Kinh nghiệm cho những giáo viên ngày đầu đứng lớp

Cập nhật: 22/08/2023 Sưu tầm
Giáo viên nên làm gì vào buổi học đầu tiên

Kinh nghiệm cho những giáo viên ngày đầu đứng lớp? Giáo viên nên làm gì vào buổi học đầu tiên? ... là những câu hỏi thường gặp của đa số các giáo viên mới ra trường đều rất bỡ ngỡ với môi trường mới.

Họ lo sợ đủ thứ nào là việc dạy dỗ có tốt không, học sinh có ngoan không, rồi đồng nghiệp có dễ gần không, BGH có khó không… VnAsk.com mời các bạn tham khảo bài viết về mẹo dạy học hay này để có tâm lý tự tin nhất trước thềm năm học mới.

Trước tiên khi mới về ngôi trường mới các bạn phải chú ý đến cách ăn mặc và giao tiếp của mình. Đó là những điều sẽ để lại ấn tượng cho những người tiếp xúc với bạn lần đầu tiên. Cách ăn mặc phải sao cho trang nhã, lịch sự, kín đáo phù hợp với môi trường mà bạn đang ở. Là trên lớp hay trong buổi họp đầu năm hay trong phòng gặp gỡ với BGH. Điều đó sẽ nói lên phần nào tính cách của bạn và sự tôn trọng của bạn với mọi người xung quanh. Và tất nhiên bạn cũng sẽ lấy được cảm tình của học sinh ngay trong buổi đầu bước lên bục giảng. Cùng với cách ăn mặc thì lời nói cũng rất quan trọng. Niềm nở chào hỏi những đồng nghiệp mà bạn gặp. cố gắng sử dụng ngôn từ chuẩn, không dùng từ địa phương. Khi giảng bài nên nói chậm, to và rõ ràng.

Bạn cần hỏi BGH về những nội quy, quy định của nhà trường, về yêu cầu hồ sơ, giáo án, sổ sách và cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể. Sẵn sàng giúp BGH những công việc đòi hỏi sức trẻ để cho thấy bạn là một giáo viên năng động, nhiệt tình, như việc quản học sinh trong các buổi sinh hoạt tập thể, phối hợp với đoàn trường kiểm tra nề nếp tác phong học sinh…

Đối với đồng nghiệp bạn nên khiêm tốn để học hỏi, nhất là những giáo viên lớn tuổi. Gần gủi hơn với các thầy cô trong tổ chuyên môn của mình. Nếu có điều kiện có thể mời cả tổ đi uống nước gọi là ra mắt. Khi ngồi nói chuyện tâm tình sẽ kéo mọi người đến gần nhau hơn bạn sẽ dễ dàng nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết.

Đối với học sinh hãy gần gũi các em hơn, quan tâm đến hoàn cảnh của các em, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn. Nếu bạn được giao làm công tác chủ nhiệm thì việc này cần đặc biệt chú ý. Bạn phải cho các em thấy được sự tâm huyết với nghề của mình, làm cho các em tin tưởng, như vậy các em sẽ ngoan hơn biết nghe lời bạn hơn. Điều quan trọng nữa là bạn phải chuẩn bị bài cho tốt, tìm cách để truyền thụ kiến thức sao cho các em dễ hiểu nhất, tạo không khí thoải mái để các em không cảm thấy giờ học quá gò bó, ngột ngạt.

Đối với phụ huynh cần thường xuyên liên lạc để trao đổi tình hình học tập và đạo đức của các em, kịp thời uốn nắn những em cá biệt. Khi giao tiếp với phụ huynh không nên quá xuồng xã, mặc dù là giáo viên trẻ cũng không nên quá cả nể mà xưng “cháu” nên xưng “tôi/cô, các anh/chị, các con” để thể hiện được vị trí của mình.

I. Tiến trình một giờ đứng lớp thường có ba bước

1.

1- Chuẩn bị

1.1 Trau dồi kiến thức: Việc trau dồi kiến thức phải là công việc hàng ngày, thường xuyên.

1.2 Trang bị tư liệu: Tìm đọc những tài liệu, tư liệu tương đồng có trong những sách vở cùng đề cập một đề tài, hoặc những điểm tương ứng với đề tài mà mình đang khảo sát. Cũng cần lưu ý là khi tham khảo để tìm kiếm tư liệu, chỉ nên sử dụng những sách vở, tài liệu, báo chí … đã được nhà nước ban hành.

1.3. Soạn giáo án: Dù tự tin đến đâu, cũng không ai lên lớp lại không soạn bài (ít ra là một dàn bài chi tiết). Đó cũng chính là sự tự trọng – kể cả sự tôn trọng học sinh – rất cần thiết cho một giáo viên.

2- Đứng lớp

- Cử chỉ đi đứng: Cử chỉ hoà nhã, đi đứng khoan thai; không hấp tấp vội vàng, cũng không e dè khúm núm, lại càng không nên huênh hoang „ra vẻ ta đây‟, oai vệ hách dịch; đó là lời khuyên chân tình dành cho giáo viên.

- Thái độ ứng xử

- Thảo luận, biện giải, giải đáp thắc mắc: Trong tiết học, giáo viên có thể sử dụng nhiều phương cách truyền đạt, phương pháp lý luận (quảng diễn, vòng đồng tâm, vấn đáp, diễn dịch, quy nạp, tương đồng, tương phản …). Tuy nhiên, vẫn rất cần có một khoảng thời gian dành cho thảo luận, đóng góp ý kiến, nêu thắc mắc… Đây chính là dịp để giáo viên hiểu thêm về lớp học (biết người), rút kinh nghịêm cho bản thân (biết mình) (“biết người, biết mình, trăm trận trăm thắng” – Tôn Võ Tử).

3- Rút kinh nghiệm

a. Tự rút kinh nghiệm:

Mỗi giáo viên nên có một cuốn “nhật ký giảng dạy”, trong đó ghi chép tất cả những gì có liên quan đến quá trình đứng lớp của mình. Sau những giờ đứng lớp của bản thân, sau những giờ dự giờ một lớp học của bạn bè, thậm chí cả sau những giờ ngồi lớp với tư cách một học viên..., sẽ ghi lại tất cả những nhận xét của mình về giờ học tập đó. Đây chính là dịp “nhìn lại mình”, rút ra những bài học kinh nghiệm để nâng cao tay nghề, nên phải hết sức khách quan, tránh những thiên kiến, mặc cảm (tự tôn, tự ti).

b. Rút kinh nghiệm qua người học:

Sau mỗi tiết học, có thể dành ít phút trực tiếp phỏng vấn chớp nhoáng học sinh về những nhận xét của họ trong giờ học (nếu không đủ giờ, nên trao đổi với học sinh trong 10 – 15 phút giải lao) hoặc sau mỗi khoá học.

Đây là phần hết sức tế nhị, vì ngoài xã hội cũng đề ra đường lối “trò đánh giá thầy” đã gây thật nhiều tranh cãi. Giáo viên phải hết sức khéo léo, đồng thời cũng phải có tinh thần cầu thị, hết sức mềm mỏng, khiêm nhu tự hạ đón nhận những ý kiến xây dựng. Đừng để giờ góp ý trở thành giờ đấu đá hạ bệ nhau, cũng không biến thành giờ tâng bốc nịnh hót nhau.

c. Rút kinh nghiệm qua đồng nghiệp:

Có thể dự giờ chuyên môn, thao giảng, hội thi giáo viên dạy giỏi…

Nhóm Cộng đồng giáo viên là nơi giáo viên có thể giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, soạn bài. Tại đây có các Tài liệu miễn phí liên quan đến giáo dục, các thầy cô dễ dàng tải về và sử dụng.

II. 22 lời khuyên hữu ích với giáo viên lần đầu đứng lớp

2.

1. Bước chậm thôi và nhớ lắng nghe mọi thứ.

2. Học sinh giống như hạt giống. Hãy mang đến cho chúng nước và không khí.

3. Là chính mình.

4. Làm quen với học sinh của mình.

5. Hãy dành thời gian để khám phá bên trong con người mình. Hãy để trái tim mình dẫn đường.

6. Đọc cuốn “Timeless Learning”.

7. Hãy hít thở sâu và lắng nghe cơ thể mình.

8. Đừng quên mỉm cười.

9. Vui chơi.

10. Tham gia một khóa tâm lý học.

11. Hãy chắc chắn bạn và học sinh có không gian để thở.

12. Suy nghĩ về những điều quan trọng nhất bạn học được trong cuộc sống và chia sẻ chúng.

13. Sống với hiện tại cho dù là một ngày tồi tệ. Ngày mai, học sinh của bạn sẽ xuất hiện và nhìn vào bạn.

14. Hãy dành thời gian để lắng nghe, xem và đánh giá tất cả học sinh - chúng là những giáo viên tốt nhất của bạn.

15. Ngay lúc này, hãy dạy với tính xác thực, không phải để chuẩn bị cho những điều gì khác.

16. Chương trình giảng dạy chính thức có thể đợi. Hãy dành thời gian để xây dựng và duy trì một lớp học đầy yêu thương và an toàn (hơn).

17. Hãy tốt với chính mình.

18. Đừng sợ hãi.

19. Đừng làm quá mức mình.

20. Bạn sẽ có những sai lầm. Điều này bình thường. Hãy khiêm tốn và nói xin lỗi!

21. Hãy vui vẻ.

22. Khi thất bại, hãy chia sẻ.

III. Tuyệt chiêu giúp giáo viên chinh phục học sinh

3.

Chú ý tác phong

Học trò nào cũng thích thầy cô ăn mặc đẹp, lịch sự, kín đáo, trẻ trung.

Tác phong đi lại của thầy cô cũng là một hình ảnh trực quan của học sinh. Với các cô giáo, sự duyên dáng, nhẹ nhàng, trong từng bước đi, thế đứng cũng tác động không nhỏ đến tâm lí học sinh.

Lời nói là phương tiện giao tiếp trực tiếp hàng ngày của thầy trò. Nên chúng ta cũng thận trọng hơn khi giao tiếp với học sinh “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Giáo viên tránh xúc phạm hay miệt thị hoc sinh, tránh thứ ngôn ngữ “chợ búa”, hay nói tục tĩu làm các em tổn thương, hoặc không nể phục. Nếu trong lúc nóng nảy, giáo viên có nặng lời với các em thì đừng ngại nói lời xin lỗi.

Song cần thấy rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng đem ngôn ngữ mĩ lệ, hào nhoáng, lãng mạn ra giao tiếp với các em. Lúc ấy, chúng ta cũng giống như đang diễn kịch. Vậy là từng lời nói của người thầy, người cô cần rõ ràng, mạch lạc, thân thiện, gần gũi. Tránh nói ngọng, nói nhịu, nói sai.

Hành động của giáo viên là những việc làm diễn ra trước mắt học sinh. Giáo viên phải tế nhị, kín đáo, ý tứ. Có những tình huống giáo viên xếch quần, kéo áo, mặc áo ngắn, váy ngắn, nghe điện thoại nói oang oang, ném phấn vào học sinh… đều là những hành động thiếu tế nhị không nên làm trước mặt các em.

Nét mặt của giáo viên biểu lộ trực tiếp thái độ với các em học sinh. Cô giáo có khuôn mặt đẹp, dịu hiền là điều tuyệt vời, nhất là giáo viên dạy văn có khuôn mặt đẹp sẽ tạo ấn với học sinh rất nhiều.

Phẩm chất, nhân cách

Đây là yếu tố vô cùng quan trọng giúp chúng ta tự tin để dạy học trò. Tôi biết không ai là người hoàn hảo, nhưng những gì thuộc về đạo đức, nhân cách một nhà giáo chúng ta phải gìn giữ, phải hoàn thiện.

Nếu chúng ta dạy các em phải biết tha thứ mà bản thân chúng ta lại không biết tha thứ cho ai, dạy các em phải biết cảm thông mà bản thân chúng ta lại hay miệt thị người khác, dạy các em phải biết bỏ đi thói ghen tị mà chúng ta lại ghen tị hẹp hòi, hoặc nói với các em là phải biết đối xử công bằng mà bản thân chúng ta đối xử với các em không công bằng… thì chúng ta không thể thuyết phục được học sinh.

Nhân cách, phẩm chất không phải là cái gì cao siêu mà là thái độ sống, hành động, cách ứng xử hàng ngày của thầy cô ở trường, ở nhà, trong tập thể, hay trong đời sống cá nhân của mỗi người.

Tổ chức trò chơi công nhận đặc điểm tốt của học sinh:

Thông qua các bài dạy, giáo viên nên nghiên cứu lồng vào những trò chơi nhỏ. Những trò chơi này vừa giúp củng cố nội dung bài học và cũng thông qua quá trình tham gia trò chơi của học sinh, giáo viên phát hiện những điểm tốt của các em để tuyên dương, khen ngợi trước lớp.

Chẳng hạn, trong trò chơi môn Toán thì tìm ra bạn tính nhanh nhất, bạn tính cẩn thận nhất, …Hoặc trong môn Tiếng Việt thì khen bạn có giọng đọc truyền cảm nhất, bạn có vốn từ ngữ phong phú nhất…

Biện pháp này giúp học sinh tăng thêm lòng tự tin với bản thân và khuyến khích các em nhìn nhận những mặt tích cực của các bạn khác.

Trong lớp, giáo viên có thể tập hợp học sinh thành các nhóm theo năng khiếu hoặc sở thích như: hát, vẽ, thể thao... Ngoài nội dung chương trình giảng dạy, giáo viên có thể sử dụng những kỹ năng, vốn sống của bản thân để giúp các em phát huy sở trường của mình.

Có thể tổ chức các cuộc thi phạm vi nhỏ trong lớp để các thành viên trong nhóm thi với nhau. Có như thế các em sẽ thêm yêu quý thầy (cô) và sẽ yêu thích đến lớp, đến trường nhiều thêm.

Biết lắng nghe học sinh nói

Nếu chúng ta lắng nghe các em nói, các em sẽ cho ta biết các em thích gì, không thích gì, các em đã hiểu hay chưa hiểu điều chúng ta nói. Giáo viên phải vừa là cha, mẹ, anh, chị, là bạn tâm giao với học trò, khơi gợi và truyền lửa cho sự đam mê và sáng tạo của học trò, đó mới là thành công của người thầy.

Giáo viên phải biết giữ chữ “tín” với học sinh. Nếu thầy cô không giữ chữ “tín” thì không thể có được niềm tin, ấn tượng đẹp trong lòng các em.

Khiếu hài hước, khiếu văn nghệ

Đây là “phương tiện” giúp giáo viên hoà đồng, gần gũi với học sinh hơn, vừa giúp cho giờ dạy văn bớt căng thẳng, tạo được không khí lớp học thoải mái hơn. Những giáo viên có khiếu hài hước bao giờ cũng tạo được thiện cảm và để lại ấn tượng đối với học sinh, được học sinh yêu mến.

Hoặc giáo viên dạy văn có khiếu văn nghệ như: Hát, ngâm thơ, kể chuyện...là một ưu thế lớn. Bởi vì: Có nhiều bài thơ trong chương trình THPT được phổ nhạc thành bài hát, học sinh thấy thú vị bao nhiêu khi học ca dao mà được nghe thầy cô giáo hát quan họ, học những tác phẩm thơ ca hiện đại được nghe cô giáo hát thành lời.

Hiểu biết tinh tế, nhạy bén về đời sống xã hội

Học sinh cầu toàn ở giáo viên, luôn nghĩ thầy cô là những người có hiểu biết sâu rộng, các em đặt niềm tin rất lớn ở thầy cô. Nên ngoài chuyên môn, nếu giáo viên có hiểu biết sâu rộng kiến thức ở nhưng lĩnh vực khác là rất tốt.

Ví dụ: Thời trang, sinh lí nam nữ, sức khoẻ, làm đẹp, hoặc những thông tin cập nhập về giới trẻ, vấn đề tệ nạn xã hội, nghề nghiệp, giải trí, facebook… có cập nhật được những điều mới mẻ xung quanh cuộc sống, phải đặt mình vào cương vị của các em thì mới “đi” đến được những “góc khuất” của tâm hồn để khơi dạy tình yêu và đam mê ở các em.

------------------------------------

Trên đây VnAsk đã tổng hợp các Kinh nghiệm cho những giáo viên ngày đầu đứng lớp dành cho các thầy cô mới ra trường đi dạy hoặc để chuẩn bị cho năm học mới vào ngày đầu tiên của năm học.

Các thầy cô tham khảo các quyền lợi, các chính sách về lương, giảng dạy của nhà giáo, mẹo dạy học hay tham khảo chuyên mục: Dành cho giáo viên. Các kì thi giáo viên giỏi, thi viên chức, công chức được VnAsk cập nhật và đăng tải thường xuyên.

Các tài liệu giúp giáo viên dạy học hay, hiệu quả: