Điểm cực Tây của Việt Nam nằm ở tỉnh nào?

Cập nhật: 28/03/2024

Điểm cực Tây Việt Nam ở đâu là một thông tin mà rất nhiều người hiện nay vẫn chưa biết. Nếu bạn cũng là một trong số những người đang tò mò về điều này thì hãy theo dõi bài viết dưới đây ngay nhé!

Tọa độ điểm cực Tây Việt Nam

1.

Các điểm cực trị của Việt Nam là các địa điểm có tọa độ xa nhất về phía Bắc, Nam, Đông và Tây của Việt Nam khi so với bất kỳ vị trí nào khác trên lãnh thổ của đất nước, và là các địa điểm có độ cao cao nhất và thấp nhất của Việt Nam. Trên thực tế thì có khá nhiều người Việt Nam đến nay vẫn chưa biết rõ về các điểm cực mặc dù nó đã được đưa vào sách giáo khoa Địa Lý.

Vậy điểm cực Tây Việt Nam ở đâu, có tọa độ bao nhiêu?

Điểm cực Tây Việt Nam có tọa độ bao nhiêu?

Điểm cực Tây Việt Nam là điểm có tọa độ xa nhất về phía Tây của lãnh thổ nước ta. Điểm cực Tây của Việt Nam có tọa độ 22,400734°B - 102,14394°Đ tương đương 22°24′2,6″B - 102°08′38,2″Đ nằm hoàn toàn trên đất liền, giá ranh với Ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào (Lưu ý: Tọa độ lấy từ Google Earth, sử dụng hệ thống tham chiếu trắc địa WGS84).

>> Tham khảo: Các điểm cực Việt Nam ở đâu? Tọa độ 4 cực của Việt Nam

Điểm cực Tây nước ta nằm ở tỉnh nào?

2.

Điểm cực Tây của nước ta nằm ở A Pa Chải - Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Điểm cực Tây của Việt Nam được đánh dấu bằng cột mốc tại ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cột mốc được 3 quốc gia thống nhất cắm mốc vào ngày 27/6/2005, được làm bằng đá granite, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông diện tích 5x5m, cột cao 2m có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia.

Điểm cực Tây nước ta nằm ở tỉnh nào?

Tỉnh Điện Biên nằm ở rìa phía Tây khu vực Tây Bắc Việt Nam. Điện Biên có tọa độ địa lý từ 20°54’ đến 22°33’ vĩ độ Bắc và từ 102°10' đến 103°36' kinh độ Đông. Điện Biên nằm cách thủ đô Hà Nội 504km về phía Tây, có vị trí địa lý:

  • Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La
  • Phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu
  • Phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
  • Phía Tây và Tây Nam giáp CHDCND Lào.

Tỉnh lỵ của tỉnh là thành phố Điện Biên Phủ. Điện Biên gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử vào năm 1954 và lễ hội hoa ban. Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc dài hơn 400km là đường biên giới tiếp giáp với Lào là 360km và đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc là 40,86km. Tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện với 129 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 9 phường, 5 thị trấn và 115 xã với dân số khoảng 613.500 người (tính đến năm 2020).

>>> Xem thêm: Lễ hội hoa ban là của dân tộc nào? Lễ hội hoa ban 2021 vào ngày nào?

Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là về lĩnh vực văn hóa - lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ gồm:

  • Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (Mường Phăng).
  • Các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập.
  • Các đồi A1, C1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (hầm Đờ-cát Tơ-ri).
  • Thành Bản Phủ - đền thờ Hoàng Công Chất.

Ngoài ra còn có các công trình kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và rất nhiều các hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú, như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé, các hang động tại Pa Thơm (huyện Điện Biên) - Thẩm Púa (Tuần Giáo), các suối khoáng nóng Hua Pe - U Va, các hồ Pá Khoang, Pe Luông…

Cực Tây A Pa Chải của Việt Nam

Để đến được cao điểm cực tây này, cần phải vượt qua ít nhất 500km từ Hà Nội lên thành phố Ðiện Biên Phủ, rồi tiếp tục chặng đường núi gập ghềnh, quanh co thêm chừng 260km nữa mới vào đến xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, nơi có đường biên giới tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Từ đây, ta tiếp tục xuôi theo con đường nhựa xuyên Mường Nhé là đến A Pa Chải. Hiện nay từ bản A Pa Chải đã tách và lập ra bản Tá Miếu thuộc xã Sín Thầu, và là bản cực Tây thật sự ở miền bắc Việt Nam. Mặc dù vậy tên gọi "Mốc ngã ba biên giới A Pa Chải" vẫn lưu truyền trong các giới thiệu về điểm mốc nói trên là một điểm du lịch hấp dẫn.

Ngày nay, A Pa Chải không còn là một địa danh xa lạ, rất nhiều đoàn khách từ khắp nơi đã tìm đến nơi đây để có thể trải nghiệm những cảm giác mới lạ. Năm 2010, A Pa Chải đã đón gần 1.000 lượt khách tham quan. Trong số đó, phần lớn du khách là người trẻ thích khám phá, mạo hiểm. A Pa Chải sở hữu khu rừng nguyên sinh hoang sơ với hệ động thực vật đa dạng, cùng nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số.

Qua bài viết này, chắc rằng bạn đã biết được điểm cực Tây Việt Nam nằm ở tỉnh nào cũng như biết thêm được những thông tin hữu ích về địa điểm này rồi phải không? Nếu bạn muốn tìm hiểu về các điểm cực trị khác của lãnh thổ nước ta thì hãy truy cập ngay nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!

Tham khảo thêm