Chùa Hoằng Pháp ở đâu? Kinh nghiệm đi chùa Hoằng Pháp

Cập nhật: 28/03/2024

Chùa Hoằng Pháp là một địa danh rất nổi tiếng ở Việt Nam mà bất kỳ Phật tử nào cũng nên biết. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về chùa Hoằng Pháp và kinh nghiệm đi chùa Hoằng Pháp nhé!

Chùa Hoằng Pháp ở đâu?

1.

Chùa Hoằng Pháp ở đâu?

Chùa Hoằng Pháp (Hoang Phap Temple) hay Tổ Đình Hoằng Pháp là một ngôi chùa ở huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Cho đến nay, chùa Hoằng Pháp nổi tiếng là nơi thu hút các tín đồ Phật giáo ở Sài Gòn và các vùng lân cận đến tham quan và tham gia các khóa Tu Phật Thất Khóa Tu Mùa Hè, khóa Tu Sinh Viên, khóa Tu Thiếu Nhi, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan báo hiếu...

Lịch sử chùa Hoằng Pháp

2.

Chùa Hoằng Pháp là một trong những ngôi chùa mới ra đời không lâu. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông do cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập năm 1957 trên một cánh rừng chồi. Sau hai năm khai phá, năm 1959 ông mới bắt đầu xây dựng bằng gạch đinh, hai tầng mái ngói, mặt chùa xoay về hướng Tây Bắc. Trong lịch sử phát triển của chùa Hoằng Pháp cũng có nhiều dấu mốc đáng ghi nhớ, tiêu biểu như:

Chánh điện chùa Hoằng Pháp

  • Năm 1965: Chiến tranh tàn phá tại Đồng Xoài, Thuận Lợi làm nhiều người mất nhà cửa. Hòa thượng trụ trì đã đón nhận 60 gia đình gồm 361 nhân khẩu về chùa nuôi dưỡng trong 8 tháng, sau đó mua đất xây cất 55 căn nhà cho đồng bào định cư.
  • Năm 1968: Hòa thượng lại thành lập viện Dục Anh ở đây, tiếp nhận 365 em từ 06 đến 10 tuổi về nuôi dạy.
  • Năm 1974: Với dự định mở làng cô nhi tiếp nhận thêm hàng ngàn trẻ thơ bất hạnh và thành lập đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, hòa thượng mua thêm 45 mẫu đất tại ấp Phú Đức, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh. Công việc đang tiến hành thì xảy ra sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, số đất đó đã hiến lại cho Ban quản trị khu Kinh tế mới Lê Minh Xuân.
  • Năm 1988: Hòa thượng Ngộ Chân viên tịch. Đệ tử của ông là Thích Chân Tính lên thay đã thành lập một Ban Hộ tự tại địa phương và ở các nơi với hơn 1.000 Phật tử tham gia.
  • Tháng 3/1999: Chùa tổ chức một khóa tu Phật thất 7 ngày đêm, với 70 người tham dự. Từ đó đến nay, chùa Hoằng Pháp đã tổ chức nhiều khóa tu tương tự, thu hút rất đông đảo Phật tử khắp cả nước tham gia (mỗi khóa trên dưới 3000 người, có lúc lên tới 7000 người).
  • Năm 2005: Chùa tổ chức khóa tu mùa hè dành cho học sinh và sinh viên. Năm đầu tiên có hơn 300 em, sang năm thứ 2 số lượng tăng lên hơn 1600 em. Và cho đến nay, hằng năm, chùa đã đón nhận gần 6000 em học sinh, sinh viên đến dự tu "Khóa tu mùa hè".

Nhờ những việc làm từ thiện từ khi thành lập đến nay mà chùa Hoằng Pháp thu hút Phật tử nhiều nơi tụ hội về ngày một đông. Hiện tại, chùa Hoằng Pháp được xem là trung tâm tu học Phật Pháp, trung tâm văn hóa Phật giáo lớn nhất Việt Nam.

Những điểm đặc sắc của chùa Hoằng Pháp

3.

Ảnh chùa Hoằng Pháp

Chùa Hoằng Pháp không chỉ là một địa điểm tâm linh được nhiều Phật tử lui tới cúng lễ, cầu an mà còn là một địa điểm có kiến trúc rất độc đáo, thu hút khách tham quan. Để đi vào trong chùa trước hết các bạn phải đi qua cổng Tam Quan. Cổng có tên được đắp chữ quốc ngữ, cổng phụ bên trái có chữ “Từ Bi”, còn bên phải là chữ “Trí Tuệ”. Hai cột chính của cổng có ghi hai câu đối:

Hoằng dương đại đạo chỉ bày nhân loại nhận ra chân thật tính
Pháp Phật nhiệm màu khai thị chúng sinh ngộ được bồ đề tâm

Dọc theo hai cổng phụ có hai câu đối:

Từ bi cứu bốn loài qua bể khổ đau
Trí tuệ độ ba cõi đến bờ hạnh phúc

Từ phía bên trong cổng tam quan nhìn ra, bạn sẽ thấy hai câu đối dọc theo hai cột chính với nội dung:

Tri ân Hòa Thượng Tôn sư gây dựng cảnh thiền từ đất Bắc
Báo đáp Cao Tăng Tổ đức vun trồng vườn giác tại miền Nam

Còn hai cổng phụ ghi:

Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.

Ngoài các câu đối đặc sắc bên trên, cổng chùa Hoằng Pháp còn ghi dấu ấn với nhiều khách tham quan nhờ việc được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống pha nét hiện đại với những đường cong cách điệu, góc cạnh hơn so với những cổng chùa truyền thống. Phía trên mái cổng có 2 tầng, được lợp bằng ngói đỏ uốn cong ở mỗi đầu đao, đây cũng chính là điều tạo nên nét riêng cho kiến trúc chùa Hoằng Pháp.

Ngoài ra, chùa Hoằng Pháp còn có một điểm nhấn kiến trúc khác, đó là tháp Nhị Nghiêm. Tháp Nhị Nghiêm là nơi an nghỉ cuối cùng của cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử, người có công khai lập chùa. Tháp được xây dựng vững chắc với móng tròn rộng, cao 3 bậc càng lên cao càng thu hẹp vòng tròn lại, bên trên là tòa tháp hình vòm ốp gạch men. Trước mặt tháp đặt một đỉnh đồng, qua đỉnh đồng bước lên bậc đá để thành kính thắp nén nhang trước nhà sư. Trên đỉnh tháp Nhị Nghiêm có một chữ "vạn" - biểu tượng nổi tiếng của Phật giáo, tượng trưng cho công đức vô lượng và sự vĩnh hằng của vũ trụ.

Khuôn viên chùa là một không gian thoáng đãng với nhiều cây xanh bao phủ. Khi đi qua cổng bạn sẽ thấy tòa đại điện với mái đỏ nổi bật gồm 2 tầng, 8 mái được đỡ bởi hệ thống cột cái, cột quân vững chắc. Phía ngoài cửa vào là hàng cột hiên cao lớn, hai bên thềm tam cấp có trang trí hai con sư tử vàng, giữa lối đi lại đặt một đỉnh đồng lớn với họa tiết bắt mắt.

Tiền điện của chùa Hoằng Pháp thờ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ngự trên tòa sen cao 4,5 mét trong tư thế thiền định. Hậu Tổ thờ cố hòa thượng Ngộ Chân Tử, Tổ khai sơn chùa Hoằng Pháp, bên trên cũng có hai bức phù điêu miêu tả cuộc đời tu hành của Ngài. Hai bên tả hữu là bàn thờ chư hương linh.

Cách đi và kinh nghiệm tham quan chùa Hoằng Pháp

4.

Đi chùa Hoằng Pháp như thế nào?

Chùa Hoằng Pháp nằm cách trung tâm Quận 1 về phía Tây Bắc khoảng 20km, đi theo cung đường Nguyễn Văn Trỗi, Cộng Hòa, Trường Trinh, dọc quốc lộ 22 ngôi chùa nằm gọn phía bên tay phải đường đi. Để đến đây thì bạn có thể thuê xe tự túc đi, đi taxi hoặc sử dụng các phương tiện công cộng, đi tuyến 04, tuyến 13, tuyến 74, tuyến 94.

  • Địa chỉ: Xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Điện thoại: 08 3713 0002.
  • Website: www.chuahoangphap.com.vn.

Chùa Hoằng Pháp là một địa điểm tâm linh nổi tiếng nên du khách tới đây tham quan có thể mặc quần áo thoải mái nhưng phải kín đáo, tránh ăn mặc hở hang, váy ngắn, quần short. Chùa Hoằng Pháp mở cửa từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày, mọi người tự do đến tham quan, cúng bái, cầu nguyện và niệm phật, chùa vào cửa tự do. Khi đến chùa xin bạn nên chú ý giữ yên lặng và thanh tĩnh để không làm phiền mọi người xung quanh.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn thêm được về địa danh chùa Hoằng Pháp cũng như kinh nghiệm tham quan chùa Hoằng Pháp. Để tham khảo thêm thông tin về các danh thắng khác trên cả nước, bạn có thể truy cập nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!

Tham khảo thêm