Cách cúng sao giải hạn 2024: Bài văn khấn, bài vị, lễ vật, ngày giờ và địa điểm

Cập nhật: 28/03/2024

Cúng sao giải hạn là gì? Nguồn gốc lễ cúng sao giải hạn

1.

Trong những ngày đầu năm mới, theo phong tục của người Việt, bên cạnh việc đi chúc Tết, lễ chùa, thì dâng sao giải hạn cũng là một hoạt động quan trọng được nhiều người quan tâm. Vậy lễ cúng sao giải hạn là gì? Nguồn gốc của nó là từ đâu?

Cúng giải hạn là gì?

Theo quan niệm của một bộ phận người phương Đông, mỗi người sinh ra đều có một ngôi sao chiếu mệnh tùy theo năm. Có tất cả 24 ngôi sao quy tụ thành 9 chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Trong 9 ngôi sao này, có sao tốt đem lại tài lộc, may mắn những cũng có sao xấu đem lại những điều không may, ốm đau, bệnh tật, nặng nhất là “Nam La hầu, nữ Kế đô”. Và nhiều người tin rằng thực hiện các nghi lễ thờ cúng, cầu xin sự giúp đỡ, che chở của các thế lực tâm linh sẽ giúp người không may gặp sao xấu trong năm đó được tai qua nạn khỏi, và vì vậy nên lễ cúng sao giải hạn ra đời.

Theo Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (Q. Gò Vấp, TP. HCM), việc cúng sao giải hạn là tín ngưỡng dân gian chứ không có nguồn gốc trong văn hóa Phật giáo. Tập quán này vốn xuất phát từ Trung Quốc, còn cha ông ta từ xa xưa chỉ làm lễ cầu an, cầu phúc đầu năm cho tất cả thành viên trong gia đình. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo cũng đồng tình với quan điểm này bởi trong kinh văn, Đức Thế Tôn có khuyên và ngăn cấm các thầy tỳ kheo không xem bói, không cúng sao giải hạn như các đạo sĩ Bà La Môn.

Nguồn gốc lễ cúng dâng sao giải hạn

Sở dĩ phong tục cúng sao giải hạn (lễ cắt sao giải hạn) xuất hiện ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc là do ảnh hưởng của Phật giáo Bắc tông Trung Quốc. Trong quá trình thâm nhập vào Trung Quốc, Phật giáo đã tiếp biên với Đạo giáo mà sinh ra những nghi lễ như trống kèn, tang nhịp, múa, bắt ấn quyết, đội mão mang hia và cả cúng sao giải hạn. Bởi theo quan điểm của Đạo giáo, con người ta có thể qua tu luyện mà hóa giải được điều xấu, phát triển những tố chất tốt và dần hoàn thiện mình, đạt đến đắc đạo như thần tiên.

Mục đích của việc cúng sao giải hạn

2.

Để giảm nhẹ vận hạn, người xưa thường làm lễ cúng gọi là lễ cúng dâng sao giải hạn vào đầu năm hoặc hằng tháng tại chùa (nếu không có điều kiện có thể làm tại nhà ở) với mục đích cầu xin Thần Sao phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình đều được khoẻ mạnh, bình an, vạn sự tốt lành, giảm nhẹ tai ương, vượt qua năm hạn.

Lễ cúng sao giải hạn là một phong tục có từ lâu đời của người Việt nhằm giải trừ những điều không may, cầu cho một năm mới bình an

Hiệu quả của lễ cúng không được chứng thực nhưng ít nhất việc làm này cũng giúp những người rơi vào “năm hạn” yên lòng với tâm lý có thờ có thiêng có kiêng có lành, đã làm lễ giải ách nạn rồi nên mọi điều xấu sẽ qua khỏi. Còn nếu năm đó được sao tốt chiếu mệnh thì sẽ làm lễ dâng sao nghênh đón. Ở Việt Nam, nhiều chùa thường sẽ bắt đầu tổ chức đăng ký làm lễ giải hạn từ tháng 11 - 12 Âm lịch của năm trước cho người dân.

Nhìn chung, lễ cúng sao giải hạn không phải hoạt động tâm linh mang mục đích xấu. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, cuộc sống nhiều khó khăn và áp lực hơn, con người lại càng quan tâm hơn đến vấn đề tâm linh, đặc biệt là những rủi ro trong công việc, cuộc sống... hơn. Chính vì thế, lễ giải hạn đã không còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu của nó mà bị lạm dụng, tổ chức một cách bừa bãi, rườm rà, gây lãng phí tiền bạc và trở thành kẽ hở cho kẻ gian lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Không những thế, nhiều lễ cúng sao giải hạn còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự trị an bởi vào những ngày cúng lễ, mọi người đổ xô đến chùa rất đông, chen lấn nhau chỉ mong được tham dự lễ.

Có thể làm lễ cúng giải hạn đơn giản tại nhà để tránh lãng phí

Tuổi nào cần cúng sao giải hạn năm 2024?

3.

Dưới đây là bảng sao hạn nam nữ năm Giáp Thìn 2024. Trong đó các sao Thái Âm, Thái Dương, Mộc Đức là những sao tốt, sao Thổ Tú, Thủy Diệu, Vân Hớn là sao trung bình và sao Thái Bạch, La Hầu, Kế Đô là sao xấu.

Theo quan niệm dân gian thì khi gặp các sao tốt, mọi người cần cúng sao để cầu tài lộc, sức khỏe, bình an. Còn khi gặp các sao trung bình hoặc sao xấu thì cần cúng giải hạn để hạn chế những xui xẻo, những điều không may mắn trong năm. Dựa vào bảng bên dưới, bạn có thể nắm được tuổi nào gặp phải sao trung bình, sao xấu hoặc sao tốt, từ đó có kế hoạch cúng sao, cúng sao giải hạn trong năm 2024 này.

Tuổi nào cần cúng sao giải hạn năm 2024?

Bảng sao nam mạng 2024

Sao chiếu năm 2024Nam mạng sinh năm

Sao Kế Đô

1946, 1955, 1964, 1973, 1982, 1991, 2000, 2009

Sao Vân Hớn

1947, 1956, 1965, 1974, 1983, 1992, 2001, 2010,

Sao Thái Dương

1948, 1957, 1966, 1975, 1984, 1993, 2002, 2011

Sao Thái Bạch

1940, 1949, 1958, 1967, 1976, 1985, 1994, 2003, 2012

Sao Thủy Diệu

1941, 1950, 1959, 1968, 1977, 1986, 1995, 2004, 2013

Sao Thổ Tú

1951, 1960, 1969, 1978, 1987, 1996, 2005, 2014

Sao La Hầu

1943, 1952, 1961, 1970, 1979, 1988, 1997, 2006, 2015

Sao Mộc Đức

1944, 1953, 1962, 1971, 1980, 1989, 1998, 2007, 2016

Sao Thái Âm

1945, 1954, 1963, 1972, 1981, 1990, 1999, 2008, 2017

Tuổi nào cần cúng sao giải hạn năm 2024?

Bảng sao nữ mạng 2024

Sao chiếu năm 2024Năm sinh nữ mạng
Sao Thái Dương

2009, 2000, 1991, 1982, 1973, 1964, 1955

Sao La Hầu

2010, 2001, 1992, 1983, 1974, 1965, 1956, 1947

Sao Thổ Tú

2011, 2002, 1993, 1984, 1975, 1966, 1957, 1948

Sao Thái Âm

2012, 2003, 1994, 1985, 1976, 1967, 1958, 1949

Sao Mộc Đức

2013, 2004, 1995, 1986, 1977, 1968, 1959, 1950

Sao Vân Hớn

2014, 2005, 1996, 1987, 1978, 1960, 1951, 1942

Sao Kế Đô

2015, 2006, 1997, 1988, 1979, 1961, 1952, 1943

Sao Thủy Diệu

2016, 2007, 1998, 1989, 1980, 1971, 1962, 1953, 1944

Sao Thái Bạch

2017, 2008, 1999, 1990, 1981, 1972, 1963, 1954, 1945

Cách cúng sao giải hạn 2024 đúng nhất

4.

Thông thường, nghi thức cúng giải hạn thường được thực hiện tại các chùa được các thầy chùa lo liệu tươm tất mọi thủ tục, từ lễ vật, viết sớ đến hành lễ... Các gia đình chỉ việc viết tên tuổi từng thành viên trong gia đình rồi nộp một khoản tiền nhất định để nhà chùa sắm lễ và tiến hành các nghi lễ là xong, không phải dày công tìm hiểu chuẩn bị và thực hiện các nghi thức phức tạp.

Cách cúng sao giải hạn đầy đủ nhất

Tuy nhiên, trên thực tế thì việc cúng sao tại chùa hay tại nhà đều có ý nghĩa và tác dụng như nhau, bạn hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà, thậm chí, có thể lược bớt một số thủ tục cũng không sao, bởi việc cúng sao cũng như lễ Phật, quan trọng nhất là ở tâm thành. Bên cạnh đó, cúng sao giải hạn tại nhà đảm bảo tính riêng tư, tươm tất và đàng hoàng hơn cũng như tránh được việc phải chen chúc xô bồ khiến trong tâm không được an tịnh.

>>> Tham khảo thêm:

Nên thực hiện dâng sao giải hạn vào thời gian nào?

Nên thực hiện dâng sao giải hạn vào thời gian nào?

Nghi lễ cúng sao giải hạn thường được thực hiện vào năm mới Âm lịch, sau đó tiến hành hằng tháng vào từng ngày nhất định tùy theo sao nào chiếu mệnh. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế khá rườm rà, không phù hợp với nhịp sống bận rộn hiện nay nên các gia đình thường chỉ tiến hành cúng sao một lần vào đầu năm theo ngày tương ứng với sao chiếu mệnh của năm đó. Theo quan niệm dân gian thì 9 ngôi sao chiếu mệnh chỉ xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng, từ đó hình thành tục dâng sao giải hạn vào các ngày như sau:

  • Sao Thái Dương: Ngày 27 Âm lịch hằng tháng hoặc dịp đầu năm. Lễ vật cần sắm gồm 2 cây nến, hoa quả, trà nước, bánh trái và 3 cây nhang. Danh xưng vị Thần khi hành lễ là “Nhật Cung Thái Dương Thiên Tử Tinh Quân".
  • Sao Thái Âm: Ngày 26 Âm lịch hằng tháng hoặc cúng đầu năm mới. Lễ vật cần sắm gồm 7 cây nến, hoa quả, trà nước, bánh trái và 3 cây nhang. Danh xưng vị Thần khi hành lễ là “Nguyệt Cung Thái Âm Hoàng Hậu Tinh Quân”.
  • Sao Mộc Đức: Ngày 25 Âm lịch hằng tháng hoặc cúng 1 lần đầu năm mới. Lễ vật cần sắm gồm 20 cây nến, hoa quả, trà nước, bánh trái và 3 cây nhang. Danh xưng vị Thần khi hành lễ là “Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Tinh Quân”.
  • Sao Vân Hán: Ngày 29 Âm lịch hằng tháng hoặc cúng 1 lần dịp đầu năm mới. Lễ vật cần sắm gồm 15 cây nến, hoa quả, trà nước, bánh trái và 3 cây nhang. Danh xưng vị Thần khi hành lễ là “Nam Phương Bính Đinh Hỏa Đức Tinh Quân”.
  • Sao Thổ Tú: Ngày 19 Âm lịch hằng tháng hoặc cúng 1 lần dịp đầu năm mới. Lễ vật cần sắm gồm 5 cây nến, hoa quả, trà nước, bánh trái và 3 cây nhang. Danh xưng vị Thần khi hành lễ là “Trung Ương Mậu Kỷ Thổ Tú Tinh Quân”.
  • Sao Thái Bạch: Ngày 15 Âm lịch hằng tháng hoặc cúng 1 lần dịp đầu năm mới. Lễ vật cần sắm gồm 8 cây nến, hoa quả, trà nước, bánh trái và 3 cây nhang. Danh xưng vị Thần khi hành lễ là “Tây Phương Canh Tân Kim Đức Thái Bạch Tinh Quân”.
  • Sao Thuỷ Diệu: Ngày 21 Âm lịch hằng tháng hoặc cúng 1 lần dịp đầu năm mới. Lễ vật cần sắm gồm 7 đèn cây nến, hoa quả, trà nước, bánh trái và 3 cây nhang. Danh xưng vị Thần khi hành lễ là “Bắc Phương Nhâm Quý Thủy Đức Tinh Quân”.
  • Sao La Hầu: Ngày 8 Âm lịch hằng tháng hoặc cúng 1 lần dịp đầu năm mới. Lễ vật cần sắm gồm 9 ngọn đèn/nến, bài vị, mũ vàng, đinh tiền vàng, gạo, muối, trầu cau, nhang, trái cây, phẩm oản, chai nước. Danh xưng vị Thần khi hành lễ là "Thiên cung Thần thủ La Hầu Tinh Quân".
  • Sao Kế Đô: Ngày 18 Âm lịch hằng tháng hoặc cúng 1 lần dịp đầu năm mới. Lễ vật cần sắm gồm 9 cây nến, hoa quả, trà nước, bánh trái và 3 cây nhang. Danh xưng vị Thần khi hành lễ là “Thiên Cung Thần Thủ La Hầu Tinh Quân”.

Nhưng khi thực hiện cúng giải hạn cho cả gia đình, việc chọn ngày đúng sao chiếu mệnh là không thể bởi mỗi người thường sẽ có một sao chiếu mệnh riêng trong năm. Do đó, thông thường, khi cúng giải hạn cho gia đình, người ta chọn một ngày thuận tiện trong tháng Giêng là được.

Lễ cúng giải hạn đầu năm nên thực hiện vào dịp rằm tháng Giêng

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến địa điểm thực hiện nghi thức dâng sao giải hạn. Vì là cúng dâng sao nên tốt nhất là bạn thực hiện nghi lễ ở ngoài trời, có thể là ở ngoài sân trước nhà hoặc trên sân thượng. Với căn hộ chung cư thì bạn có thể thực hiện cúng ngoài ban công hoặc xuống sân chung, chỉ cần kê chiếc bàn hoặc ghế để đặt mâm lễ là được. Hoặc nếu không gian quá gò bó thì bạn có thể thực hiện ngay trong nhà cũng không sao bởi cúng sao giải hạn quan trọng nhất là lòng thành.

>>> Xem chi tiết: Cúng sao giải hạn trong nhà hay ngoài trời, cúng ở đâu cho đúng?

Lễ vật cúng sao giải hạn gồm những gì? Bố trí nến và viết bài vị cúng giải hạn như thế nào?

Cúng sao giải hạn không đặt nặng lễ vật nhưng những thứ cơ bản nhất bạn vẫn phải đảm bảo được, đó là:

  • Đèn hoặc nến (số lượng tùy theo từng sao).
  • Bài vị (màu của bài vị tùy theo từng sao), viết chính xác tên sao lên bài vị (cúng sao nào viết tên sao đó).
  • Mũ vàng.
  • Đinh tiền vàng (số lượng tùy ý, không cần quá nhiều).
  • Gạo, muối.
  • Trầu, cau.
  • Hương hoa, trái cây, phẩm oản.
  • Nước (1 chai).

Mỗi độ tuổi, giới tính sẽ có ngôi sao chiếu mệnh khác nhau. Tùy theo năm đó bạn được sao gì chiếu mà thời gian cúng, bàn lễ vật, hướng lạy, màu sắc bài vị, nội dung chữ ghi trên bài vị, số nến và sơ đồ cắm sẽ khác nhau, nội dung khấn cũng khác nhau. Cách bố trí nến (đèn cầy) và màu sắc bài vị trên bàn cúng theo sơ đồ từng sao như sau (màu sắc là của bài vị):

Sơ đồ cắm nến khi dâng sao giải hạn

Ngoài ra, nội dung trên bài vị cúng sao giải hạn của mỗi sao cũng sẽ có sự khác nhau, bạn có thể tham khảo cách viết bài vị dưới đây hoặc tìm đến thầy chùa, thầy cúng chuyên nghiệp để có bài vị chuẩn nhất. Bạn có thể tải mẫu bài vị cúng sao giải hạn và cách viết, cách chuẩn bị bài vị cho từng sao tại đây.

Mẫu bài vị cúng sao

Cách viết bài vị cúng giải hạn đầu năm

Tuy nhiên, nếu bạn cúng sao cho tất cả các thành viên trong gia đình, thì khi tiến hành ở nhà không nhất thiết phải bày bài vị, cắm hương hay nến theo sơ đồ của từng sao, chỉ cần sắm lễ và viết sớ cho từng người, hoặc sớ chung cho cả gia đình là được. Sớ bạn có thể thể ra chùa nhờ các sư thầy viết hoặc mua bản sớ mẫu thường bán ở cổng các chùa lớn rồi về điền tên tuổi của từng người trong gia đình vào.

Xem thêm: Cách viết sớ cúng dâng sao giải hạn chuẩn nhất

Bài văn khấn cúng sao giải hạn

Khi tiến hành cúng sao giải hạn, bạn dùng văn khấn chung, nhưng tùy theo tên sao trong năm của các thành viên trong gia đình mà ghi theo mẫu sau đây, đốt ba nén hương quỳ lạy rồi đọc.

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Nam mô Hiệu Thiên chí tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Thượng đế.

Con kính lạy Đức Trung Thiện tinh chúa Bắc cực Tử Vi Tràng Sinh Đại đế.

Con kính lạy Ngài Tả Nam Tào Lục Ty Duyên Thọ Tinh quân.

Con kính lạy Đức Hữu Bắc Đẩu cửu hàm Giải ách Tinh quân.

Con kính lạy (riêng phần này trong gia đình có người sao nào chiếu mệnh thì viết dòng khấn sao đó, còn các sao khác thì không viết):

  • Đức Nhật cung Thái Dương Thiên tử Tinh quân (nếu có người sao Thái Dương chiếu mệnh).
  • Đức Nguyệt cung Thái Âm Hoàng hậu Tinh quân (nếu có người sao Thái Âm chiếu mệnh).
  • Đức Đông phương Giáp Ất Mộc Đức Tinh quân (nếu có người sao Mộc Đức chiếu mệnh).
  • Đức Nam phương Bính Đinh Hỏa Đức Tinh quân (nếu có người sao Vân Hán chiếu mệnh).
  • Đức Trung ương Mậu Kỷ Thổ Đức Tinh quân (nếu có người sao Thổ Tú chiếu mệnh).
  • Đức Tây phương Canh Tân Kim đức Thái Bạch Tinh quân (nếu có người sao Thái Bạch chiếu mệnh).
  • Đức Bắc phương Nhâm Quý Thủy đức Tinh quân (nếu có người sao Thủy Diệu chiếu mệnh).
  • Đức Thiên cung Thần chủ La Hầu Tinh quân (nếu có người sao La Hầu chiếu mệnh).
  • Đức Địa cung Thần Vỹ Kế Đô Tinh quân (nếu có người sao Kế Đô chiếu mệnh).

Con kính lạy Đức Thượng Thanh Bản mệnh Nguyên Thần Chân quân.

Tín chủ (chúng) con là:.. tuổi...

Cùng các thành viên trong gia đình là (liệt kê họ tên, tuổi từng thành viên trong gia đình):...

Hôm nay là ngày... tháng... năm..., tín chủ con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, thiết lập linh án tại (địa chỉ)... để làm lễ giải hạn sao (phần này viết tên các sao chiếu mệnh các thành viên trong gia đình trong năm nay)... chiếu mệnh.

Cúi mong chư vị chấp kỳ lễ bạc phù hộ độ trì giải trừ vận hạn; ban phúc, lộc, thọ cho chúng con gặp mọi sự lành, tránh mọi sự dữ, gia nội bình yên, an khang thịnh vượng.

Tín chủ con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Phục duy cẩn cáo!

Sau khi hành lễ xong, bạn chờ cho hương cháy được hai phần ba thì hóa vàng, sớ và văn khấn luôn.

Những điều cần lưu ý khi cúng sao giải hạn

5.

Khi cúng sao giải hạn, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Bạn hoàn toàn có thể thực hiện cúng sao giải hạn tại nhà hoặc ở chùa bởi dù cúng ở đâu thì tác dụng vẫn giống nhau.
  • Khi cúng sao giải hạn, bạn nên thực hiện ở ngoài trời (ngoài sân hoặc sân thượng). Tuy nhiên nếu không gian quá chật hẹp, gò bó thì bạn cũng ở trong nhà cũng không sao nhưng khi cúng nên mở hết các cửa trong nhà ra.

Nhìn chung, cách cúng sao giải hạn tại nhà không quá khó hay rườm rà lắm thủ tục, quan trọng là bạn phải có lòng thành và phải biết được chính xác sao chiếu mạng của mình trong năm nay. Việc tổ chức cúng sao giải hạn nên đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh lãng phí, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến ý nghĩa ban đầu của nghi lễ này.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu thêm về nghi thức cúng sao giải hạn và biết cách chuẩn bị lễ cúng giải hạn cơ bản, đầy đủ nhất tại nhà. Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau của .

Nếu có nhu cầu mua đồ gia dụng, điện máy... chính hãng, chất lượng, bạn hãy tham khảo và đặt hàng tại website hoặc liên hệ với chúng tôi theo số hotline bên dưới để được hỗ trợ, tư vấn nhé. VnAsk cam kết Hàng chính hãng, Uy tín lâu năm, Dịch vụ Giao hàng & Bảo hành trên toàn quốc.

Đừng quên thường xuyên truy cập chuyên mục Tổng hợp của VnAsk để cập nhật nhiều thông tin hữu ích bạn nhé. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo.