Hiện tượng siêu trăng máu là gì? Siêu trăng máu xuất hiện khi nào?
Siêu trăng máu là một hiện tượng kì thú liên quan đến Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Vậy hiện tượng siêu trăng máu là gì và xuất hiện khi nào? Liệu siêu trăng máu có thực sự báo hiệu những điều "ám ảnh" như cái tên của nó không? Hãy cùng VnAsk tìm lời giải đáp ngay bây giờ bạn nhé!
Những điều thú vị về hiện tượng siêu trăng máu
Hiện tượng trăng máu là gì? Hiện tượng siêu trăng máu là gì?
Trong tiếng Anh, trăng máu được gọi là blood moon, siêu trăng máu được gọi là super blood moon. Trăng máu là một tên gọi khác của hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Ngày có thể xuất hiện nguyệt thực toàn phần là một ngày trăng tròn trong tháng. Nếu nguyệt thực toàn phần xảy ra khi vị trí của Mặt Trăng trùng hoặc gần như trùng với cận điểm (vị trí Mặt Trăng gần Trái Đất nhất) thì nó sẽ được gọi là siêu trăng máu.
Mặt Trăng có màu đỏ trong ngày có trăng máu, siêu trăng máu không?
Tên gọi trăng máu hay siêu trăng máu được dịch từ blood moon hay super blood moon trong tiếng Anh xuất phát từ chính màu sắc của Mặt Trăng ở pha toàn phần trong hiện tượng nguyệt thực toàn phần: Toàn bộ Mặt Trăng sẽ xuất hiện với sắc đỏ. Tuy nhiên, điều này không phải do Mặt Trăng tự thay đổi màu sắc mà là do ảnh hưởng từ vị trí của Mặt Trăng so với Trái Đất và Mặt Trời khi đó.
Pha toàn phần của nguyệt thực toàn phần là lúc Mặt Trăng, Trái Đất, Mặt Trời nằm thẳng hàng với nhau, Trái Đất nằm giữa Mặt Trăng và Mặt Trời và Mặt Trăng bị vùng bóng tối của Trái Đất che khuất hoàn toàn khỏi Mặt Trời.
Thực tế, Mặt Trăng không có khả năng tự phát sáng. Chúng ta thấy Mặt Trăng tỏa sáng chủ yếu là do bề mặt Mặt Trăng phản xạ lại ánh sáng từ Mặt Trời. Tuy nhiên, tại pha toàn phần của nguyệt thực toàn phần, do Mặt Trăng bị vùng bóng tối của Trái Đất che khuất hoàn toàn khỏi Mặt Trời nên bề mặt Mặt Trăng sẽ không nhận được ánh sáng trực tiếp từ Mặt Trời mà thay vào đó sẽ nhận được ánh sáng Mặt Trời đã đi qua rìa khí quyển Trái Đất.
Ánh sáng Mặt Trời là chùm sáng đa sắc, bao gồm nhiều ánh sáng đơn sắc khác nhau, trong đó ánh sáng hướng về phía màu đỏ của quang phổ sẽ có bước sóng dài hơn so với ánh sáng hướng về phía màu tím của quang phổ. Khi đi vào khí quyển Trái Đất, do tán xạ Rayleigh, phần lớn những ánh sáng với bước sóng ngắn trong ánh sáng Mặt Trời sẽ bị khí quyển tán xạ và lọc bỏ, còn đa số những ánh sáng với bước sóng dài hơn có thể dễ dàng đi qua khí quyển.
Do đó, vào pha toàn phần của nguyệt thực toàn phần, ánh sáng đến được bề mặt Mặt Trăng và được bề mặt Mặt Trăng phản xạ lại chủ yếu là những ánh sáng về phía đỏ như ánh sáng đỏ, ánh sáng cam... Vì thế, chúng ta sẽ quan sát thấy Mặt Trăng lúc này có sắc đỏ, và đó cũng chính là lí do cái tên trăng máu ra đời.
Thực tế, màu sắc của Mặt Trăng khi xảy ra pha toàn phần của hiện tượng nguyệt thực toàn phần có thể thay đổi từ nâu tối, đỏ cho tới cam sáng hay vàng... tùy thuộc vào lượng bụi và mây có trong khí quyển. Nếu khí quyển có càng nhiều mây và bụi thì sắc đỏ của Mặt Trăng sẽ càng tối, thẫm hơn.
Ngoài ra, bên cạnh việc có một khoảng thời gian chuyển toàn bộ sang sắc đỏ thì cũng như những ngày siêu trăng khác, Mặt Trăng trong ngày diễn ra hiện tượng siêu trăng máu thường trông có vẻ to hơn so với những ngày trăng tròn bình thường.
Sự thay đổi của Mặt Trăng trong một ngày diễn ra hiện tượng trăng máu.
Trăng máu là điềm gì?
Có những quan niệm cho rằng trăng máu (huyết nguyệt, trăng huyết, trăng đỏ) là một điềm báo xấu khi mà Mặt Trăng có màu đỏ như máu. Tuy nhiên, từ những lí giải về màu sắc của trăng máu ở trên thì có thể thấy rằng đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường dưới góc độ khoa học. Thậm chí, đây còn là một hiện tượng rất đáng để bạn chờ đợi và chiêm ngưỡng nữa.
Cùng xem lại một số hình ảnh trăng máu, siêu trăng máu ấn tượng đã được ghi lại qua các năm nhé:
Tối hôm nay có trăng máu, siêu trăng máu không? Trăng máu, siêu trăng máu 2022 xuất hiện khi nào?
Hiện tượng trăng máu chỉ xảy ra khi có đủ các điều kiện là Mặt Trăng phải ở vào pha tròn và Mặt Trăng, Trái Đất, Mặt Trời phải thẳng hàng với nhau, vùng bóng tối của Trái Đất phải che khuất hoàn toàn Mặt Trăng khỏi Mặt Trời. Với siêu trăng máu thì cần thêm một điều kiện nữa là vị trí của Mặt Trăng phải trùng hoặc gần như trùng với cận điểm của nó so với Trái Đất.
Năm 2022 sẽ có 2 sự kiện trăng máu vào tháng 5 và tháng 11, cụ thể:
- Trăng hoa máu vào tháng 5: Hiện tượng này chỉ có thể nhìn thấy ở khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, một phần Tây Á và một số phần đại dương bao quanh các lục địa này, có nghĩa là nếu ở Việt Nam, bạn sẽ không thể quan sát được. Thời điểm trăng hoa máu đạt đỉnh là lúc 4 giờ 11 phút sáng ngày 16-5 giờ quốc tế.
- Trăng sương giá hóa trăng máu: Vào ngày 8-11, chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng trăng máu, mặc dù Việt Nam không phải địa điểm thuận lợi nhất để quan sát. Thời gian diễn ra hiện tượng này bắt đầu từ lúc 17 giờ 22 phút và kết thúc lúc 20 giờ 56 phút, đạt đỉnh lúc 17 giờ 59 phút (theo giờ Việt Nam). Từ khi bắt đầu trăng máu sương giá đến 18 giờ 42 phút, màu đỏ sẽ bao phủ toàn bộ mặt trăng rồi lui dần.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về hiện tượng trăng máu, siêu trăng máu và thời gian xuất hiện trăng máu trong năm 2022.
Ghé thăm chuyên mục Tổng hợp trên mỗi ngày để tham khảo thêm nhiều thông tin thú vị, hữu ích, đặc biệt là các sự kiện thiên văn bạn nhé!
Xem thêm
Khối C gồm những môn nào, ngành nào? Các trường đại học khối C
Hướng dẫn đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào lớp 1 năm 2021
Khối D01 (D1) gồm những môn nào, ngành nào? Các trường Đại học khối D1
D90 gồm những môn nào, ngành nào? Các trường xét tuyển khối D90
Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022 tại Hà Nội
Một số biện pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường tiểu học
Bài cảm nhận: Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Công thức tính điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 chuẩn nhất
Kinh nghiệm chụp ảnh kỷ yếu cấp 2 đẹp, độc, chất, ý nghĩa nhất