Cách trang trí bàn thờ ngày Tết đơn giản, đẹp, thành kính
Thời điểm Tết cận kề cũng là lúc mà mỗi gia đình cần tiến hành lau dọn, trang trí lại bàn thờ để đón chào năm mới. Vậy bạn đã biết cách trang trí bàn thờ ngày Tết như thế nào cho đúng phong tục, đẹp và thành kính nhất chưa? Nếu chưa thì hãy tham khảo ngay phần chia sẻ dưới đây của nhé!
Ý nghĩa của việc bày bàn thờ Tết
Việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ và các vị thần linh là một trong những nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt. Và ban thờ là nơi để bạn thờ phụng tổ tiên, cúng bái ông bà, bố mẹ... Đồng thời, đây cũng là nơi linh thiêng được bài trí ở không gian trung tâm nhất của ngôi nhà để con cháu có thể quây quần như một cách để họp mặt, giao tiếp giữa cõi âm với cõi dương. Vì thế, dọn dẹp, trang trí ban thờ là việc làm vô cùng ý nghĩa, được nhiều người chú trọng, quan tâm, đặc biệt là mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Cách bày bàn thờ ngày Tết đúng phong tục
Việc bày bàn thờ ngày Tết đúng nguyên tắc sẽ giúp gia đình bạn có một cái Tết trọn vẹn hơn để bắt đầu một năm mới có nhiều hy vọng mới. Vậy nguyên tắc khi bài trí bàn thờ ngày Tết như thế nào?
- Tại bàn thờ gia tiên, bạn nên đặt bát hương ở vị trí trung tâm, hai bát hương nhỏ đặt ở 2 bên tạo tư thế tam tài. Hai bên góc ngoài của ban thờ đặt 2 cây đèn dầu hoặc nến đại diện cho nhật nguyệt.
- Lễ vật bày trên bàn thờ ngày Tết gồm trang phục, vàng mã, những chiếc ly nhỏ, ấm trà. Một đĩa lớn để bày mâm ngũ quả được đặt ở vị trí chính giữa bàn thờ, bên cạnh là lọ hoa tươi và một nậm rượu. Ngoài ra, bạn có thể bày thêm bánh kẹo cho đầy đủ và đẹp mắt.
- Nếu gia đình bạn có thờ thần linh thì phải tuân theo quan niệm Thanh Long - Bạch Hổ, tức là bên phải bài trí thấp hơn bên trái. Còn nếu bàn thờ có thờ gia tiên và thờ cả bà cô, ông mãnh thì khi sắp xếp cần lưu ý bài trí bàn thờ hai bên cần có sự cân đối.
Những điều cần lưu ý khi trang trí bàn thờ ngày Tết
Trước khi tìm hiểu cách trang trí bàn thờ ngày Tết, bạn cần nắm được những nguyên tắc, những điều cấm kỵ và lưu ý khi trang trí. Dưới đây là tổng hợp một số kiêng kỵ cũng như điều cần lưu tâm khi trang trí bàn thờ ngày Tết:
- Đầu tiên, việc lau dọn bàn thờ thường được thực hiện bởi người chủ gia đình. Họ chính là người đại diện cho gia đình lo vấn đề hương hỏa, thờ cúng gia tiên và Thần linh. Nếu phụ nữ là chủ gia đình thì cần kiêng những ngày "dâu", trước khi lau dọn bàn thờ cần phải rửa mặt, rửa chân tay thật sạch sẽ.
- Nên tiến hành trang trí bàn thờ sau ngày 23 tháng 12 Âm lịch tới trước ngày giao thừa để tránh mạo phạm tới Thần linh, gia tiên.
- Tối kỵ việc xê dịch bát hương sau khi lau dọn bởi có thể gây ra nhiều điều xui xẻo cho gia đình.
- Không nên sử dụng hoa giả để trang trí bàn thờ. Ở một số địa phương còn có tục kiêng trang trí bàn thờ bằng chuối tiêu, hoa ly, hoa dâm bụt.... Điều này bạn có thể tham khảo và tùy phong tục từng địa phương, vùng miền để thực hiện cho đúng.
- Trước khi trang trí cũng cần lau dọn bàn thờ sạch sẽ, các vật dụng như ấm chén, đĩa, lư hương, đèn thờ... cũng cần được lau chùi cẩn thận. Những vật trang trí đã cũ thì nên bỏ và thay thế bằng các vật dụng mới.
Cách trang trí bàn thờ ngày Tết đơn giản, đẹp, thành kính
Cách trang trí bàn thờ ông Địa ngày Tết
Ông Địa (hay còn gọi là Thổ Công) chính là vị quan có nhiệm vụ trông coi, cai quản mảnh đất mà mỗi gia đình đang sinh sống. Chính vì thế, bàn thờ ông Địa cũng là một trong những bàn thờ quan trọng trong gia đình. Bạn có thể tham khảo bài viết: Cách bày và trang trí bàn thờ Ông Địa ngày Tết chuẩn, đẹp nhất nhé.
Cách trang trí bàn thờ Thần tài ngày Tết
Bàn thờ thần tài thường sẽ có mặt trong các gia đình làm công việc kinh doanh, buôn bán. Thông thường bàn thờ thần tài đều được gia chủ lau dọn, trang hoàng hằng ngày nên vào dịp Tết việc trang trí cũng khá đơn giản.
Tuy nhiên, bàn thờ Thần tài có kích thước khá nhỏ nên bạn cũng cần lưu ý để lựa chọn các vật phẩm trang trí sao cho phù hợp, tránh việc trang trí quá rườm rà. Thông thường, người ta sẽ bày trí các vật phẩm như bài vị, tượng ông Địa và Thần Tài, đèn chiêu tài, cây chiêu tài, cóc thiềm thừ, tỳ hưu... Các vật phẩm này được sắp xếp theo thứ tự như sau:
- Bài vị: Đặt ở vị trí trong cùng, tựa vào vách lưng của bàn thờ.
- Tượng ông Địa và Thần Tài: Đặt tượng ông Địa ở tay phải, Thần tài ở tay trái. Nếu thờ
- Thần Tiền thì đặt Thần Tiền vào giữa ông Địa và Thần tài.
- Ba chum muối, gạo và nước: Đặt ở giữa Thần tài và ông Địa.
- Lư hương: Đặt ở giữa bàn thờ.
- Lọ hoa: Đặt ở phía tay phải bàn thờ.
- Bát nước: Để dưới đất, phía trước ban thờ.
- Tượng cóc thiềm thừ: Đặt bên trái ban thờ.
- Đĩa hoa quả: Đặt ở phía tay trái ban thờ.
- Đèn chiều tài và cây chiêu tài đặt ở 2 bên ban thờ.
Ngoài ra, bạn có thể dâng nước ngọt, hoa quả, tượng mèo ở các vị trí thích hợp xung quan ban thờ.
Cách trang trí bàn thờ ngày Tết miền Bắc
Việc trang trí bàn thờ gia tiên ngày Tết của người miền Bắc thường sẽ rất chú trọng vào những nguyên tắc, cấm kỵ. Một số điều cấm kỵ cơ bản chúng tôi đã nói qua ở trên. Ngoài ra, khi trang trí bàn thờ gia tiên, người miền Bắc sẽ không thể bỏ qua mâm ngũ quả. Ngày nay việc lựa chọn quả bày trên mâm ngũ quả của người miền Bắc cũng đã phong phú và đa dạng hơn trước nhưng có một số loại quả không thể thiếu đó chính là nải chuối và quả bưởi, quả quất. Khi lựa chọn quả để bày trên mâm ngũ quả, bạn cũng nên chọn màu sắc thể hiện tương ứng với ngũ hành để thể hiện sự đủ đầy, sung túc, hài hòa.
Bên cạnh mâm ngũ quả thì người miền Bắc thường sẽ chưng 1 cành hoa đào trên bàn thờ gia tiên, sau đó trang trí thêm đèn nháy, dây kim tuyến hoặc các phụ kiện khác. Nếu không có hoa đào, họ sẽ thay thế bằng 1 hoặc 2 lọ hoa tươi để ở 2 bên.
Những gia đình có điều kiện, cầu kỳ hơn thì có thể trang trí thêm tháp bia, tháp bánh kẹo tài lộc 2 bên để thêm phần sang trọng. Ngoài ra, bạn cũng có thể trang trí thêm nhiều món đồ khác như nến cây (nến đèn), cây vàng bạc, cây tài lộc, bánh kẹo, mứt Tết, rượu, tiền vàng mới... Đặc biệt, vào ngày cuối cùng của năm, trên bàn thờ còn để mâm cơm cúng Tất niên.
Cách bày trí bàn thờ gia tiên miền Nam
Mâm ngũ quả cũng chính là một điểm nhấn trên bàn thờ gia tiên của người miền Nam vào ngày Tết. Những loại quả mà họ thường bày trên bàn thờ đó chính là sung, đu đủ, mãng cầu, xoài, dừa. Đây là những loại quả thể hiện cho mong cầu đầy đủ, sung túc, may mắn trong năm mới.
Ngoài ra, người miền Nam cũng thường lựa chọn những cặp nến to hay những trái dưa hấu có dán chữ đỏ, những câu đối đỏ để bày biện trên bàn thờ vào ngày Tết. Lọ hoa ngày Tết thường trưng những loại hoa như hoa cúc, bông vạn thọ, hoa huệ… Đặc biệt, trên bàn thờ người miền Nam ngày Tết còn có bánh tét, thịt kho, canh khổ qua, nem, chả giò…
Cách trang trí bàn thờ ngày Tết miền Trung
Người miền Trung thường không sử dụng những loại trái cây có vị đắng, cay, họ thường chỉ chọn hoa quả có vị ngọt để chưng trên bàn thờ vào dịp Tết để mong cầu an vui, hạnh phúc. Ngoài ra, họ cũng không chọn cam, quýt để trang trí bàn thờ như người miền Bắc bởi họ quan niệm "cam đành, quýt đoạn".
Những loại hoa thường được người miền Trung trang trí trên bàn thờ là hoa cúc vạn thọ, lay ơn... Bên cạnh đó, họ cũng sử dụng các loại bánh kẹo, nước ngọt, trà... để bày biện, trang hoàng cho bàn thờ thêm đầy đủ, trang nghiêm nhất.
Trang trí bàn thờ Tổ quốc ngày Tết
Với những gia đình có công với cách mạng, thân nhân của liệt sĩ... họ thường có một bàn thờ rất đặc biệt đó chính là bàn thờ Tổ quốc, bàn thờ Bác Hồ. Và việc trang trí bàn thờ này cũng rất được chú trọng.
Những vật phẩm dùng để trang trí bàn thờ Tổ quốc ngày Tết chắc chắn không thể thiếu ảnh/tượng Bác hồ, bát nhang, lọ hoa tươi, mâm ngũ quả, những món ăn đặc trưng ngày Tết theo mỗi vùng miền, địa phương. Ngoài ra, bạn cũng có thể trang trí thêm câu đối ở 2 bên hoặc cờ tổ quốc và cờ Đảng ở vị trí là sau lưng hoặc phía trên ảnh/tượng Bác Hồ.
Gợi ý mẫu trang trí bàn thờ Tết 2024 đẹp
Dưới đây là một số mẫu trang trí bàn thờ Tết đẹp, đơn giản, đúng phong tục, thể hiện được sự tôn kính của gia chủ:
Trên đây là cách trang trí bàn thờ ngày Tết đơn giản, đẹp, thành kính nhất mà chúng tôi muốn chia sẻ tới bạn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.
Đừng quên thường xuyên truy cập chuyên mục tư vấn quà tết trên website để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác nhé!
Xem thêm
Văn khấn Thần Tài ngày mùng 2 Tết
Cách cắm cành hoa mận đẹp, tươi lâu
Ngày mùng 2 Tết 2024 tốt hay xấu? Là ngày mấy Dương lịch?
3 Văn khấn rước ông Táo ngày 30 Tết, mồng 7 Tết và khi về nhà mới
30 Hình ảnh hoa đào ngày Tết đẹp mừng năm mới
Cách khắc dưa hấu Tết đơn giản, cầu tài lộc cho cả năm
Cách làm phong bao lì xì hình hoa mai cực đẹp đón Tết
Những lời chúc Tết cha chánh xứ hay nhất
Văn khấn giao thừa trong chùa