Ý nghĩa của cây hoa giấy? Cách trồng, chăm sóc hoa giấy ra hoa nhiều quanh năm

Cập nhật: 28/03/2024

Cây hoa giấy là một giống cây cho hoa rất đẹp, được rất nhiều người yêu thích cũng như có nhiều ý nghĩa tích cực về mặt phong thủy. Hãy cùng VnAsk tìm hiểu thêm về cây hoa giấy và ý nghĩa, tác dụng của loài cây này qua bài viết dưới đây nhé!

Cây hoa giấy là cây gì?

1.

Cây hoa giấy thuộc chi Hoa giấy hay chi Bông giấy (danh pháp khoa học: Bougainvillea) là một chi trong thực vật có hoa bản địa khu vực Nam Mỹ, từ Brasil về phía tây tới Peru và về phía nam tới miền nam Argentina (tỉnh Chubut). Cây hoa giấy là các dạng cây cảnh phổ biến tại phần lớn các khu vực có khí hậu nóng ấm, bao gồm Indonesia, Ấn Độ, Đài Loan, Zimbabwe, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Úc, khu vực ven Địa Trung Hải, Caribe, México, Pakistan, Panama, Nam Phi, miền nam Hoa Kỳ và Hawaii.

Cây hoa giấy là loài cây quen thuộc với người Việt Nam

Một số loài hoa giấy được công nhận là loài hoa chính thức của các đảo như Grenada, Guam, các huyện Liên Giang và Bình Đông ở Đài Loan; Ipoh, Malaysia và của các thành phố như Tagbilaran, Philippines, Camarillo, California, Laguna Niguel, California và San Clemente, California.

Đặc điểm, phân loại cây hoa giấy

2.

Cây hoa giấy là loại cây dây leo dạng gỗ, cây bụi hay cây thân gỗ có gai. Các loài dây leo thường mọc cao từ 1 - 12m, bò trên các loài cây khác bằng các gai có móc. Cây hoa giấy thích hợp với vùng khí hậu nóng ẩm, có nhiều ánh sáng và lượng mưa dồi dào quanh năm, loại cây này cũng rất dễ rụng lá nếu sống trong môi trường có mùa khô.

Lá cây hoa giấy thường mọc so le, lá đơn hình trứng nhọn mũi, dài 4 - 13cm và rộng từ 2 - 6cm. Khi nở, mỗi cụm 3 hoa của cây thường được bao quanh bằng 3 hay 6 lá, cánh hoa mỏng và giống như giấy nên được gọi là hoa giấy. Hoa có nhiều màu khác nhau như màu hồng, tím, tía, đỏ, cam, trắng hay vàng... và có quả là dạng quả bế hẹp, 5 thùy. Cây hoa giấy tương đối ít bị sâu bệnh nhưng có thể bị tổn thương từ các loài giun và rệp. Ấu trùng của một số loài cánh vẩy cũng có thể làm hại đến cây hoa giấy, chẳng hạn như loài bướm đêm báo khổng lồ.

Cây hoa giấy có gai không?

Cây bông giấy có từ 4 - 18 loài khác nhau, trong đó tại Việt Nam, phổ biến nhất là các giống như:

  • Giống hoa giấy Thái: Hoa giấy thái là loại hoa giấy phổ biến và rất thông dụng, nên bạn có thể gặp ở rất nhiều nơi. Cây thường được trồng làm hàng rào, trồng công trình, bonsai…
  • Giống hoa giấy Mỹ: Cây hoa giấy Mỹ có lá nhỏ, cuống ngắn, lá xếp sát nhau hơn, hoa nở thành chùm nhỏ hơn so với các giống hoa giấy khác. Nhưng cành bông giấy Mỹ thì thường to và khỏe hơn những loại hoa giấy khác chính vì thế nên hay được người ta sử dụng để làm cây bonsai uốn thế. Cây hoa giấy Mỹ ra hoa màu hồng đậm và hoa lâu rụng, mùa mưa cây cũng không bị rụng lá như bông giấy Thái.
  • Giống hoa giấy cẩm thạch: Cây hoa giấy cẩm thạch dễ nhận biết bằng mắt thường nhờ việc lá cây có viền vàng kem rất lạ mắt. Hoa giấy cẩm thạch thường chỉ có hoa màu hồng sậm hay đỏ, lá ít màu xanh nên khả năng quang hợp kém hơn, do đó khi ghép lên cây khác thì khả năng sống cao và dễ chăm sóc hơn. Cây bông giấy cẩm thạch khó chăm sóc hơn những dòng khác nên cần lưu ý khi trồng, đặc biệt với cây ghép cần phải được cắt tỉa hợp lý.
  • Giống hoa giấy ghép màu: Cây hoa giấy ghép màu còn gọi là hoa giấy tam sắc, hoa giấy ngũ sắc. Đây là giống cây lai tạo, được ghép từ nhiều cây hoa giấy màu khác nhau lên cùng một  gốc để tạo thành cây bông giấy nhiều màu giúp nó trông lung linh, nổi bật hơn.
  • Giống Mỹ lai cẩm thạch: Cây hoa giấy cẩm thạch nếu trồng riêng lẻ thì rất khó chăm sóc, nên người ta thường chọn gốc của cây khỏe để ghép vào. Giống hoa giấy Mỹ là giống cây rất khỏe, sinh trưởng mạnh và dễ thích nghi với nhiều kiểu khí hậu nên người ta hay dùng ghép với giống cẩm thạch để cây hoa vừa đẹp, khỏe và dễ chăm sóc. Bên cạnh đó, cây hoa giấy Mỹ với hoa giấy cẩm thạch có cùng màu hoa là tím hồng, nên khi ghép cây ra hoa sẽ không bị lem màu hay pha màu trên cánh hoa.

Ngoài ra, còn khá nhiều loại cây hoa giấy khác như: Cây hoa giấy vạn hoa lầu, cây hoa giấy mini, cây hoa giấy lá nhỏ...

Ý nghĩa và tác dụng của cây hoa giấy trong phong thủy, đời sống

3.

Cây hoa giấy có nhiều tác dụng và ý nghĩa trong cuộc sống cũng như trong phong thủy

Cây hoa giấy là loài cây có vẻ ngoài tươi tắn nhưng cũng rất mộc mạc. Đây là loài cây có nhiều ý nghĩa cả trong phong thủy cũng như đời sống:

  • Hoa giấy có nhiều màu sắc rực rỡ nhưng thân cây lại xù xì, gai góc, cánh hoa mỏng manh, không quá lộng lẫy nên nó thường tượng trưng cho một tình yêu mộc mạc, đơn sơ.
  • Thân cây hoa giấy nhiều gai, thuộc dạng thân gỗ leo nhưng rất cứng chắc, trái ngược với vẻ đẹp mong manh của những bông hoa, vậy nên người ta còn hay nói hoa giấy là tượng trưng cho sự bảo vệ cái đẹp.
  • Những cánh hoa giấy luôn đan khít vào nhau như anh em ruột thịt khăng khít với nhau để cùng bảo vệ gia đình, nơi mà bố mẹ làm nhụy, chính vì thế hoa giấy còn thể hiện cho tình cảm gia đình sâu sắc, gắn bó.
  • Có một số quan niệm phong thủy còn cho rằng cây hoa giấy có thể xua đuổi tà ma, mang đến cho căn nhà bạn không gian bình yên, sự sum vầy, hạnh phúc, sự bao bọc chở che, giúp cho gia chủ luôn may mắn, hạnh phúc, phát tài, phát lộc. Cây hoa giấy cũng được cho là rất hợp với người tuổi Thìn, ngoài ra, tùy vào màu sắc cây khác nhau thì hoa giấy sẽ hợp với những mệnh khác nhau.

Hoa giấy có rất nhiều tác dụng thiết thực trong đời sống, mà tác dụng lớn nhất phải kể đến là làm cây cảnh trang trí sân vườn, nhà cửa. Những ngôi nhà có giàn hoa giấy đẹp, nở rực rỡ luôn thu hút rất nhiều sự chú ý của người qua đường, thậm chí có nhiều người còn phải dừng xe lưu lại một bức ảnh đẹp trước những giàn hoa giấy rực rỡ sắc màu. Bên cạnh đó, nhiều người cũng thường thích chơi bonsai hoa giấy được uốn thành những thế cây độc đáo.

Cây hoa giấy leo

Hoa giấy leo hàng rào

Con đường hoa giấy

Bonsai hoa giấy

Hoa giấy dáng huyền

Hoa giấy dáng bay

Bên cạnh công dụng trang trí, lá hoa giấy còn được nghiên cứu là có chứa một số chất kháng viêm được cho là có thể hỗ trợ trị bệnh tiểu đường, nhiễm khuẩn đường hô hấp. Theo bài thuốc từ hoa giấy của Ấn Độ, lá hoa giấy có tác dụng trị tiêu chảy và để làm giảm độ axit trong dạ dày. Tại Panama, hoa giấy hay được sử dụng để điều trị huyết áp thấp, chữa ho và đau họng, viêm gan.

>> Xem thêm: 365 Loài hoa đại diện cho ngày sinh ở Hàn Quốc

Cách trồng và chăm sóc cây hoa giấy đẹp

4.

Cách trồng hoa giấy

Hoa giấy là một loại cây dễ thích nghi, có thể trồng ngoài vườn hoặc trong chậu, nếu trồng trong vườn thì nên rồng cây trên sườn dốc hoặc đất có độ thoải. Cây hoa giấy có nhu cầu nước vừa phải, phát triển tốt nhất trong điều kiện nước vừa đủ. Vì vậy, bạn phải đảm báo đất trồng có khả năng thoát nước tốt, tránh ngập úng gây thối rễ làm cây bị chết.

Về đất trồng hoa giấy, để thoát nước tốt thì bạn nên thêm cát, than bùn rêu, đá trân châu hoặc Vermiculite vào đất rồi tiến hành đo độ pH của đất trước khi trồng. Nếu độ pH quá cao thì bạn có thể thêm đá vôi vào đất để tăng độ pH hoặc lưu huỳnh để giảm độ pH xuống mức vừa đủ. Cây sẽ phát triển tốt nhất với đất có độ pH từ 5.5 đến 6.0.

Cây hoa giấy thường được nhân giống và trồng theo phương pháp giâm cành, cách thực hiện cũng khá đơn giản.

Cách trồng hoa giấy giâm cành

Cành giâm hoa: Nên chọn cành đã ra 1 - 2 năm, khỏe mạnh, không chọn cành quá già. Mỗi cành có thể cắt thành các đoạn 20cm nhưng nên chắc chắn mỗi đoạn có 2 mắt cây hoặc hơn. Thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu trồng hòa là vào mùa thu mát mẻ hoặc 2 tháng đầu mùa xuân ấm áp để giúp cây phát triển thuận lợi. Sau khi chọn được cành để giâm, bạn tiến hành thực hiện các bước giâm cành như sau:

  • Làm ướt đầu dưới của cành giâm, sau đó nhúng cành giâm vào dung dịch hoocmon kích thích ra rễ (bạn có thể mua các dung dịch hoocmon kích thích ra rễ tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp).
  • Đặt cành giâm vào chính giữa chậu giâm hoặc phần đất giâm cành sao cho cành nghiêng với góc 15 độ, sâu khoảng 10cm.
  • Tiến hành tưới nước luôn sau khi giâm để chặt đất và cung cấp nước cho cành giâm. Làm giàn che cho cây bằng lưới đen hoặc nếu giâm chậu với số lượng ít bạn có thể mang để ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp cũng được.
  • Cách hai ba ngày bạn tiến hành tưới nước nhẹ một lần để giữ độ ẩm vừa phải cho cây, không nên tưới nhiều quá sẽ khiến cành giâm bị thối vỏ, không ra rễ được. Khi thấy cành nẩy mầm thì bạn bỏ lưới che để cây có đủ ánh sáng phát triển.

Cách chăm sóc cây hoa giấy

Cây hoa giấy phát triển rất tốt trong thời tiết nóng và khô, nên các khu vực miền Trung, miền Nam nước ta có thể thoải mái trồng trong chậu hay ngoài vườn đều được. Tại miền Bắc, nơi có mùa đông lạnh, tốt nhất bạn nên trồng cây hoa giấy trong chậu để tiện mang vào nhà chăm sóc khi nhiệt độ xuống thấp. Nhiệt độ lý tưởng cho cây hoa giấy phát triển tốt nhất là khoảng 12oC vào ban đêm và ban ngày không vượt quá 38oC. Cây hoa giấy là loại cây ưa nắng nên bạn cần đảm bảo cho cây tắm nắng ít nhất 6 giờ một ngày để cây có thể phát triển tốt.

Cách chăm sóc, tưới nước cho hoa giấy

Hoa giấy thường không ưa nước vì vậy bạn không cần phải tưới nước nhiều, nếu bề mặt đất khô ráo và khi xới khoảng 5cm đất lên cảm nhận được đất có độ ẩm thì mới nên tưới nước. Khi tưới cây, bạn nên sử dụng vòi xịt phun sương để hạn chế lượng nước tập trung một chỗ.

Cứ khoảng 4 tháng bạn nên tiến hành bón phân cho cây hoa giấy một lần, nên dùng phân hữu cơ hoặc phân chậm tan để bón cho cây thay vì dùng các loại phân đạm cao. Ngoài ra, bạn phải luôn đảm bảo bón phân ít nhất một lần trong năm để cây phát triển khỏe mạnh và ra nhiều hoa. Bạn cũng nên tiến hành cắt tỉa chồi cây định kỳ thì hoa sẽ nở nhiều và thường xuyên hơn.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về cây hoa giấy - một giống cây cảnh rất quen thuộc với người Việt Nam. Để tiến hành trồng cây cảnh trong nhà, bạn đừng quên tham khảo và chọn mua các loại dụng cụ làm vườn chuyên dụng như kìm cắt cành, bình tưới cây... Chi tiết về các sản phẩm, bạn có thể tham khảo tại website  hoặc liên hệ hotline dưới đây để được hỗ trợ nhanh nhất nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau.

>> Tham khảo thêm: