Cây nêu là cây gì? Ý nghĩa và sự tích cây nêu ngày Tết

  • 2

Cây nêu là một trong những hình ảnh thiêng liêng gắn liền với dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Vậy nhưng không phải ai cũng biết cây nêu là cây gì cũng như ý nghĩa của cây nêu ngày Tết như thế nào. Trong bài viết này, VnAsk sẽ chia sẻ tới bạn sự tích cây nêu ngày Tết cũng như cách làm cây nêu ngày Tết. Bạn theo dõi nhé!

Cây nêu là cây gì?

Cây nêu thường được làm từ cây tre dài khoảng 5 đến 6 mét, được chặt hết lá chỉ để lại vài nhánh lá trên ngọn. Sở dĩ phải lựa chọn cây tre là bởi cây tre có nhiều đốt, tượng trưng cho các bậc thang để Thần linh đi về, đồng thời mang sinh khí của đất trời giúp cho mùa màng tươi tốt.

Cây nêu ngày Tết

Cây nêu thường được trồng trước sân mỗi gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán. Phần thân cây có thể được trang trí bằng đèn lồng, câu đối, chuông gió... Bên trên ngọn cây nêu được trang trí và treo 1 vòng tròn nhỏ cùng nhiều vật dụng khác nhau tùy theo từng địa phương, dân tộc.

Sự tích cây nêu ngày Tết

Tục xưa truyền rằng, từ xa xưa, quỷ dữ ỷ đông áp bức và chiếm hết đất đai của con người. Người phải thuê đất của quỷ trồng lúa và chỉ được ăn phần gốc còn phải nộp lại phần ngọn. Vì thế, khi lúa chín, quỷ lấy hết thóc, người chỉ còn rơm rạ.

Thương người, Phật mách cho trồng khoai lang. Cuối vụ, người thu hoạch hết phần củ, để lại quỷ phần lá. Quỷ tức tối quyết định vụ sau, quỷ sẽ thu phần gốc còn cho người phần ngọn. Phật lại mách người quay lại trồng lúa. Người thu hoạch lúa, phần rơm rạ cho quỷ.

Hai vụ mùa liên tiếp, quỷ không thu hoạch được gì. Chúng vô cùng bực tức và quyết định sẽ ăn cả gốc lẫn ngọn trong vụ thu hoạch sau. Thấy vậy, Phật bày cho người trồng ngô. Bắp ngô ra ở giữa thân cây nên cuối vụ, người thu hoạch ngô về chất đầy bồ, quỷ chẳng thu được gì.

Không thu được nông sản, quỷ đòi lại đất. Phật bảo người đến mua một mảnh đất nhỏ bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy hời, quỷ đồng ý. Khi người trồng cây tre xuống, Phật hóa phép cho cây tre cao lên tận trời, chiếc áo cà sa mở rộng che khắp mặt đất.

Quỷ mất hết đất đai, phải lùi ra tận biển. Bại trận, quỷ khóc than với Phật mỗi năm cho chúng vài ngày được về đất liền thăm phần mộ tổ tiên. Phật đồng ý. Từ đó trở đi, mỗi dịp Tết đến, quỷ lại được về đất liền. Người dân dựng cây nêu trước nhà để ma quỷ không lại gần phần đất của mình.

Ý nghĩa cây nêu ngày Tết

Ý nghĩa nguyên khởi của cây nêu là được dựng lên với mục đích trừ ma quỷ, thế nhưng ý nghĩa thực chất của loại cây này trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam còn nhiều hơn thế.

Theo thời gian, các đồ lễ treo trên thân cây nêu càng trở nên phong phú, đa dạng, chính vì thế, cây nêu còn được xem là một biểu tượng kết nối đất, trời do tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc, đồng thời cũng bao hàm ý nghĩa về ý thức bảo vệ lãnh thổ của người Việt.

Chính vì thế, dựng cây nêu vào ngày Tết không chỉ mang ý nghĩa trừ tà ma mà còn để thờ phụng Thần linh, hương hồn tổ tiên và sâu xa hơn là tảo trừ những điều xấu xa, kém may mắn của năm cũ.

Cách làm cây nêu ngày Tết

Dựng nêu ngày Tết khi nào? Cây nêu ngày Tết được hạ vào thời điểm nào?

Cây nêu ngày Tết được dựng vào ngày nào, hạ vào thời điểm nào? Thời điểm dựng nêu và hạ cây nêu còn tùy thuộc vào từng dân tộc. Cụ thể:

Theo phong tục dân gian, người Kinh sẽ dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, nhằm đúng ngày ông Công, ông Táo về trời. Người xưa thường quan niệm, vào ngày này, khi ông Công, ông Táo vắng mặt, ma quỷ sẽ có thể nhân cơ hội quấy phá, vì thế họ dựng cây nêu với mục đích xua đuổi ma quỷ. Ngày dựng cây nêu còn được gọi là ngày lên nêu. Còn ngày hạ nêu sẽ diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Giêng Âm lịch.

Người Hmông sẽ dựng cây nêu vào ngày 3 hoặc ngày 5 tháng Giêng. Người Mường sẽ dựng cây nêu vào ngày 28 tháng Chạp Âm lịch...

Tìm hiểu thêm: Tháng củ mật nghĩa là gì? Tại sao gọi tháng Chạp là tháng củ mật?

Cách chọn vật liệu làm cây nêu ngày Tết

Loại cây được dùng làm cây nêu thường là cây tre già, cao khoảng 5 đến 6 mét, to, thẳng, lóng tre đều và trên ngọn phải còn vài nhánh lá tươi.

Ngoài ra, bạn còn cần chuẩn bị thêm 3 dây giằng được làm từ dây thừng, có độ bền, dai, khỏe đủ để giữ được cây nêu, đồng thời phải có cọc tre hoặc cọc sắt để buộc dây giằng ở chân cây nêu.

Các vật trang trí cây nêu

Theo tục lệ truyền thống, một số vật thường được sử dụng để trang trí cây nêu là:

  • Cờ: Là loại cờ hội cỡ lớn và thường được treo ở bên dưới chùm lá tre.
  • Lồng đèn: Thường được treo ở trên đỉnh cây nêu để tạo điểm nhấn.
  • Lá phướn: Trước đây lá phướn được làm từ giấy nhưng hiện nay nó được làm từ vải đỏ. Phía trên của lá phướn có viết những câu chúc mừng năm mới và được treo cùng vị trí với cờ hội.
  • Dụng cụ tạo âm thanh: Có thể là khánh sành hoặc chuông đất, chuông gió.
  • Vật mang ý nghĩa tín ngưỡng: Thường là nhành lá đa, nhành cây xương rồng, lá dứa hoặc một chiếc giỏ bằng mây tre đan bên trong có chứa vàng mã, trầu cau, muối, gạo...
  • Vật trang trí quanh gốc nêu: Các loại bánh trái ngày Tết, câu đối Tết. Ngoài ra, bạn cũng cần rắc vôi bột quanh gốc cây nêu tạo thành 1 vòng tròn hoặc hình cánh cung, đồng thời có mũi tên hướng ra cổng với mục đích xua đuổi tà ma.

Cách làm cây nêu ngày Tết

Thực trạng cây nêu Tết ngày nay

Dựng nêu ngày Tết là phong tục cổ truyền của người Việt, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên trong cuộc sống đô thị hiện đại ngày nay, tục dựng cây nêu ngày Tết đang dần bị mai một, chỉ có một số ít địa phương vùng đất Tây Nam Bộ vẫn duy trì được tục lệ này.

Hình ảnh cây nêu ngày Tết đẹp

Bạn hãy cùng tham khảo một số hình ảnh cây nêu đẹp ngày Tết nhé!

Hình ảnh cây nêu ngày Tết đẹp

Hình ảnh cây nêu ngày Tết đẹp với đèn lồng và cờ tổ quốc

Hình ảnh cây nêu ngày Tết

Hình ảnh cây nêu ngày Tết đẹp với đèn lồng

Hình ảnh cây nêu ngày Tết đẹp với tràng pháo đỏ

Hình ảnh cây nêu ngày Tết đẹp của người dân tộc

Hình ảnh cây nêu ngày Tết đẹp với đèn lồng và dây pháo

Hi vọng qua sự tích cây nêu ngày Tết và ý nghĩa của việc dựng cây nêu trong ngày Tết, bạn sẽ hiểu hơn về phong tục này. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi.

Nhân dịp năm mới 2024 sắp tới, VnAsk kính chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng. Đặc biệt đừng quên thường xuyên truy cập chuyên mục tư vấn Tổng hợp trên website để cập nhật nhiều thông tin hữu ích cũng như tìm mua các sản phẩm đồ gia dụng, điện máy điện lạnh, thiết bị y tế sức khỏe... chính hãng, chất lượng bạn nhé.

  • 5.550 lượt xem
👨 Hoàng Thị Thuận Cúc Cập nhật: 28/03/2024