Các trò chơi ngày Tết cho trẻ mầm non, các bé thiếu nhi hay, ý nghĩa
Cuộc sống hiện đại, những đứa trẻ quen dần với các loại đồ chơi thông minh, đồ chơi điện tử mà không có cơ hội được trải nghiệm những trò chơi dân gian gần gũi, truyền thống. Nếu Tết này, bạn muốn các em bé trong gia đình mình có được những giây phút trải nghiệm, chơi những trò chơi ngày xưa thì hãy tham khảo ngay bài viết này nhé. Các trò chơi ngày tết cho trẻ mầm non mà chúng tôi giới thiệu dưới đây chắc chắn sẽ mang đến cho các bé những giây phút thật vui và ý nghĩa trong dịp Tết này đấy.
Trò chơi dân gian rồng rắn lên mây
Rồng rắn lên mây là một trong những trò chơi dân gian tập thể quen thuộc và được nhiều bạn nhỏ yêu thích. Trò chơi này không chỉ giúp các bé được vận động, vui chơi mà còn giúp các bé thể hiện được tinh thần đoàn kết, gắn bó.
Cách chơi
Để chơi trò chơi này sẽ cần 1 bé đóng vai "ông chủ" và ngồi 1 chỗ. Những bé còn lại sẽ nối đuôi nhau để thành 1 hàng dài rồi đi vòng quanh sân, vừa đi vừa đọc bài vè:
"Rồng rắn lên mây
Có cái cây lúc lắc
Có cái nhà điểm binh
Có ông chủ ở nhà không?"
Khi đọc đến câu "có ông chủ ở nhà không", các bé sẽ dừng lại. Lúc này "ông chủ" có thể trả lời "có" hoặc "không". Nếu ông chủ trả lời "không" thì các bé sẽ tiếp tục đi và đọc bài vè. Nếu "ông chủ" trả lời "có" thì cả nhóm sẽ trả lời những câu hỏi sau đây của "ông chủ".
- Ông chủ: Cho tôi xin khúc đầu.
- Cả nhóm: Những xương cùng xẩu.
- Ông chủ: Cho tôi xin khúc giữa.
- Cả nhóm: Chả có gì ngon.
- Ông chủ: Cho tôi xin khúc đuôi.
- Cả nhóm: Tha hồ mà đuổi.
Lúc này "ông chủ" sẽ đuổi để bắt được khúc đuôi (tức là bé đứng cuối hàng), cả nhóm sẽ chạy để tránh "ông chủ". Bé đứng đầu hàng dang tay để che cho cả nhóm. Nếu "ông chủ" bắt được khúc đuôi thì các bé sẽ đổi vai cho nhau và bắt đầu chơi lại từ đầu.
Trò chơi dân gian thiếu nhi cá sấu lên bờ
Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non cá sấu lên bờ chắc chắn sẽ giúp cho các bạn nhỏ có được những giây phút thư giãn, thoải mái vào dịp nghỉ Tết này đấy. Để tiến hành trò chơi này, bạn cần chuẩn bị sân chơi rộng rãi.
Cách chơi
Bạn kẻ 2 đường vạch cách nhau khoảng 3 mét trở lên (tùy vào độ tuổi của nhóm các bé "làm bờ"). Em bé "bị" sẽ đóng vai cá sấu và đi lại ở giữa 2 vạch kẻ đó để tìm bắt người ở dưới nước hoặc có 1 chân dưới nước (nghĩa là thò chân ra khỏi vạch kẻ hoặc nhảy ra khỏi vạch). Những bé còn lại sẽ đứng ngoài 2 vạch kẻ (tức là đứng trên bờ) để vừa chọc tức cá sấu và làm sao cho cá sấu không thể bắt được mình. Nếu bé nào bị cá sấu bắt sẽ đổi vai là cá sấu. Trong trường hợp cá sấu bắt được 2 bé thì 2 bé này sẽ chơi oẳn tù tì để quyết định ai làm cá sấu.
Trò chơi dân gian ngày xưa oẳn tù tì
Oẳn tù tì là một trong những trò chơi dân gian cực lâu đời và ngày nay nó vẫn thường được sử dụng như một cách quyết định ai là người được ưu tiên. Đây là một trò chơi đơn giản nhưng giúp các bạn nhỏ có thể thử sức phán đoán của mình. Để chơi trò chơi này, các bé sẽ dùng chính bàn tay để thể hiện các vật dụng gồm:
- Cái búa: Nắm các ngón tay lại như nắm đấm.
- Cái kéo: Cụp 3 ngón tay gồm ngón cái, ngón áp út và ngón út, đồng thời xòe 2 ngón tay còn lại (tức là ngón giữa và ngón trỏ) để tạo hình cái kéo.
- Cái bao: Xòe cả 5 ngón tay ra.
Theo quy định luật chơi thì cái búa sẽ đập cái kéo, cái bao sẽ trùm cái búa và cái kéo sẽ cắt cái bao. Khi chơi các bé sẽ đọc "Oẳn tù tì, ra cái gì? Ra cái này!".
>> Xem thêm: [Nhạc thiếu nhi] Các bài hát thiếu nhi vui nhộn hay nhất cho bé
Nhảy bao bố
Nhảy bao bố là trò chơi dân gian không giới hạn số người chơi, chỉ cần bạn chuẩn bị sẵn một chiếc bao bố là đã có thể tham gia chơi.
Cách chơi
Người chơi sẽ được chia đều làm hai đội trở lên. Mỗi đội sẽ có một ô hàng dọc để nhảy và có vạch kẻ, một vạch xuất phát và một vạch đích. Mỗi đội sau đó sẽ xếp thành một hàng dọc, người đứng đầu bước vào trong bao bố, hai tay giữ chắc miệng bao. Khi nghe tiếng lệnh xuất phát, người đứng đầu mỗi đội mới nhảy đến đích rồi lại quay lại mức xuất phát đưa bao cho người thứ hai. Khi nào người thứ nhất nhảy về đến đích thì người chơi thứ hai mới bắt đầu nhảy. Cứ thực hiện như vậy đến nguồi cuối cùng, đội nào về đích trước sẽ là đội thắng.
Nhảy sạp
Đây là một trong những trò chơi phổ biến tại các vùng Tây Bắc, nó có sức hút khá mạnh mẽ và lôi cuốn nhiều người tham gia. Trò chơi nhảy sạp thường xuất hiện trong các lễ hội hoặc lễ ăn mừng chiến thắng giữa quân với dân thời xa xưa.
Cách chơi
Để bắt đầu các điệu nhảy sạp, các bạn sẽ đặt sạp cách nhau một khoảng cách nhất định rồi gác hai đầu với những cây sạp con đặt song song với nhau. Cứ như vậy, các bạn xếp sạp thành một hàng dài (khoảng cách giữa các cây sạp con khoảng bằng hơn 1 gang tay vừa đủ để các bé nhảy dễ dàng hơn). Sau đó, cô và các bé sẽ cùng nhau nhảy nhịp nhàng theo điệu nhạc của người Tây Bắc.
Bịt mắt bắt dê
Bịt mắt bắt dê chắc hẳn không còn là trò chơi xa lạ với mọi người nữa phải không nào? Đây là trò chơi dân gian được khá nhiều người yêu thích, nhất là các bạn nhỏ từ lứa tuổi mầm non.
Cách chơi
Bạn lựa chọn khoảng sân rộng, bằng phẳng, sạch sẽ và thoáng mát, dùng một chiếc khăn nhỏ (không nhìn qua được). Tiếp theo, người chơi sẽ đứng xung quanh tạo thành hàng rào (rộng khoảng 5 - 7m) rồi cùng vỗ tay cho các bạn chơi. Chọn ra hai bạn nhỏ vào chơi, một người làm dê và một người đi bắt dê (cả hai sẽ cùng bị bịt mắt). Tiếp theo, giáo viên sẽ hướng dẫn các bạn đi vào giữa vòng, đứng quay lưng vào nhau, cách một cánh tay. Quy định ai làm dê và ai là người đi tìm. Dê sẽ vừa đi vừa kêu, còn người tìm dê sẽ phải chú ý tiếng kêu của dê để mà đuổi bắt. Khi trò chơi bắt đầu, dê kêu, người đi bắt và mọi người xung quanh sẽ hò reo. Nếu bắt được dê sẽ là người thắng cuộc, sau đó lại chọn tiếp hai bạn khác vào chơi.
Xúc xắc xúc xẻ
Xúc xắc xúc xẻ là trò chơi được khá nhiều bạn nhỏ yêu thích và tổ chức vào các dịp lễ, nhất là lễ Tết. Các bạn nhỏ sẽ cùng nhau túm năm tụm bảy đi cùng nhau quanh thôn xóm của mình, đến các nhà để xin tiền. Vừa đi, các em sẽ cùng nhau hát vang bài xúc xắc xúc xẻ. Bài đồng dao này có ý nghĩa là mang lại điềm lành, may mắn cho các gia chủ.
Cách chơi
Tất cả mọi người sẽ xếp thành hai hàng ngang, hàng dọc rồi vừa vỗ tay, vừa hát to bài đồng dao với giọng điệu vui tươi, sảng khoái.
Mèo đuổi chuột
Nhắc đến trò chơi dân gian thì chắc chắn không thể không nhắc đến mèo đuổi chuột. Đây là trò chơi được rất nhiều các em nhỏ yêu thích và lựa chọn chơi mỗi dịp Tết về.
Cách chơi
Các bạn nhỏ sẽ đứng thành hai vòng tròn, một vòng tròn nhỏ bên trong và một vòng tròn to bên ngoài. Giáo viên sẽ phân một trẻ làm mèo và một trẻ làm chuột đứng quay lưng vào nhau, một bạn trong vòng tròn nhỏ và một bạn trong vòng tròn lớn. Khi nghe hiệu lệnh của cô giáo, bạn nhỏ làm chuột sẽ chạy trước và sau đó bạn nhỏ làm mèo sẽ đuổi theo sau. Chuột chạy vào hang nào thì mèo sẽ chạy theo vào hang đó. Trong khi đó, các bạn nhỏ đóng vai trò làm hang sẽ đọc đồng thanh bài mèo và chuột.
Mời bạn ra đây
Tay nắm chặt tay
Đứng thành vòng rộng
Chuột chui lỗ hổng
Để chạy cho mau
Mèo đuổi phía sau
Chạy đâu cho thoát
Thế là chú chuột
Lại hóa thành mèo
Co cẳng đuổi theo
Bắt mèo hóa chuột.
Sau đó, nếu mèo bắt được chuột ở hang nào thì hai trẻ làm hang đó sẽ đổi vai thành mèo và chuột, còn hai trẻ vừa làm mèo chuột thì làm hang.
Nhảy dây
Luật chơi của trò chơi này khá đơn giản. Người nhảy sẽ không được giẫm chân lên dây, nếu giẫm phải dây thì là thua cuộc.
Cách chơi
Dùng một sợi dây dài vừa đủ, một bạn nhỏ đứng thẳng người, hai tay cầm đầu sợi dây và cổ tay quay đều sợi dây qua đầu. Khi dây vòng xuống sát mặt đất thì hai chân chụm lại nhảy qua vòng dây hoặc có thể nhảy qua vòng dây bằng chân trước, chân sau liên tiếp nhau.
Đá cầu
Đá cầu là trò chơi dân gian đã in đậm trong ký ức và gắn liền với tuổi thơ của mỗi người. Khi chơi trò này, người chơi sẽ tha hồ được vui chơi trong bầu không khí lành mạnh và vui vẻ, mang lại cho các bạn nhỏ sân chơi hấp dẫn, đồng thời rèn luyện hoạt động thể chất cũng như sự nhanh nhẹn.
Cách chơi
Số lượng người chơi sẽ là 2 - 8 bạn nhỏ, chia theo các đội hình khác nhau. Người chơi sẽ oẳn tù tì với nhau để tìm ra thứ tự chơi. Khi đến lượt chơi, từng người dùng tay tung cầu rồi giơ chân ra đỡ cầu và đá cầu lên cao. Khi cầu rơi xuống đất vừa tầm thì lại tiếp tục dùng chân đá lên cao. Cứ như vậy, người chơi vừa đá cầu, vừa đếm số lần chiến thắng. Ai đá được nhiều nhất sẽ là người thắng cuộc và được đi tiếp đến vòng tiếp theo.
Trốn tìm
Luật chơi của trò trốn tìm khá đơn giản: Trong khoảng thời gian quy định, người chơi đi tìm người trốn, nếu tìm thấy ai thì có nghĩa là người đó thua cuộc, còn nếu không tìm được thì sẽ phải chịu phạt. Người chơi sẽ đi tìm trong thời gian quy định, nếu tìm thấy hết mọi người thì sẽ thắng cuộc.
Cách chơi
Cả nhóm sẽ cử ra một bạn đi tìm (có thể xung phong hoặc oẳn tù tì), nhắm mắt lại (có thể dùng khăn bịt mắt), các bạn còn lại sẽ tản ra xung quanh đi trốn. Khi bạn bịt mắt hỏi xong chưa (hoặc đếm số đến 100) thì một bạn trả lời đại diện "xong". Người đếm sẽ mở mắt đi tìm.
Kéo co
Luật chơi của trò kéo co đơn giản như sau: Bên nào giẫm vào vạch chuẩn bị trước sẽ là người thua cuộc.
Cách chơi
Chia nhóm học sinh thành hai nhóm với số lượng bằng nhau, tương đương sức nhau rồi xếp làm hai hàng đối diện nhau. Mỗi nhóm sẽ cử ra một bạn khỏe nhất để đứng đầu hàng, cầm vào sợi dây thừng, các bạn phía sau cũng cầm vào dây. Khi có hiệu lệnh của cô giáo, tất cả các bạn sẽ kéo dây mạnh về phía mình. Nếu người đứng đầu hàng nhóm nào giẫm lên vạch chuẩn trước sẽ thua.
Những hình ảnh các trò chơi dân gian khác
Trò chơi dân gian bịt mắt bắt dê
Trò chơi dân gian nhảy bao bố
Trò chơi dân gian trồng nụ, trồng hoa
>> Xem thêm:
- Cách chơi ô ăn Quan hướng dẫn chi tiết, đơn giản
- Chi chi chành chành - Đồng dao, cách chơi trò chơi chi chi chành chành
Trên đây là tổng hợp các trò chơi dân gian ngày Tết cho trẻ mầm non, các bé thiếu nhi hay, ý nghĩa để bạn tham khảo. Hi vọng rằng những gợi ý trên đây của chúng tôi sẽ giúp bạn có thể lựa chọn được trò chơi dân gian phù hợp với bé yêu nhà mình, giúp bé có thể trải nghiệm nhiều hơn, thêm yêu những trò chơi truyền thống hơn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.
Đừng quên truy cập chuyên mục Giải trí trên để tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!
Xem thêm
Sự tích Tết Nguyên Tiêu Rằm tháng Giêng
Mùng 1 Tết có được gội đầu không, có kiêng cạo râu, giặt quần áo không?
15 loại quả đem tài lộc, may mắn nên được chưng trên bàn thờ dịp Tết
Còn bao nhiêu ngày nữa đến giao thừa 2024? Đếm ngược Tết 2024
Những lời chúc Tết cha chánh xứ hay nhất
10 vật dụng trang trí Tết mang lại nhiều tài lộc
9 loài hoa cấm kỵ tuyệt đối không đặt trên ban thờ
Kịch bản chương trình văn nghệ chào năm mới
Kế hoạch tổ chức tiệc tất niên cuối năm hoàn hảo