Startup là gì? Startup kỳ lân là gì? Các startup thành công trên thế giới

  • 1

Startup là một thuật ngữ mà hiện nay chúng ta được nghe thấy rất nhiều trong cuộc sống, vậy startup là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Startup là gì? Startup kỳ lân là gì?

Startup là gì?

Startup (hay khởi nghiệp) là một thuật ngữ dùng để chỉ những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung (startup company), nó thường được dùng với nghĩa hẹp chỉ các công ty công nghệ trong giai đoạn lập nghiệp. Những dự án startup thường được bắt đầu bởi 1 - 3 người sáng lập, những người tập trung vào việc tận dụng nhu cầu thị trường bằng cách phát triển một số sản phẩm, dịch vụ hoặc một công nghệ nào đó mới, khác biệt so với những thứ thị trường đã có.

Nhiều người thường cho rằng khởi nghiệp và startup là một. Tuy nhiên, về bản chất, startup có thể là khởi nghiệp nhưng khởi nghiệp lại không chắc là startup. Đặc điểm nổi bật và tạo nên sự khác biệt của một startup so với khởi nghiệp nằm ở hai điều là tính đột phá và sự tăng trưởng:

  • Tính đột phá: Tính đột phá của một startup là nó phải tạo ra một sản phẩm mà thị trường chưa có hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn. Ví dụ như một công ty startup có thể tạo ra một phân khúc mới trong sản xuất (như thiết bị thông minh đo lường sức khoẻ cá nhân), một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới (như AirBnb), hoặc một loại công nghệ độc đáo, chưa hề thấy (như công nghệ in 3D).
  • Tăng trưởng: Một công ty khởi nghiệp (startup) sẽ không đặt ra giới hạn cho sự tăng trưởng và họ có tham vọng phát triển đến mức cao nhất có thể. Nếu một startup thành công sẽ tạo ra những ảnh hưởng cực lớn, có thể được xem như người khai phá thị trường (như điện thoại thông minh Apple là công ty đầu tiên khai phá và luôn dẫn đầu trong mảng đó sau này).

Startup là gì?

Startup kỳ lân là gì?

Startup kỳ lân (tiếng Anh: unicorn startup) là thuật ngữ chỉ những startup được định giá trên 1 tỷ đô la. Kỳ lân được biết đến là một loài vật tưởng tượng, cực kỳ hiếm có, tương tự như vậy, các startup kỳ lân cũng vô cùng hiếm có. Theo thống kê, số lượng startup đạt được mức định giá 1 tỷ đô trong 10 năm cũng chỉ chiếm 0,07% trên tổng số các công ty khởi nghiệp.

Thuật ngữ "startup kỳ lân" được sử dụng lần đầu tiên bởi Aileen Lee (nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Cowboy Venture) trong một bài viết đăng trên TechCrunch vào năm 2013. Tại thời điểm đó, Aileen chỉ tìm ra được 39 công ty startup đáp ứng được các tiêu chí để trở thành một startup kỳ lân.

>> Xem thêm: Human Resources là gì? Human Resource Management HRM là gì?

Các startup thành công trên thế giới

Uber

Một trong những startup thành công nhất trên thế giới và đã làm thay đổi thói quen di chuyển của mọi người đó chính là Uber. Uber là một dịch vụ công nghệ chuyên cung cấp dịch vụ xe taxi, đi chung xe thông qua kết nối giữa người dùng và tài xế. Chính thức ra mắt ứng dụng trên smartphone tháng 6/2009, sau 10 năm, Uber đã trị giá tới 51 tỷ USD, với tổng giá trị các vòng gọi vốn là 7,4 tỷ USD. Với xuất phát điểm chỉ cung cấp các loại xe sang trọng, từ năm 2012 họ mở rộng dịch vụ ra quốc tế, đồng thời cho phép hoạt động rất nhiều loại xe. Do chi phí thấp hơn, giá cước của Uber cũng rẻ hơn nhiều so với taxi truyền thống.

Uber được coi là một trong số những startup thành công nhất thế giới

Airbnb

Airbnb được thành lập vào năm 2008, mang đến một mạng lưới dịch vụ lưu trú tại nhà riêng của người dân địa phương với hình thức tương tự như Uber, tạo ra một cộng đồng kết nối người có nhu cầu cho thuê trọ và người đi thuê. Loại hình này giúp người dùng không chỉ tiết kiệm chi phí lưu trú trong các chuyến đi mà còn nâng cao trải nghiệm văn hóa địa phương. Sau thời gian đầu phát triển chậm chạp, đến năm 2011 công ty đã kêu gọi được gần 120 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, bắt đầu mở nhiều chi nhánh quốc tế tại các thành phố lớn trên thế giới. Đến nay, giá trị vốn của Airbnb đã lên đến hơn 2,3 tỷ USD với sự hiện diện tại hơn 34.000 thành phố, ở 190 quốc gia khác nhau.

Airbnb cũng là một startup kỳ lân nổi tiếng một thời

Instagram

Instagram hiện là một trong những ứng dụng chia sẻ hình ảnh có nhiều người sử dụng nhất trên toàn cầu. Sau khi phiên bản cho Android được phát hành, Instagram đã lập kỷ lục download và xây dựng được một cộng đồng lớn với hơn 50 triệu người dùng trung thành. Là một startup không hề có ngân sách cho quảng cáo, chỉ với cộng đồng người dùng của mình, Instagram đã thành công thu được sức hút từ những người dùng tiềm năng khác và cuối cùng, startup này được Facebook mua lại với giá 1 tỷ USD.

Instagram đã trở thành một ứng dụng có hàng chục triệu người dùng chỉ với cộng đồng riêng của mình

Pinterest

Tương tự Instagram, Pinterest cũng là một kênh chia sẻ hình ảnh với nhiều nội dung phong phú. Tuy nhiên, điều làm startup này trở nên đặc biệt là Pinterest tạo ra những bảng tin hình ảnh và chia sẻ chúng một cách nhanh chóng và dễ dàng bằng những từ khóa khác nhau. Nhờ sự đơn giản và dễ sử dụng, Pinterest đã trở thành mạng xã hội lớn thứ 3 trên thế giới chỉ trong một thời gian ngắn.

Pinterest được coi là bài học cho việc startup từ những điều đơn giản nhất

Xiaomi

Xiaomi là một trong những startup công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, chuyên thiết kế, sản xuất và bán điện thoại thông minh, máy tính bảng cùng các ứng dụng trên thiết bị di động. Từ sau sản phẩm đầu tiên ra mắt năm 2011, Xiaomi đã có những bước phát triển thần tốc và nhanh chóng vượt ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc để trở nên nổi tiếng hơn tại các thị trường như Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Brazil… Hiện tại, Xiaomi có hơn 8000 nhân viên, là hãng sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới và được định giá lên đến 46 tỷ USD.

Xiaomi là biểu tượng của startup Trung Quốc

Những phẩm chất cần có của startup

Những phẩm chất cần có của một startup

Để trở thành một startup thành công, có tâm và có tầm, bạn không chỉ cần giỏi về chuyên môn mà còn cần trau dồi nhiều phẩm chất khác như:

  • Kiên định: Startup là một con đường đầy gian nan và bạn sẽ luôn phải đối mặt với hàng loạt rủi ro, thậm chí là không ít lần thất bại. Tuy nhiên, để đạt được thành công thì bạn cần kiên định, vững vàng theo đuổi con đường mình đã chọn. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc bạn lặp lại những sai lầm cũ dẫn đến thất bại, hãy biết cách nhìn nhận thiếu sót của mình để thay đổi, trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn.
  • Giao tiếp và hợp tác: Đây chính là chìa khóa để mở ra những cơ hội mới cho bạn. Giao tiếp tốt giúp bạn dễ dàng thuyết phục các nhà đầu tư, hợp tác thuận lợi cũng như biết nắm bắt tâm lý của đối tác trong những thời điểm nhạy cảm giúp startup của bạn không chỉ thu hút mà còn giữ chân được đối tác.
  • Đam mê: Muốn khởi nghiệp thành công, chắc chắn bạn không thể thiếu đi niềm đam mê với công việc của mình. Chỉ có đam mê mới có thể khiến bạn vượt qua những khó khăn, trở ngại trong quá trình đưa ý tưởng thành hiện thực.
  • Kỷ luật: Bất kỳ người nào muốn thành công thì đều phải xây dựng kỷ luật cho chính mình. Kỷ luật không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà còn thúc đẩy khả năng làm việc của bạn, giúp mọi thứ đi vào khuôn khổ, nề nếp từ đó tiến đến thành công nhanh hơn.
  • Ham học hỏi: Để trở thành một startup thành công thì bạn luôn cần giỏi về chuyên môn. Tuy nhiên, trên con đường khởi nghiệp chông gai, bạn không chỉ sử dụng mỗi kiến thức, kỹ năng của bản thân mà cần phải lấy học tập làm phương thức sống, học tập không ngừng nghỉ, nhận lời tư vấn từ những người tài giỏi khác để có thể trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức cho mình.
  • Linh hoạt: Thị trường kinh doanh luôn chứa đầy rủi ro và biến động, là một người lãnh đạo, bạn cần phải đủ linh hoạt để có thể đưa ra những quyết sách, định hướng phù hợp với sự phát triển của thị trường cũng như của công ty trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.
  • Thỏa hiệp: Để có thể phát triển và thành công, chúng ta luôn phải chuẩn bị tâm lý cho sự thất bại và thỏa hiệp với những rủi ro, dành nhiều thời gian vào công việc, không bao giờ sợ thất bại. 

Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về startup cũng như hiểu rõ mình cần chuẩn bị những gì để có thể trở thành một startup. Để tham khảo thêm nhiều thông tin thú vị khác, hãy thường xuyên truy cập nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!

>> Tham khảo thêm:

  • 335 lượt xem
👨 Hoàng Thị Thuận Cúc Cập nhật: 28/03/2024