Nhựa số mấy an toàn? Ký hiệu các loại nhựa an toàn

Cập nhật: 28/03/2024

Nhựa được chia thành 7 nhóm, đánh số tương ứng từ 1 đến 7. Mỗi nhóm nhựa có đặc điểm và độ an toàn khác nhau. Vậy nhựa số mấy an toàn? Ký hiệu các loại nhựa an toàn là gì? Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này bạn nhé!

Phân biệt các loại nhựa

1.

Để biết nhựa số mấy an toàn hay ký hiệu nhựa an toàn là gì, trước hết, chúng ta hãy cùng nhau phân biệt các loại nhựa phổ biến hiện nay bạn nhé!

Như chúng tôi đã chia sẻ, các loại nhựa trên thị trường hiện nay được chia thành 7 nhóm: Nhựa số 1, nhựa số 2, nhựa số 3, nhựa số 4, nhựa số 5, nhựa số 6 và nhựa số 7. Những nhóm nhựa này có thành phần hóa học khác nhau, đặc tính khác nhau và có mục đích sử dụng riêng.

Nhựa số 1

Nhựa số 1 là nhựa PET hay PETE (polyethylene terephthalate). Loại nhựa này trong suốt, chịu được nhiệt độ cao nhất 200 độ C và chịu được nhiệt độ thấp nhất khoảng -90 độ C trong khoảng 2 phút. Nhựa số 1 khá an toàn nên thường được dùng để chế tạo vỏ chai dầu gội, sữa tắm, nước súc miệng; làm chai được nước ngọt, nước ép, nước suối, nước khoáng…

Bạn có thể để các vật dụng làm bằng nhựa số 1 trong tủ lạnh nhưng không được cho vào lò vi sóng. Ngoài ra, nếu dùng bình đựng nước bằng nhựa số 1, bạn chỉ nên lưu trữ nước có nhiệt độ dưới 50 độ C và thay bình tối đa 3 tháng 1 lần.

Nhựa số 1

Nhựa số 2

Nhựa số 2 hay nhựa HDPE có thể chịu được mức nhiệt lên đến 110 độ C, dùng được trong lò vi sóng công suất thấp (từ 800W trở xuống). Loại nhựa này tương đối an toàn, thường được dùng để sản xuất bình đựng sữa, dầu ăn; bình đựng chất tẩy rửa, đồ chơi, túi nhựa. Nhược điểm của nhựa số 2 là khó làm sạch. Vì thế, bạn cần chú ý nếu muốn tái sử dụng loại nhựa này.

Nhựa số 2

Nhựa số 3

Các loại nhựa PVC được xếp vào nhóm nhựa số 3. Ứng dụng thường thấy nhất của nhựa số 3 là để làm áo mưa, vật liệu xây dựng (ví dụ như ống nước). Nhựa số 3 không dùng được trong lò vi sóng và không nên dùng để đựng thực phẩm vì dễ sinh ra các chất độc hại.

Nhựa số 3

Nhựa số 4

Nhựa số 4 là nhựa LDPE, khá an toàn, thường được lựa chọn để sản xuất bao bì đựng thực phẩm như mì ăn liền, các loại bánh, snack... Chúng ta không nên cho vật dụng làm bằng nhựa số 4 vào lò vi sóng vì nó rất dễ nóng chảy, từ đó sinh ra các chất gây hại cho sức khỏe.

Nhựa số 4

Nhựa số 5

Nhựa số 5 (nhựa PP – Polypropylene) an toàn với sức khỏe, chịu nhiệt tốt (lên đến 167 độ C), cho phép người dùng sử dụng trong lò vi sóng, tủ lạnh, máy rửa chén bát. Loại nhựa này hay được sử dụng để làm hộp đựng thực phẩm, vỏ ngoài bình giữ nhiệt, bình đựng nước.

Nhựa số 5

Nhựa số 6

Người ta thường sử dụng nhựa số 6 (nhựa PS) để làm các loại chén đũa dùng 1 lần, hộp xốp đựng đồ ăn… Loại nhựa này chịu nhiệt kém. Ở nhiệt độ cao (khoảng 70 độ C trở lên), nhựa số 6 có thể sinh ra nhiều monostyren gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, bạn tuyệt đối không được đựng thức ăn nóng trong vật dụng làm bằng nhựa PS, hoặc cho chúng vào trong lò vi sóng để quay, hâm nóng đồ ăn.

Nhựa số 6

Nhựa số 7

Tất cả những loại nhựa không thuộc 6 nhóm trên đều được xếp vào nhóm nhựa số 7. Trong nhóm nhựa số 7, nhựa PC và nhựa Tritran là 2 loại phổ biến nhất.

  • Nhựa PC: Thường được dùng để sản xuất bình đựng nước, bình đựng sữa, hộp đựng thực phẩm… Nhiều người cho rằng, nhựa PC không an toàn vì có chứa BPA. Tuy nhiên, vào năm 2014, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xác nhận rằng BPA với giới hạn tiếp xúc 50 µg/kg hàng ngày là an toàn. Vì vậy, khi mua các loại vật dụng làm bằng nhựa PC, bạn cần xem nó có chưa BPA không, giới hạn là bao nhiêu. Tốt nhất bạn nên mua sản phẩm có ghi “BPA Free” (không chứa BPA) hoặc có giấy chứng nhận từ Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
  • Nhựa Tritran: Loại nhựa này an toàn cho sức khỏe, trong suốt như thủy tinh, khó vỡ, thường được sử dụng để sản xuất bình đựng nước, hộp đựng thực phẩm.

Nhựa số 7

Tên và ký hiệu các loại nhựa an toàn

2.

Loại nhựa nào an toàn? Nhựa nào tốt nhất? Với những thông tin phía trên, chúng ta có thể dễ dàng biết được tên các loại nhựa an toàn gồm có: Nhựa số 1, nhựa số 2, nhựa số 4, nhựa số 5, nhựa số 7 Tritran. Nhựa số 7 PC cần xem xét hàm lượng BPA mới có thể xác định là an toàn hay không. Nhựa số 3 và nhựa số 6 dễ sinh ra chất độc hại, nhất là khi tiếp xúc với nhiệt độ cao nên cần hạn chế sử dụng.

Các loại nhựa đều có ký hiệu tương tự nhau: Một hình tam giác với các cạnh là mũi tên, bên trong là con số đại diện cho loại nhựa, phía dưới hình tam giác có thể đính kèm tên nhựa (ví dụ PP, PS) hoặc không có. Ký hiệu nhựa an toàn là các ký hiệu hình tam giác có số 1, số 2, số 4, số 5… bên trong.

Tuy nhiên, dù là loại nhựa nào đi chăng nữa, khi mua, bạn cần quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của chúng. Ngoài ra, chúng ta cũng nên hạn chế dùng đồ nhựa để đựng thức ăn, đồ uống nóng và hết sức cẩn thận khi có ý định tái sử dụng một loại nhựa nào đó. Việc sử dụng một vật dụng bằng nhựa trong thời gian dài cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại. Vì vậy, bạn nên thay mới độ nhựa định kỳ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Các loại nhựa an toàn là nhựa số 1, số 2, số 4, số 5

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi đã giúp bạn biết nhựa số mấy an toàn và ký hiệu các loại nhựa an toàn. Đừng quên ghé thăm chuyên mục Kinh nghiệm hay trên để được chia sẻ thêm nhiều thông tin thú vị khác nhé. Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi!