Giao thừa là gì? Giao thừa tiếng Anh là gì?

  • 1

Giao thừa là một thời khắc quan trọng trong năm mà ai cũng mong chờ. Tuy nhiên, Giao thừa là gì thì không phải ai cũng biết. Vậy Giao thừa là gì? Giao thừa tiếng Anh là gì? Giao thừa năm nay là ngày nào? Nếu bạn chưa biết thì hãy để VnAsk giải đáp giúp bạn nhé!

Giao thừa là gì? Giao thừa tiếng Anh là gì?

Giao thừa là gì? Giao thừa tiếng Anh là gì?

Giao thừa là thời điểm chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới. Đây là một trong những buổi lễ quan trọng trong tập quán, văn hóa nhiều dân tộc. Theo "Hán Việt từ điển giản yếu" của Ðào Duy Anh, "Giao thừa" (chữ Hán: 交承) có nghĩa là "Cũ giao lại, mới tiếp lấy - Lúc năm cũ qua, năm mới đến". Giao thừa trong tiếng Anh là "New Year's Eve'', có nghĩa là "đêm trước năm mới".

>>> Xem ngay:

Ý nghĩa đêm Giao thừa

Giao thừa là thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới nên nó có ý nghĩa với rất nhiều nền văn hóa. Vào dịp này, nhiều quốc gia phương Tây và phương Đông thường tổ chức các lễ bắn pháo hoa hoặc các lễ hội khác để chấm dứt năm cũ (tất niên) và đón mừng năm mới. Trong Dương lịch, Giao thừa là vào đúng thời điểm 0 giờ 0 phút ngày 1 tháng 1. Đối với Âm lịch, Giao thừa là phút giây thiêng liêng lúc đêm 30 Tết (hoặc 29 Tết).

Đón giao thừa tiếng Anh là gì? Giao thừa có ý nghĩa gì?

Lễ Giao thừa Âm lịch hay còn gọi là lễ trừ tịch, được thực hiện vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ mới. Lễ thường được tiến hành vào giờ Chính Tý, tức đúng 12h đêm hôm 30 tháng Chạp (hoặc 29 tháng Chạp). Theo quan niệm dân gian tại thời khắc Giao thừa thì lễ thường được cử hành cả ở trong nhà và ngoài trời.

Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ Giao thừa còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Đây là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành, may mắn sẽ đến và tiễn trừ năm cũ với những điều không may đã qua.

Ý nghĩ đêm Giao thừa Âm lịch là gì?

Đêm trừ tịch là đêm cuối năm rất tối trời, cho nên dân gian có câu “tối trời như đêm ba mươi”, nhưng nửa đêm về sáng lại là thời gian của ánh sáng. Bởi vậy, đêm trừ tịch được coi là khoảng thời gian của sự yên lặng, giũ bỏ những muộn phiền, là đêm của tĩnh lặng và thiêng liêng. Trong đêm Giao thừa, người Việt Nam thường sẽ thực hiện nhiều phong tục truyền thống như cúng Giao thừa, đi chùa hái lộc, chọn hướng xuất hành, xông nhà, mừng tuổi...

Xem thêm: Tuổi xông nhà năm Quý Mão 2023 hợp theo tuổi gia chủ

Giao thừa năm nay là ngày nào?

Trong văn hóa của người Việt Nam, trong dịp đầu năm chúng ta có hai cái Tết lớn là Tết Dương Lịch và Tết Âm Lịch. Tết Dương lịch theo lịch của phương Tây còn Tết Âm lịch tổ chức theo nông lịch (hay Âm lịch) của người phương Đông.

Khoảnh khắc Giao thừa của cả hai cái Tết này đều có nhiều hoạt động thú vị, được rất nhiều người chờ mong nên việc Giao thừa năm nay là ngày nào được rất nhiều người quan tâm để có thể sắp xếp thời gian ở bên gia đình, người thân, bạn bè, cùng nhau trải qua giờ khắc thiêng liêng này.

Đêm Giao thừa là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội lớn

Giao thừa Dương lịch là một thời điểm cố định, đó là khoảnh khắc 12 giờ đêm ngày 31 tháng 12 Dương lịch, ngày cuối cùng của năm cũ. Theo lịch phụng vụ Công giáo Rôma thì ngày 31 tháng 12 là lễ kính Giáo hoàng Sylvestrô (viết theo Latinh là Sylvester) mất vào ngày này năm 335, nên tại nhiều quốc gia phương Tây, ngày 31 tháng 12 hay Giao thừa còn gọi là ngày Thánh Sylvester hay Silvester.

Giao thừa Tết Âm lịch hay Tết Nguyên Đán của người Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung rơi vào 12 giờ đêm 30 tháng Chạp Âm lịch (một số năm không có ngày 30 thì đêm Giao thừa sẽ là vào ngày 29 tháng Chạp). Giao thừa Âm lịch chỉ có ngày Âm lịch cố định, không có ngày Dương lịch cố định mà ngày Dương lịch sẽ thay đổi tùy từng năm nhưng thường thì Giao thừa Âm lịch sẽ nằm trong khoảng nửa cuối tháng 1 đến nửa đầu tháng 2 Dương lịch

Vào dịp Tết Âm lịch 2024 năm nay, đêm Giao thừa vào ngày thứ Sáu, 09 tháng 02 năm 2024 và ngày mùng Một Âm lịch vào thứ Bảy, ngày 10 tháng 02 năm 2024 Dương lịch. Đây là khoảng thời gian thiêng liêng và ý nghĩa nhất, là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là lúc mọi người dành cho nhau những câu chúc Tết ý nghĩa và cầu mong 1 năm mới an khang thịnh vượng.

Lễ chùa là một truyền thống của người Việt Nam trong đêm Giao thừa

Những điều cần thực hiện trước đêm Giao thừa

Giao thừa là một khoảnh khắc thiêng liêng trong tín ngưỡng, trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Chính vì vậy, để có một đêm Giao thừa tươm tất, trọn vẹn thì người Việt thường phải chuẩn bị rất nhiều thứ vào trước đó.

Dọn dẹp nhà cửa

Trước giao thừa thường làm gì?

Một trong những điều mà các gia đình Việt Nam sẽ thực hiện trước đêm Giao thừa đó là dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Người xưa có câu "nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm", một không gian thoáng đãng, sạch sẽ không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ, tốt cho sức khỏe của mọi người trong gia đình mà còn là cách để chúng ta nghênh đón những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới.

Mua sắm cây cảnh, hoa tươi

Trước thời điểm Giao thừa, người Việt cũng thường thích đi các phiên chợ hoa Tết để mua sắm các loại cây cảnh, hoa tươi... về trang trí cho không gian gia đình thêm rực rỡ, sẵn sàng chào đón một mùa xuân mới.

Các loại cây cảnh thường được lựa chọn nhiều nhất trong dịp này thường là quất, đào, mai, các loại bonsai... Với các loại hoa, người Việt thường thích cắm đa dạng nhiều loại hoa khác nhau như hồng, thược dược, violet, mẫu đơn, cúc, tuyết mai, thanh liễu...

Sửa chữa đồ hỏng, vứt đồ cũ không dùng

Trong quá trình dọn dẹp nhà cửa trước Tết, người Việt cũng thường vứt bỏ các đồ vật hỏng, cũ, lâu không dùng, với những món đồ còn có thể khắc phục được thì sẽ sửa chữa để tiếp tục sử dụng. Người Việt Nam quan niệm, trong năm mới không nên giữ lại những đồ cũ, đồ hỏng trong nhà vì chúng đại diện cho những điều tiêu cực, không may. Tốt nhất là nên vứt đi để mua sắm các đồ đạc mới.

Thanh toán hết các khoản vay, nợ

Nên thanh toán hết nợ nần trước giao thừa

Để nợ từ năm này qua năm khác là một điều khá xui xẻo, theo nhiều người, trong năm mới mà vẫn còn tồn lại những khoản nợ cũ sẽ khiến gia chủ lâm vào cảnh thiếu thốn, nợ nần, không thu hút được tài lộc. Vì vậy, trước Giao thừa, hãy nhớ kiểm tra và thanh toán hết những khoản nợ còn tồn đọng nếu có thể nhé!

Tích trữ nước

Tích trữ nước trong nhà là một phong tục thường gặp vào dịp Giao thừa, cuối năm ở nhiều địa phương tại Việt Nam. Theo quan niệm xưa, vào năm mới, lu nước nào trong nhà cũng đầy thì gia chủ sẽ có một năm sung túc, tiền vào như nước. Vì vậy, trước đêm Giao thừa, mọi gia đình đều cố gắng đổ đầy các lu nước trong nhà mình.

Với các gia đình hiện đại ngày nay, khi trong nhà sử dụng chủ yếu là nước máy, không cần tích trữ nước như thời xưa, bạn có thể đổ đầy một thùng hoặc chậu nước để tượng trưng, cầu mong cho gia đình một năm mới thuận lợi, tiền tài đủ đầy.

Hạn chế xung đột, cãi cọ

Để có một năm mới an bình, hạnh phúc, trong dịp Tết nói chung và đặc biệt là đêm trước Giao thừa nói riêng, người Việt Nam thường hạn chế xung đột, cãi cọ không đáng có. Theo quan niệm của người xưa, xung đột, cãi cọ thường xảy ra do các "khí" xấu, tiêu cực xuất hiện, chúng không chỉ làm tình cảm gia đình rạn nứt mà còn xua đuổi những vận tốt, tài lộc, may mắn trong năm mới đi.

Phong tục truyền thống đêm Giao thừa tại Việt Nam

Ăn cơm tất niên

Bữa cơm tất niên tối giao thừa là một phong tục lâu đời của người Việt

Ăn bữa cơm tất niên vào buổi tối cuối cùng của năm cũ là một phong tục không thể bỏ qua trong dịp Tết của người Việt Nam. Bữa cơm tất niên không chỉ mang ý nghĩa là bữa cơm cuối cùng của năm cũ mà còn là dịp để mọi người trong gia đình quây quần, cùng nhau ôn lại những chuyện đã qua trong năm cũ, cùng nhau hướng đến một năm mới tốt đẹp hơn.

Cúng Giao thừa

Vào thời khắc Giao thừa, hầu hết các gia đình Việt Nam đều sẽ tổ chức một lễ cúng gọi là lễ cúng Giao thừa. Tùy phong tục của từng vùng miền và từng gia đình mà cách sắp xếp, bày trí đồ cúng, lễ vật cúng Giao thừa sẽ có sự khác biệt với nhau nhưng tựu chung đều mang ý nghĩa để tỏ lòng thành kính với thần linh, tổ tiên, cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc, suôn sẻ hơn năm cũ.

Lễ cúng Giao thừa thường diễn ra vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tức 0h ngày mùng 1 Tết. Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà lễ cúng có thể được thực hiện ngoài trời hoặc trong nhà.

Xem pháo hoa

Vào thời khắc giao thừa, người Việt Nam thường thích đi xem pháo hoa cùng gia đình

Xem pháo hoa từ lâu đã là một thói quen khó bỏ của người Việt trong dịp năm mới. Theo quan niệm của người xưa, tiếng pháo nổ ngày Tết còn có tác dụng xua đuổi tà ma, những điều không may, là tín hiệu nghênh đón tài lộc, may mắn vào dịp đầu năm.

Bên cạnh đó, được hòa mình vào dòng người đông đúc, cùng người thân ngắm nhìn những chùm pháo hoa nhiều màu sắc cũng sẽ giúp bạn có thêm nhiều kỷ niệm đẹp trong những ngày Tết cổ truyền này đấy.

Đi chùa

Sau khi cúng Giao thừa hoặc xem pháo hoa, nhiều gia đình Việt Nam cũng thường sẽ cùng nhau đi chùa để cầu thần linh phù hộ cho mọi người trong gia đình có một năm mới nhiều may mắn, bình an. Tuy đây không phải một phong tục bắt buộc vào đêm Giao thừa nhưng vẫn được rất nhiều gia đình coi trọng.

Hái lộc

Hái lộc cũng là một phong tục truyền thống vào đêm giao thừa

Theo như quan niệm dân gian xưa, sau khi lễ chùa đầu năm mọi người sẽ bẻ một cành lá trong vườn chùa gọi là hái lộc năm mới với ý nghĩa là mang lộc từ thần, Phật về nhà. Tuy nhiên hiện nay, thay vì hái trực tiếp từ vườn chùa, người đi lễ có thể góp công đức để xin các cành lộc được chuẩn bị sẵn. Cành lộc được hái sẽ được cắm trong bình trưng trong nhà hoặc trước bàn thờ gia tiên cho đến khi nào tàn khô.

Xông đất

Xông đất là một phong tục truyền thống đã có từ rất lâu đời. Vào thời khắc Giao thừa, người xông đất là người đầu tiên đến gia đình chúc Tết. Nếu người xông đất hợp mệnh, hợp tuổi với gia chủ thì sẽ giúp mang đến nhiều điều tốt lành, may mắn. Chính vì vậy mà hiện nay, nhiều người vẫn coi trọng việc này, thường sẽ nhờ những người thân thiết hợp mệnh, hợp tuổi với gia chủ trong năm để đến xông đất cho gia đình.

Mừng tuổi

Lì xì là một tập tục đem lại may mắn trong giao thừa

Mừng tuổi (hay lì xì) là một phong tục trong ngày Tết mà chắc chắn luôn được trẻ em rất yêu thích. Trong thời khắc Giao thừa, những người lớn trong gia đình sẽ mừng tuổi những người nhỏ tuổi hơn bằng những đồng tiền mới (có thể cho vào phong bảo đỏ) như một cách chia sẻ may mắn, tài lộc cho con cháu. Con cháu sẽ đáp lễ bằng những lời chúc thọ ông bà, bố mẹ, người thân...

Những điều kiêng kỵ không nên làm trong đêm Giao thừa

Vào đêm giao thừa không nên gây đổ vỡ lớn trong nhà

Trong đem Giao thừa có rất nhiều phong tục với ý nghĩa tốt đẹp, may mắn nhưng cũng có nhiều điều kiêng kỵ mà bạn cần lưu ý để tránh gặp phải vận xui trong năm mới, cụ thể như:

  • Tránh tạo ra những tiếng động lớn trong nhà, tránh làm rơi vỡ vật dụng và tránh cãi vã, la mắng, to tiếng.
  • Tránh soi gương lúc nửa đêm vì người xưa cho rằng soi gương ban đêm sẽ rất dễ nhìn thấy ma quỷ, khiến cả năm gặp nhiều điều không được may mắn.
  • Kiểm tra lại hệ thống chiếu sáng trong nhà, nếu có bóng đèn không sáng thì nên thay mới trước. Trong 3 ngày Tết, nên bật tất cả các đèn điện trong nhà cả ngày.

Như vậy, qua bài viết này, bạn đã biết được Giao thừa là gì, Giao thừa tiếng Anh là gì cũng như Giao thừa năm nay là ngày nào rồi phải không? Nếu thấy thông tin này hữu ích thì bạn hãy nhanh tay chia sẻ cho những người xung quanh nhé! Bạn cũng đừng quên thường xuyên truy cập để tham khảo thêm nhiều thông tin thú vị xoay quanh mùa Tết năm nay! Hẹn gặp lại trong những bài viết sau!

Tham khảo thêm

  • 7.803 lượt xem
👨 Hoàng Thị Thuận Cúc Cập nhật: 28/03/2024