Mùa Phục sinh 2024 bắt đầu và kết thúc khi nào? Ý nghĩa, thánh lễ Mùa Phục sinh
Bạn có biết Mùa Phục sinh bắt đầu và kết thúc khi nào cũng như có ý nghĩa gì không? Nếu bạn chưa biết thì hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây nhé!
Mùa Phục sinh bắt đầu và kết thúc khi nào? Ý nghĩa, Thánh lễ Mùa Phục sinh
Mùa Phục sinh là gì?
Mùa Phục sinh là một giai đoạn trong năm Phụng Vụ của Kitô giáo, tiếp nối sau Mùa Chay, thường bắt đầu từ Chúa Nhật Phục sinh đến lễ Hiện Xuống. Ngày lễ Phục sinh là thời điểm bắt đầu Mùa Phục sinh và cũng là ngày lễ quan trọng nhất trong năm Phụng Vụ, là ngày lễ Mẹ của mọi ngày Chúa Nhật, bởi vì Thánh lễ nào cũng đều tưởng niệm và tái diễn công cuộc Vượt Qua của Đức Kitô.
Mùa Phục sinh có mấy tuần, bắt đầu và kết thúc khi nào?
Mùa Phục sinh thường kéo dài 50 ngày, tương đương với khoảng 7 tuần, bắt đầu từ ngày Chúa Nhật Phục sinh đến lễ Hiện Xuống. Theo Dương lịch của người phương Tây thì ngày Chủ Nhật bắt đầu Mùa Phục sinh có thể sẽ có sự thay đổi qua từng năm nhưng nhất định phải là ngày Chủ Nhật nằm trong khoảng từ giữa 22 tháng 3 đến ngày 25 tháng 4, sau ngày rằm và ngay sau tiết Xuân Phân. Theo đó, Mùa Phục sinh năm 2024 sẽ bắt đầu từ ngày 31 tháng 3 Dương lịch và kết thúc vào ngày 19 tháng 5 Dương lịch.
Ngày thứ 40 kể từ sau ngày lễ Phục sinh có ngày lễ Chúa Giêsu lên trời (tức lễ Thăng Thiên, rơi vào ngày Thứ Năm) nhưng thường được dời vào ngày Chúa Nhật kế tiếp. Ngày thứ 50 kể từ sau ngày lễ Phục sinh là ngày lễ Ngũ Tuần kỉ niệm Chúa Thánh Thần hiện xuống theo Tân Ước, ngày này cũng được coi là ngày khai sinh ra Giáo hội.
Ý nghĩa của Mùa Phục sinh
Đối với những người theo Kitô giáo, sự hồi sinh của Chúa Giêsu sau khi bị chết trên thập tự giá đã khiến cho ngài trở thành người có quyền năng đem lại cho họ đời sống vĩnh cửu. Họ tin rằng cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu đã hoàn thành những gì mà biến cố Xuất Hành đã tiên báo: Giải phóng con người khỏi tội lỗi và đưa họ vào cuộc sống trên Thiên Đàng mà Người đã trao ban. Với họ, mùa Phục sinh không chỉ có ý nghĩa hướng đến sự cứu rỗi của Chúa mà còn như một biểu tượng cho sự hồi sinh, mang lại sự sống mới.
Bên cạnh đó, Mùa Phục sinh còn diễn ra vào mùa Xuân - mùa của sự sinh sôi, nảy nở nên lại càng tiếp thêm sức mạnh để họ tin vào những điều tốt đẹp, những sự hồi phục kỳ diệu và một tương lai tốt đẹp hơn.
Các nghi thức Thánh lễ Mùa Phục sinh
Tuần lễ trước Mùa Phục sinh được gọi là Tuần Thánh, tính từ ngày Chúa nhật lễ Lá (hay Chúa nhật Thương Khó) cho đến hết ngày Thứ bảy Tuần Thánh (hay Canh thức Vượt Qua). Trong tuần này, các giáo hội Kitô giáo tưởng nhớ Cuộc thương khó của Giêsu Kitô, cử hành những mầu nhiệm mà Chúa Giêsu đã hoàn tất vào những ngày cuối cùng ở trần gian. Đối với Kitô hữu, mọi cử hành phụng vụ trong tuần này đều nói lên thái độ đau buồn, nhưng với tâm tình biết ơn vì Chúa đã thương trở nên con người để chịu đau khổ và chịu chết cho nhân loại tội lỗi. Vào ngày Chúa Nhật Phục sinh, các giáo hoàng thường chúc phép lành Urbi et Orbi từ ban-công chính của vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Trong đêm Phục sinh, các nhà thờ sẽ tổ chức lễ Vọng Phục sinh để cầu nguyện trong tâm tình chờ mong sự Phục sinh của Chúa. Lễ Vọng Phục sinh thường bao gồm 4 phần:
- Phần thứ nhất: Nghi thức thắp Nến Phục sinh bao gồm việc thánh hóa lửa, thắp nến, kiệu Nến Phục sinh và trọng tâm là công bố Tin Mừng Phục sinh.
- Phần thứ hai: Phụng vụ Lời Chúa, suy ngẫm các việc kỳ diệu Chúa đã làm cho dân Người từ đầu, và dân Chúa tin tưởng vào lời hứa của Người.
- Phần thứ ba: Phụng vụ phép Rửa, thánh hóa nước rửa tội và lặp lại lời cam kết bước theo Chúa Kitô khi chịu phép Rửa.
- Phần thứ tư: Phụng vụ Thánh Thể, dâng Chúa được mời dự tiệc thánh mà Đức Kitô đã dọn sẵn cho dân Người qua sự chết và phục sinh của Người.
Sau khi cử hành Thánh lễ bắt đầu Mùa Phục Sinh, niềm vui vượt qua được kéo dài trong một tuần lễ tiếp theo, người ta gọi đây là Bát nhật Phục sinh. Lời chúc tụng cuối cùng của các Giờ Kinh Phụng Vụ được đánh dấu bởi hai lần hát « alleluia » và theo truyền thống, thời gian này được dành cho việc bổ túc các bài học giáo lý cho các tân tòng.
Trong Mùa Phục Sinh, thay vì đọc kinh Truyền tin thông thường thì người ta sẽ tiến hành đọc kinh Truyền tin mùa Phục sinh hay còn gọi là kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Bên cạnh đó, dịp lễ Phục sinh ở phương Tây cũng gắn liền với nhiều phong tục đặc biệt như tặng Trứng Phục sinh, Thỏ Phục sinh cho nhau. Vào ngày Thứ Hai Phục sinh, Tổng thống Hoa Kỳ thường tổ chức một cuộc chơi đua lăn trứng Phục sinh (Easter Egg Roll, thường là dùng gậy hay là muỗng dài chuyển trứng, phong tục này đã có trên 400 năm) hàng năm trên bãi cỏ Nhà Trắng cho trẻ nhỏ.
Qua bài viết trên đây hẳn bạn đã hiểu thêm được về ý nghĩa và thời gian diễn ra Mùa Phục sinh năm nay rồi phải không? Để tham khảo thêm các thông tin khác về Mùa lễ Phục sinh, hãy truy cập ngay nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!
Xem thêm
Lịch Công giáo: Lịch Công giáo tháng 9
Lịch Công giáo: Lịch Công giáo tháng 7
Lịch Công giáo: Lịch Công giáo tháng 5
Happy Easter nghĩa là gì? Hình ảnh Happy Easter mừng lễ Phục sinh đẹp
Hình ảnh, thiệp chúc mừng lễ Phục sinh đẹp, ý nghĩa thay lời chúc
Lời chúc mừng lễ Phục sinh hay, câu chúc mừng lễ Phục sinh bằng tiếng Anh ý nghĩa
Lời chúc mừng lễ Phục sinh hay, câu chúc mừng lễ Phục sinh bằng tiếng Anh ý nghĩa
Nghi thức thứ 6 Tuần Thánh - Đi Đàng Thánh Giá thứ 6 Tuần Thánh
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào ngày nào? Có ý nghĩa gì?