Tứ bất tử là những ai? Nhân vật nữ duy nhất trong Tứ bất tử là ai?

Cập nhật: 28/03/2024

Tứ bất tử là 4 vị Thánh bất tử trong văn hóa dân gian Việt Nam. Vậy, Tứ bất tử là những ai? Nhân vật nữ duy nhất trong Tứ bất tử là ai? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Tứ bất tử là những ai?

1.

Trong tư duy của người dân một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam, con số bốn (Tứ) là con số mang tính ước lệ và thường có nhiều ý nghĩa lớn. Người ta cho rằng, mọi cơ cấu giá trị vật chất tinh thần đều bắt đầu từ bộ Tứ, ví dụ như 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc... Bộ Tứ được coi là những gì tiêu biểu, độc đáo nhất trong một tập hợp và thường mang tính thời đại, chính vì vậy, ngày xưa người ta thường hay có: Tứ trấn, An Nam Tứ đại tài, Tràng An Tứ hổ, Sơn Tây Tứ quý....

Trong văn hóa dân gian và thế giới tâm linh của người Việt, hình ảnh bộ Tứ cũng thường hay xuất hiện, đặc biệt không thể không nhắc đến Tứ bất tử - bốn vị Thánh linh thiêng trường sinh bất tử trong các thần điện Việt Nam. Vậy, Tứ bất tử là những ai?

Hình ảnh Tứ bất tử trong văn hóa dân gian qua phong cách mỹ thuật hiện đại

Theo các tư liệu văn hóa dân gian Việt Nam, Tứ bất tử bao gồm:

  • Tản Viên Sơn Thánh, hay Sơn Tinh: Là vị thần núi Tản Viên (Ba Vì), núi tổ của các núi ở Việt Nam. Tản Viên tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai.
  • Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng: Là anh hùng dân tộc đã có công đánh thắng giặc Ân, giữ yên bờ cõi, là tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ.
  • Chử Đồng Tử, còn được gọi là Chử Đạo Tổ: Là vị Thánh tượng trưng cho lòng hiếu nghĩa, tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu có.
  • Công chúa Liễu Hạnh hay Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Liễu Hạnh: Là vị Thánh tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, đức hạnh, trí tuệ, sự thịnh vượng, thơ văn.

Tuy nhiên, trong 4 vị trên thì có 3 vị Thánh đầu tiên xuất hiện từ thời Hùng Vương, chỉ có Mẫu Liễu Hạnh là người duy nhất có thật, mới được đưa vào hệ thống Thần Thánh từ thời Hậu Lê. Trước khi Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện thì có ý kiến cho rằng, bên cạnh 3 vị Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đạo Tổ thì Tứ bất tử trong tín ngưỡng văn hóa dân gian còn 2 vị khác là Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không.

Từ Đạo Hạnh còn được gọi là Thánh Láng; Nguyễn Minh Không còn được gọi là Thánh Nguyễn; hai vị này là Thánh Tổ của Phật giáo, đóng vai trò trong Tứ bất tử trước thế kỷ 15 - 16. Thánh Láng và Thánh Nguyễn tượng trưng cho khả năng phi phàm tồn tại trong chính mỗi người nếu được khai phát một cách đúng đắn, họ là đại diện của văn hóa Lý - Trần vốn lấy Phật giáo làm quốc giáo.

>> Xem thêm: [Khái niệm] Văn hóa là gì? Bản sắc văn hóa dân tộc là gì?

Nhân vật nữ duy nhất trong Tứ bất tử là ai?

2.

Nhắc đến Tứ bất tử, nhiều người sẽ thắc mắc không biết trong 4 vị Thánh này, có vị nào là nữ hay không. Câu trả lời tất nhiên là có bởi ông bà ta từ xưa đến nay vốn rất coi trọng công lao của người phụ nữ, đạo Mẫu cũng là một trong số những tín ngưỡng truyền thống, vẫn còn được lưu truyền sau hàng ngàn năm lịch sử của đất nước.

Mẫu Liễu Hạnh là nhân vật nữ duy nhất trong Tứ bất tử

Công chúa Liễu Hạnh hay Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Liễu Hạnh chính là nhân vật nữ duy nhất trong Tứ bất tử. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân", "Chế Thắng Hòa Diệu đại vương" và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo là Mã Vàng Bồ Tát. Lễ hội Thánh Mẫu Liễu Hạnh thường được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại nhiều tỉnh phía Bắc.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện vào thời Hậu Lê, khá muộn so với những vị Thánh còn lại nhưng lại là người được nhân dân dày công xây dựng hình ảnh và tôn thờ nhất. Thánh Mẫu Liễu Hạnh chính là một biểu tượng thể hiện cho khát vọng được tự do, được giải phóng khỏi những ràng buộc, lễ giáo phong kiến của người phụ nữ và khát vọng có được hạnh phúc gia đình.

Thánh Mẫu Thượng Thiên Liễu Hạnh là vị Thánh đại diện cho khát vọng của người Việt trong thời Hậu Lê

Mặc dù trước kia, người Việt cổ đã có Tam tòa Thánh Mẫu gồm: Mẫu Cửu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (3 vị Mẫu trị vì Trời, Rừng, Nước), tuy nhiên, những vị Thánh này vẫn rất xa vời với ước nguyện và tín ngưỡng dân gian. Bên cạnh đó, thời đại Hậu Lê là một giai đoạn lịch sử đặc biệt khi càng về sau, các đời vua Lê càng trở nên mục nát, nhiều phe phái nổi lên tranh giành quyền lực khiến cho xã hội loạn lạc, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, vào thời đại này, nước ta bị Nho giáo ảnh hưởng rất lớn khiến cho thân phận người phụ nữ bị rẻ rúng, coi thường. Người dân cần có một bậc Thánh vừa uy linh, vừa gần gũi với đời sống nhân sinh, vừa thể hiện tinh thần phản kháng của người dân với chính quyền phong kiến và có tiếng nói đòi bình đẳng của người phụ nữ. Những ước vọng ấy đã hun đúc nên hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Thượng Thiên Thánh Mẫu của dân.

Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đã hiểu thêm về hình ảnh Tứ bất tử cũng như về nhân vật nữ duy nhất trong 4 vị Thánh trên - Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hy vọng rằng những thông tin mà VnAsk chia sẻ sẽ giúp ích cho bạn. Đừng quên thường xuyên truy cập để tham khảo thêm nhiều thông tin thú vị khác nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!

>> Tham khảo thêm