã chạy ào ra, ngồi vội lên xe máy với Dũng và Tuyết, đầu cũng chẳng thèm đội chiếc mũ bảo hiểm. Mẹ Vân ngỡ ngàng, thẫn thờ vì giờ đây con gái chị như đã thoát ra khỏi vòng tay mẹ, nó không muốn chị quan tâm mà lại càng không muốn thủ thỉ tâm sự với mẹ như trước. Chị cảm nhận được sự rạn nứt trong tình cảm và niềm tin của con gái mà giờ đây chị thật khó có thể nối lại được. Chị tự nhủ: Có lẽ cũng tại mình, giờ đây không thể trách ai. Trời đã nhá nhem tối, cơm canh đã chín, mâm cơm đạm bạc đã dọn ra, chị thẫn thờ ngóng con.
Người mẹ (Lan): Giờ này đã muộn lắm rồi, con bé làm gì mà còn chưa về. Nó đã bao giờ về muộn như thế này đâu.( Bước ra cửa rồi lại vào trong nhà, hết đứng lại ngồi)
Phải gọi cho cô giáo mới được….. A lô: Cô Thu ạ! Cô ơi, chiều lớp đi lao động có về muộn lắm không cô?
Có tiếng từ đầu dây bên kia hồi đáp trong hốt hỏang
Cô Thu: Chị Lan ơi, chiều nay lớp không lao động đâu vì một số bạn phải đi tập ngoại khóa cho tuần tới nên lịch lao động tạm hõan, em đã nhắn Vnedu cho gia đình rồi mà. Em có nhắc cháu tham gia tập ngoại khóa, cháu nói gia đình dạo này bận việc, phải giúp mẹ nên không tham gia.
Người mẹ (Lan): Thôi, chết tôi rồi, cháu nói đi lao động. Số điện thoại Vnedu, ông chồng tôi lại cầm đi làm xa, chắc ông ấy không đọc nên không nói gì với tôi.
Cô Thu: Chị ơi, ngoài những lần em gọi điện và mời chị đến gặp để trao đổi về tình hình của cháu, có bất kì vấn đề gì em đều báo cả qua sổ liên lạc điện tử. Bây giờ chị bình tĩnh, em sẽ gọi cho phụ huynh của cháu Thắm để hỏi xem cháu còn bên đó không.
Người mẹ (Lan): Cô giáo gọi hỏi giúp tôi với ạ? Trăm sự nhờ cô giúp cho tôi...( Giọng cầu khẩn)
Cô Thu gọi điện cho mẹ Thắm và nhận được câu trả lời: Cả nhà cũng đang sốt ruột định gọi hỏi cô giáo để hỏi tình hình.Cô giáo đã đến nhà mẹ Vân để báo tình hình. Khi mẹ Vân cho biết chiều nay con gái đi xe cùng Dũng và Tuyết, cô Thu đã giật mình vì biết Dũng là một học sinh cá biệt, đã bỏ học và thường xuyên giao du với những thanh niên chơi bời, thậm chí nhân thân không rõ ràng. Cô giáo đã động viên mẹ Vân bình tĩnh để hỏi thêm thông tin, nếu cần thiết sẽ phải báo cho cơ quan công an ngay.
Cô Thu: Giờ đây chưa biết việc gì xảy ra với cháu chị phải hết sức bình tĩnh chị ạ!
Bác Vọng (Chị gái của mẹ Lan hớt hải chạy đến): Chiều nay, tôi thấy con Vân đi với hai đứa nữa phóng xe lên mạn thành phố Lào Cai. Dì thử gọi cho con Nguyệt xem nó có lên trên đó chơi không?
Người mẹ (Lan): Chị ơi chắc con bé không lên đó đâu. Vì tuần trước Nguyệt mới về nhà. Chúng nó còn hẹn hò nhau, cuối tuần sẽ gọi bố về để sang thăm ông bà nội nữa mà.
Bác Vọng: Dì cứ gọi thử đi, tôi có linh cảm con bé đang ở chỗ chị nó.
Người mẹ (Lan): Vâng, để em gọi ạ!
Bác Vọng vừa nhắc đến Nguyệt thì tiếng chuông điện thoại của Nguyệt gọi đến cho mẹ…
Người mẹ (Lan): Nguyệt à con! Em Vân, em Vân nó đi từ chiều chưa về, mẹ hỏi các bạn của nó không ai biết con bé ở đâu, cô giáo và bác Vọng cũng đang ở đây.
Nguyệt: Mẹ ơi, Vân đang ở trên gần cửa khẩu cùng con và bố đây mẹ ạ!
Người mẹ (Lan): Con nói thật chứ???
Nguyệt: Thật mà mẹ! Nó đi cùng con Thắm và một thằng bạn của nó nữa. Nếu hôm nay, bố không làm gần ở đó, không nhận ra và đi theo để gọi nó, có lẽ mẹ con mình sẽ không được gặp em nữa.
Người mẹ (Lan): Con nói vậy nghĩa là sao? ( hốt hỏang, ấp úng):
Nguyệt: Vân và con cái Thắm bị bọn nó dẫn sang cửa khẩu chơi, đi mua sắm rồi nó lừa bán cho những kẻ chuyên buôn người. Thằng bạn đưa hai đứa đi đã bị tạm giữ để điều tra. May quá mẹ ạ!
Người mẹ (Lan): Thế em và bố con đâu rồi? Mọi người có ở đó không để mẹ gọi gặp bố con.
Nguyệt: bố đã giục con gọi điện báo ngay cho mẹ. Bố cũng nói, bố nói chuyện lại với người chủ chỗ bố làm để xin nghỉ về nhà một thời gian về với gia đình. Mẹ cứ yên tâm chờ bố và chúng con đang chuẩn bị về mẹ nhé.
Người mẹ (Lan): Ừ, ừ được rồi con
rồi chị quay sang nói với cô giáo và bác Vọng
Người mẹ (Lan): May quá! Không thì tôi cũng không biết phải sống thế nào nữa? con tôi không sao cô giáo và bác ạ! Các cháu và bố nó đang chuẩn bị về nhà rồi.
Cô giáo: Tôi xin chia sẻ chân thành với chị, sau sự việc này, chị cần phải quan tâm đến cháu nhiều hơn. Anh chị phải sắp xếp công việc gia đình, giải quyết các mâu thuẫn để cháu yên tâm học tập. Đây là lứa tuổi mà tâm lí các cháu chưa thực sự chưa ổn định. Khi có những biến cố gia đình, các cháu sẽ rất dễ bị tổn thương, suy nghĩ nhiều, làm ảnh hưởng tới việc học tập, thậm chí sẽ rất dễ chán nản, bi quan và dễ bị bạn xấu lôi kéo.
Bác Vọng: Cô giáo nói đúng đấy dì! Dì và chú cần phải nghĩ cho con cái mình nhiều hơn. Điều gì có thể bỏ qua cho nhau thì nên bỏ qua để giữ mái ấm gia đình để con cái tập trung tư tưởng học tập. Dì nên nghe tôi!!!
Người mẹ (Lan): Vâng, tôi cảm ơn cô giáo rất nhiều ạ (quay sang nói với cô giáo)
Người mẹ (Lan): Dạ vâng, em biết là mình đã sai lầm khi chỉ nghĩ cho bản thân mình, đã để con em đến nông nỗi này…Từ giờ em sẽ gần gũi, lắng nghe con nhiều hơn, cố gắng là một người mẹ tốt trong mắt các con. (quay sang nói với bác Vọng)
Khi cô giáo và bác Vọng vừa về thì một lúc sau ba bố con Hải cũng về đến nhà. Hải ngập ngừng chưa định bước vào. Vân chạy đến ôm mẹ, kéo tay bố vào.
Vân: mẹ!!!con xin lỗi vì đã không nghe lời mẹ dạy, con đã khiến mọi người phải lo lắng. Con thực sự mong muốn bố mẹ và cả gia đình ta gắn bó như xưa. Con biết cả bố và mẹ giận nhau là còn rất yêu thương nhau chỉ vì hoàn cảnh gia đình mình khó khăn. Con hứa sẽ chăm chỉ học hành, không chơi với những người bạn xấu để không xảy ra sự việc như hôm nay. Tìm được đường về hôm nay, con sẽ nhất định không để mình lạc bước nữa.
Nguyệt: Con cũng đã học nghề sắp xong và sẽ tự làm ra đồng tiền, con cũng có thể trang trải một phần giúp bố mẹ, con chỉ mong bố mẹ bỏ qua mọi lỗi lầm cho nhau để cả nhà ta lại được như xưa.
Người mẹ (Lan): Mẹ biết rồi, các con yên tâm.
Rồi chị quay sang người chồng của mình, lặng lẽ cất tiếng
Người mẹ (Lan): Thiếu chút nữa thôi thì chúng ta sẽ phải trả cái giá quá đắt vì sự ích kỉ của bản thân mình. Chúng ta không thể lạc lối và càng không thể để các con đi sai con đường của mình. Hãy vì các con mà tha thứ cho em. Hãy vì các con mà tu chí làm ăn, vun vén cho gia đình anh nhé.
ông bố( Hải): Thời gian xa nhà vừa qua, anh cũng đã suy nghĩ rất nhiều về những việc vừa qua. Việc xảy ra với con gái vừa rồi đã làm anh nhận ra rằng: tương lai của các con là quan trọng, chúng ta không có quyền và không được phép tước đi hạnh phúc và tương lai của các con….
Hai con gái nhỏ chạy đến bên ôm chầm lấy bố mẹ với ánh mắt hạnh phúc, giường như họ thấm thía cái cảm giác hạnh phúc khi tìm lại sự gắn kết của mình, hạnh phúc khi mà may mắn đã đến đúng lúc để gia đình họ không ai phải rời xa…
Câu chuyện về sự rạn nứt hạnh phúc gia đình vì những cám dỗ xã hội , gây ra những tổn thương không chỉ với người trong cuộc mà còn tổn thương cả những người thân trong gia đình là câu chuyện của nhiều gia đình trong xã hội hiện nay. Cô bé Vân đã may mắn tìm được đường về trước khi mọi thứ đi quá xa, ngoài tầm kiểm soát của gia đình. Cô bé may mắn khi được trở về với gia đình của mình, không phải chịu nỗi đau mà những cô gái trẻ bị lừa bắt sang bên kia biên giới. Một hồi chuông cảnh tỉnh những người làm cha làm mẹ phải biết quan tâm, gần gũi, sẻ chia, vượt qua sự ích kỉ của cá nhân, vượt qua thử thách trong cuộc sống để giữ hạnh phúc gia đình…
Kịch bản tiểu phẩm: Phòng chống bạo lực học đường
Các nhân vật trong tiểu phẩm:
Học sinh: Nam, Tiến, Hòa
Cô giáo
Bác bảo vệ
Người dẫn
1 số học sinh khác.
Vào một buổi sáng ở trường:
- Hòa: Chơi bi đê các cậu ơi… Tớ có thêm 4 viên bi mới nhé!!
- 2 bạn khác: Ok, chơi luôn!!
- Hòa: hôm nay ai thua là bị phạt búng tai luôn 10 phát nhé! Tớ sẽ gỡ lại vụ hôm qua!
(Người dẫn nói: Mấy bạn đang chơi, thi có mấy anh lớp trên đi qua, một anh cướp mấy viên bi trên tay Hòa)
- Hòa: Ớ… Sao các anh lấy bi của em, các anh trả bi lại cho em đi.
- Nam: tao không trả đấy, mày làm được gì nào?! Có giỏi nhào vô, anh mày chấp tuốt.
- Hòa: anh có trả lại bi cho em không thì bảo?
- Nam: Tao không trả đấy? Mày thích gì?
(Người dẫn nói: Nói chưa dứt Hòa lao vào giằng bi trên tay Nam và bị Nam đẩy ngã lăn quay, Hòa bật khóc, Nam đá thêm mấy đá vào Hòa)
- Nam: anh bảo rồi, mày không làm gì được anh đâu?! Anh mượn mấy viên bi này chơi tạm, lúc nào chán anh trả lại nhá!!
- Hòa (vừa khóc vừa nói): không được, anh trả lại em đi, không em sẽ mách anh Tiến, anh ấy sẽ cho anh một trận.
- Nam: á à… anh mày chấp, có giỏi thì mời anh Tiến của mày đến gặp anh nhá!
- Hòa: anh cứ chờ đấy!! (Chạy đi tìm anh)
- Người dẫn nói: Nam và đám bạn đang tụ tập đứng chơi, thì Hòa chạy đến chỉ thẳng vào Nam và nói:
- Hòa: đây anh Tiến ơi, anh này lấy bi của em rồi còn dọa chấp cả anh nữa!
- Nam: à thằng nhóc, gọi cứu trợ đến rồi hả? anh mày đâu?
- Tiến: tao đây!! Mày trả bi cho em tao ngay không tao cho mày biết tay đấy! Cả khối 5 ở trường này không ai là không biết tao đâu đấy nhé!!!
- Nam: Tao không trả đấy, MÀY THÍCH GÌ?
- Tiến: á à… già mồm ah? (vừa nói vừa lao vào đấm đá Nam)
(Người dẫn nói: Hai bạn đánh nhau túi bụi)
- Mai: Hình như đằng kia có bạn nào đánh nhau kìa?
- Lan: Ấy, đừng có ra đấy, không khéo lại bị đánh trúng người thì tiêu đấy!
- Mai: Ớ, hình như Tiến ở lớp mình kìa, không ổn rồi, để tớ gọi cô giáo và bác bảo vệ đến.
- Mai: Cô ơi, bác ơi các bạn ấy kia kìa…
- Bác bảo vệ (tuýt còi): 2 anh có dừng lại không?
(Người dẫn nói: lúc này Nam và Tiến mới dừng tay)
- Cô giáo: Tại sao các em lại đánh nhau?
- Tiến: Nó bắt nạt em trai em, lấy bi của em trai em không trả lại và còn thách thức em nữa!
- Nam: Tại nó, không phải việc của nó, tự dưng lại đi xen vào rồi còn ra vẻ ta đây!
- Cô giáo: 2 em dừng lại ngay! Cô hiểu sự việc rồi. Nam, em là học sinh lớp lớn hơn sao lại đi bắt nạt các em lớp bé? Mình đáng tuổi anh chị của các em ấy cơ mà? Hành động như vậy có đáng để ra oai không?
- Bác bảo vệ: Cô giáo các cháu nói đúng đấy, còn Tiến nữa, biết sự việc như vậy đáng lẽ phải gặp cô giáo chủ nhiệm rồi trao đổi lại cho cô biết để cô bảo Nam, đằng này cháu lại lao đi tìm Nam để gây sự, cháu cũng sai rồi.
- Tiến: Tại cháu nghe em cháu kể lại, cháu tức quá nên mới đi tìm Nam để hỏi cho ra nhẽ, nên…
- Cô giáo: Nam, em có muốn nói gì không?
- Nam: em chỉ định trêu em ý 1 chút thôi, nhưng em ý làm găng nên em mới…
- Cô giáo: Nói gì thì nói, người có lỗi đầu tiên là em. Em trêu em nhỏ tuổi hơn mình, cướp đồ chơi của em đó lại gây sự đánh nhau, lỗi của em nặng nhất! Còn Tiến, biết sự việc như vậy mà không thông báo cho cô lại tìm bạn để đôi co dùng nắm đấm để giải quyết, em cũng có lỗi! Giả sử hôm nay các em đánh nhau sứt đầu, mẻ trán thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc này? Vì vậy cô mong các em trước khi làm gì cũng phải suy nghĩ, đừng nông nổi mà gây ra hậu quả đáng tiếc.
- Bác bảo vệ: Mấy đứa đã nghe rõ cô giáo nói gì chưa? Hành động của mấy đứa chính là bạo lực trong học đường đấy!! Bác đã nghe thấy Liên đội tuyên truyền về công tác phòng chống bạo lực học đường rồi mà sao mấy đứa lại mắc phải?
- Nam: Em biết lỗi rồi ạ! cháu xin lỗi bác, em xin lỗi cô, xin lỗi em Hòa và anh Tiến ạ, em sẽ không như vậy nữa đâu!
- Tiến: Em cũng biết em sai rồi, em xin lỗi cô và Nam. Lần sau em sẽ không dùng nắm đấm để giải quyết sự việc nữa đâu ạ!!
- Cô giáo: Các em nhận ra lỗi của mình và biết sửa như vậy là rất tốt, cô cũng hy vọng không chỉ 2 em mà tất cả các bạn học sinh ngồi đây đều ghi nhớ: không được bắt nạt các em nhỏ, không gây gổ đánh nhau trong và ngoài nhà trường và không tham gia vào các trò chơi game không phù hợp với lứa tuổi.
- Tất cả các bạn: Chúng em nhớ rồi ạ!
----------------------------------------------
Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục văn hóa giải trí trong mục tài liệu nhé.
Xem thêm
Mẫu trang trí báo tường trên giấy A4 đẹp, đơn giản nhưng sáng tạo
Hướng dẫn bó hoa đẹp cho ngày 20-11
Bài phát biểu ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Những bài thơ, câu thơ hay về nghề giáo viên
Mẫu bánh kem 20/11 mừng ngày Nhà giáo Việt Nam đẹp nhất
Thơ chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Thiệp và những lời tri ân cảm ơn thầy cô nhân ngày 20/11 hay nhất
Thơ báo tường 20-11 hay nhất
Các bài thơ ngắn hay về cô giáo mầm non